Gia tăng phòng vệ thương mại: Dựng 'khiên' cho doanh nghiệp

Việc sử dụng công cụ phòng vệ thương mại xuất hiện như một trong những hoạt động thông thường của thương mại quốc tế, do đó, cơ quan chức năng, doanh nghiệp cần chủ động cải thiện năng lực ứng phó.
Gia tăng phòng vệ thương mại: Dựng 'khiên' cho doanh nghiệp ảnh 1Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu sang thị trường EU. (Ảnh: TTXVN)

Phòng vệ thương mại là công cụ chính sách được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép các nước thành viên sử dụng với mục đích bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước các hành vi cạnh tranh được coi là không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu như bán phá giá hay trợ cấp từ chính phủ, hoặc trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh gây ảnh hưởng tới ngành sản xuất nội địa.

Những năm gần đây, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục đối mặt nguy cơ bị điều tra với các biện pháp phòng vệ thương mại mới.

Đây là thách thức cần có giải pháp ứng phó chủ động, thích hợp, hiệu quả, từ cả cơ quan chức năng lẫn cộng đồng doanh nghiệp, khi hàng hóa Việt Nam ngày càng được mở rộng xuất khẩu tới nhiều thị trường trên thế giới.

Hàng hóa Việt Nam đối mặt với nhiều vụ điều tra

Theo Bộ Công Thương, hàng hóa Việt Nam đang phải đối mặt với ngày càng nhiều vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài.

Tính đến tháng 11/2022, các nước trên thế giới đã tiến hành điều tra 225 vụ việc phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Các thị trường có tần suất điều tra nhiều bao gồm Hoa Kỳ, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, EU, Canada và Australia.

Xuất khẩu tăng trưởng nhanh cho thấy năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều ngành đã cao hơn, hàng hóa của Việt Nam đã thâm nhập được và có chỗ đứng tại nhiều thị trường.

Thế nhưng, việc này đã tạo ra áp lực cạnh tranh với ngành sản xuất tại nước nhập khẩu, khiến các ngành sản xuất này có thể phải yêu cầu Chính phủ sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Bởi thế, đi liền với kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao, doanh nghiệp càng trở thành đối tượng bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

[Giải pháp hạn chế điều tra phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu]

Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), đến hết năm 2022 có tổng số 225 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Đáng chú ý, giai đoạn từ năm 2005 đến 2021, cứ sau 5 năm, số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại lại tăng gấp đôi. Các sản phẩm của Việt Nam bị điều tra phòng vệ thương mại khá đa dạng như: thép, ximăng, gỗ, mật ong, cá tra, tôm, sợi...

Đặc biệt, bên cạnh những biện pháp phòng vệ thương mại truyền thống như chống bán phá giá, chống trợ cấp, đã xuất hiện các vụ việc nước ngoài điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Đơn cử, tháng 8/2022, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã thông báo khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm ống thép - chủ yếu thuộc mã HS 7306.61 và 7306.30 - nhập khẩu từ Việt Nam.

Tháng 12/2022, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã nhận đơn đề nghị điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại (anti-circumvention) với sản phẩm ghim dập nhập khẩu Việt Nam.

Điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại là cách thức điều tra mới, không chỉ với những nước là đối tượng điều tra ban đầu mà có thể mở rộng áp dụng với cả các nước khác có liên quan. Ngoài ra, các tiêu chuẩn, yêu cầu, thủ tục của cơ quan điều tra nước ngoài đối với hàng hóa nhập khẩu có xu hướng chặt chẽ và khắt khe hơn.

Thách thức với hàng hóa xuất khẩu

Đánh giá về tình hình xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2023, Tổng cục Thống kê cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế có thể phải đối mặt với lạm phát và thực trạng suy thoái kinh tế ở hầu hết các quốc gia, nhu cầu tiêu dùng toàn cầu suy giảm sẽ tác động bất lợi đến hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam.

Ngoài tác động từ tình hình trên, những cáo buộc gian lận xuất xứ, nguồn gốc nguyên liệu… cũng đang trở thành mối đe dọa với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Đơn cử đối với ngành gỗ, cáo buộc gian lận xuất xứ, nguồn gốc nguyên liệu… chính là mối đe doạ cho sự tăng trưởng và phát triển bền vững của ngành.

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết ngành gỗ đang đối diện ngày càng nhiều hơn với những vụ việc liên quan đến biện pháp phòng vệ thương mại. Tần suất của các vụ cảnh báo, khởi xướng điều tra gia tăng và những thiệt hại mà doanh nghiệp Việt Nam phải chịu ngày càng lớn hơn.

Theo phân tích của ông Hoài, nguyên nhân của hiện tượng trên xuất phát từ việc những năm gần đây, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam có mức tăng trưởng bứt phá, trở thành nước xuất khẩu gỗ đứng thứ 5 thế giới và là nhà cung cấp các sản phẩm gỗ chính cho nhiều thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản…

Theo Bộ Công Thương, đối với các doanh nghiệp Việt Nam, nếu hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp bị áp dụng thuế phòng vệ thương mại ở mức cao, sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh, dẫn đến mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu.

Cũng như ngành gỗ, liên tục trong tháng qua, các sản phẩm thép của Việt Nam bị cơ quan thương mại, kinh tế các thị trường nước ngoài khởi xướng điều tra liên quan đến phòng vệ thương mại, chống bán phá giá. Ngành thép cũng là một trong những ngành hàng chiếm tỷ lệ các vụ khởi kiện cao nhất.

Theo thống kê từ Hiệp hội Thép Việt Nam, trong thời gian kể từ 2004-7/2022 năm nay, nước ngoài kiện thép xuất khẩu của Việt Nam là 68 vụ việc; trong đó, kiện chống bán phá giá 38 vụ, kiện chống trợ cấp 3 vụ, kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp 6 vụ, kiện điều tra áp dụng biện pháp tự vệ 13 vụ, kiện chống lẩn tránh thuế 8 vụ.

Gia tăng phòng vệ thương mại: Dựng 'khiên' cho doanh nghiệp ảnh 2Việc tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu thép khiến nhiều quốc gia chú ý và gia tăng điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay hiện các sản phẩm thép Việt Nam không chỉ có mặt ở thị trường truyền thống là các nước Đông Nam Á, mà còn mở rộng ra hơn hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu với các thị trường lớn như châu Âu, châu Mỹ... Do đó, việc tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu thép khiến nhiều quốc gia chú ý và gia tăng điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), bên cạnh EU, Mỹ là thị trường xuất khẩu tiềm năng của các doanh nghiệp thép của Việt Nam. Tuy nhiên, việc sản lượng xuất khẩu gia tăng, đồng nghĩa các mặt hàng thép trong nước phải đối diện nhiều hơn các vụ điều tra phòng vệ từ chính thị trường này.

Ngoài ra, trong các xu hướng điều tra phòng vệ thương mại về thị trường tiến hành điều tra với hàng hóa của Việt Nam, nếu như trước đây, chỉ tập trung chủ yếu như Hoa Kỳ, mức độ thấp hơn là Ấn Độ hoặc Thổ Nhĩ Kỳ, EU… nhưng hiện nay cũng có rất nhiều vụ việc mới liên quan đến những thị trường khác.

Tiến sỹ Lương Đức Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ximăng Việt Nam, cho hay khi lượng hàng xuất khẩu lớn và có sức cạnh tranh sẽ bị chú ý áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Đối với ngành ximăng, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia hàng đầu về xuất khẩu ximăng sang châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ, Nam Mỹ và Australia.

Trong số đó, Philippines, Trung Quốc và Bangladesh là ba thị trường Việt Nam xuất khẩu ximăng nhiều nhất. Đặc biệt, Việt Nam là nước xuất khẩu vào Philippines lớn nhất, chiếm khoảng 92% tổng lượng nhập vào Philippines.

Có lẽ vì vậy, các nhà sản xuất ximăng của Philippines đã kiện Việt Nam bán phá giá gây ảnh hưởng thiệt hại đến sản xuất trong nước. Dù là lần đầu tiên nhưng Hiệp hội đã bàn bạc và cũng tập hợp lực lượng để đối phó việc kiện bán phá giá của doanh nghiệp sản xuất ximăng của Philippines.

Dựng “khiên” cho doanh nghiệp

Việc sử dụng công cụ phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục xuất hiện trong thời gian tới như một trong những hoạt động thông thường của thương mại quốc tế. Do đó, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cần chủ động cải thiện năng lực ứng phó.

Bộ Công Thương cho biết trong năm 2023, Bộ sẽ tiếp tục quan tâm, bảo vệ lợi ích của các ngành sản xuất trong nước thông qua việc điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại trên nguyên tắc công khai, minh bạch, tuân thủ quy định pháp luật và phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, để hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó hiệu quả với các biện pháp phòng vệ thương mại, cũng như tránh thiệt hại cho hàng hóa hóa trong nước do sự gia tăng của hàng nhập khẩu, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thông qua các hoạt động cụ thể.

Đơn cử như Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại, tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ; nâng cao năng lực về phòng vệ thương trong bối cảnh tham gia các FTA.

Gia tăng phòng vệ thương mại: Dựng 'khiên' cho doanh nghiệp ảnh 3Hàng dệt, may xuất mặt hàng làm tốt công tác phòng vệ thương mại. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Thời gian qua, để tránh thiệt hại cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã tích cực, chủ động đẩy mạnh việc cảnh báo sớm. Định kỳ hàng quý, Bộ Công Thương đều cập nhật và thông báo công khai danh sách cảnh báo để các cơ quan chức năng cũng như hiệp hội, doanh nghiệp và các bên liên quan khác có định hướng cụ thể, chuẩn bị trước cho khả năng bị nước ngoài tiến hành điều tra phòng vệ thương mại.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương còn phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về phòng, chống lẩn tránh biện pháp, gian lận xuất xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

Mặt khác, cung cấp thông tin, khuyến nghị cộng đồng doanh nghiệp không tiếp tay cho các doanh nghiệp có ý định, hành vi giả mạo, gian lận xuất xứ Việt Nam, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Thống kê cho thấy trong năm 2022, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các ngành sản xuất trong nước xử lý 16 vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của ta, bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất, xuất khẩu.

Nhờ có hiệu quả của các biện pháp phòng vệ thương mại, một số ngành sản xuất như thép mạ, phân bón DAP/MAP... đã cho thấy những con số phục hồi tích cực đến mức trong năm 2022, Bộ Công Thương đã quyết định không cần thiết phải tiếp tục duy trì biện pháp phòng vệ thương mại đối với những mặt hàng này.

Đại diện Bộ Công Thương cho hay việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại được xem là một phần quan trọng trong chính sách thương mại quốc tế của mỗi quốc gia bởi mục đích là bảo vệ hoặc hỗ trợ ngành sản xuất trong nước trong quá trình hội nhập, tự do hóa.

Các chuyên gia dự báo nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ phải đối diện với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại sẽ lớn hơn khi nền kinh tế thực hiện các cam kết trong các FTA.

Trở lại với vụ việc Philippines điều tra sản phẩm ximăng của Việt Nam, Tiến sỹ Lương Đức Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ximăng Việt Nam, cho biết đây là lần đầu tiên trong ngành ximăng đối mặt với việc bị kiện biện pháp phòng vệ thương mại từ phía các nước nhập khẩu. Khi được thông báo thì việc đầu tiên Hiệp hội phải tìm hiểu xem ở bên kia là ai kiện mình và họ kiện với nội dung gì.

Sau khi tìm hiểu, Hiệp hội nhận thấy rằng các nhà sản xuất ximăng nội địa của Philippines gọi là nội địa nhưng lại là những công ty đa quốc gia có nhà máy ở Philippines. Họ kiện Việt Nam bán phá giá làm cho họ khó khăn tại thị trường trong nước, không bán được sản phẩm.

Tiếp theo, Hiệp hội tìm hiểu xem Việt Nam xuất vào thị trường đó loại sản phẩm nào.

Sau đó, Hiệp hội trao đổi với Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) về thiệt hại nếu không có hành động giải quyết vụ việc và nhận thấy nếu như không làm gì, không có thái độ phản ứng lại thì sẽ rất thiệt hại và có khả năng nếu như họ đánh thuế đến hơn 20% thì không thể xuất khẩu ximăng vào Philippines, sẽ mất thị trường xuất khẩu khá lớn.

Sau quá trình tìm hiểu, Hiệp hội đứng ra làm đầu mối tập hợp tất cả các nhà xuất khẩu để bàn thảo, trao đổi. Sau đó, phải tìm đến một tổ chức về luật có kinh nghiệm để phối hợp với nhau ứng phó.

Một vấn đề nữa là khi làm với nước ngoài, các đối tác, chúng ta phải dựa trên luật pháp quốc tế, luật pháp của nước sở tại.

Các cơ quan quản lý nhà nước như Cục Phòng vệ thương mại ngoài việc hỗ trợ giải thích, cập nhật thông tin về tiến trình vụ việc còn là một kênh trao đổi đàm phán giữa Nhà nước Việt Nam, giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công Thương Philippines.

Gia tăng phòng vệ thương mại: Dựng 'khiên' cho doanh nghiệp ảnh 4Dây chuyền sản xuất ximăng tại Quảng Ninh. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Luật sư thành viên, Văn phòng Luật sư IDVN, cho rằng ngoài các thông tin liên quan tới tiêu chí kỹ thuật liên quan tới tiếp cận thị trường, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu quy định cơ bản về phòng vệ thương mại tại các quốc gia đó.

Bởi khi điều tra phòng vệ thương mại, mỗi quốc gia sẽ điều tra theo nội luật tức là theo quy định của từng quốc gia, Hoa Kỳ sẽ điều tra theo pháp luật Hoa Kỳ, Philippines sẽ điều tra theo pháp luật của Philippines.

Vụ việc ứng phó với phòng vệ thương mại của ngành ximăng cho thấy doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về phòng vệ thương mại, không e ngại, né tránh và chủ động phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước để giải quyết vụ việc. Đồng thời, cần nâng cao năng lực hệ thống quản trị của doanh nghiệp, đa dạng hóa thị trường, tránh lệ thuộc vào một thị trường xuất khẩu nhằm hạn chế rủi ro bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Bên cạnh việc mở rộng thị trường, các mặt hàng xuất khẩu bị điều tra cũng sẽ không giới hạn ở mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn mà mở rộng ngay cả sản phẩm có lượng xuất khẩu và giá trị thấp.

Chính vì vậy, để giảm thiểu tác động tiêu cực của các biện pháp phòng vệ thương mại, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa thị trường và cạnh tranh bằng chất lượng và hạn chế việc cạnh tranh bằng giá./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục