Bất đồng giữa Tổng thống Moldova Nicolae Timofti và Quốc hội nước này đã gia tăng khi ông Timofti ngày 13/1 bác ứng cử viên Vladimir Plahotniuc do liên minh cầm quyền đề xuất vào cương vị thủ tướng.
Lý do Tổng thống Timofti đưa ra là thời điểm giữ cương vị Phó Chủ tịch Quốc hội Moldova, ông Plahotniuc đã không vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào ngày 22/2/2013.
Người đứng đầu nhà nước Moldova nhấn mạnh ông Plahotniuc bị cáo buộc tham gia vào hoạt động bất hợp pháp gây ảnh hưởng tới uy tín Quốc hội và Nhà nước Moldova.
Tổng thống Timofti cũng viện dẫn quyết định của Tòa án Hiến pháp Moldova ngày 22/4/2013 cho rằng "bất kỳ cương vị chính trị nào cũng phải dựa vào các tiêu chuẩn cao của tính liêm chính". Nhà lãnh đạo Moldova yêu cầu Quốc hội phải nêu đề cử ứng cử viên khác vào chức thủ tướng vào ngày 14/1.
Trong khi đó, các nghị sỹ trong liên minh cầm quyền vẫn khẳng định tiếp tục đề xuất ứng cử viên Plahotniuc vào cương vị thủ tướng. Văn kiện nêu rõ không có bất kỳ nguyên nhân chính đáng nào khiến tổng thống không thông qua ứng cử viên vào chức thủ tướng do đại đa số nghị sỹ Quốc hội đề xuất.
Quyết định của Tống thống Timofti đưa ra trong bối cảnh trước đó, ngày 6/1, hàng nghìn người của phong trào dân sự "Phẩm giá và Quyền lợi" đã tổ chức míttinh xung quanh Dinh Tổng thống ở thủ đô Chisinau yêu cầu không ký sắc lệnh bổ nhiệm ông Plahotniuc vào cương vị thủ tướng.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, bất đồng trên có thể dẫn đến kịch bản Tổng thống Timofti từ chức hoặc Quốc hội tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn.
Trước đó, ngày 29/10/2015, Quốc hội Moldova đã giải tán chính phủ của Thủ tướng Valery Strelets sau một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ. Ông Strelet, vị Thủ tướng thứ 3 của Moldova trong năm ngoái, đã cáo buộc một trong các đảng của liên minh cầm quyền phản bội chính phủ khi cùng với hai đảng đối lập là Đảng Cộng sản và đảng Xã hội bỏ phiếu bãi miễn ông.
Quốc hội Moldova sẽ có 3 tháng để thông qua một chính phủ mới, nếu không Moldova sẽ phải tổ chức bầu cử trước thời hạn.
Chính phủ Moldova giải tán trong bối cảnh làn sóng phản đối chính phủ đang tăng cao tại trong những tháng cuối năm ngoái. Từ đầu tháng 9/2015, Moldova - một trong những quốc gia nghèo nhất châu Âu, liên tiếp bị rung chuyển bởi các hoạt động biểu tình quy mô lớn, người biểu tình cáo buộc chính phủ tham nhũng và gây nên khủng hoảng sâu sắc.
Theo Hiến pháp Moldova, tổng thống có quyền chỉ định ứng cử viên vào cương vị thủ tướng và trong vòng 15 ngày kể từ ngày được đề cử, ứng cử viên này phải trình Quốc hội thành phần nội các và chương trình hành động.
Ngoài ra, Tổng thống cũng có thể giải tán Quốc hội và ấn định tổng tuyển cử trước thời hạn nếu Quốc hội không thông qua nội các trong thời gian 45 ngày và không quá 2 lần. Quá trình thành lập chính phủ Moldova sẽ kết thúc vào ngày 29/1 tới./.