Giá trị chiến lược của Triều Tiên và mối quan hệ kình địch Mỹ-Trung

Triều Tiên có nhiều lý do để thúc đẩy quan hệ đối đầu Mỹ-Trung, cuộc cạnh tranh giữa hai cường quốc này sẽ giúp nâng giá trị chiến lược của Triều Tiên và làm suy yếu tiến trình phi hạt nhân hóa.
Giá trị chiến lược của Triều Tiên và mối quan hệ kình địch Mỹ-Trung ảnh 1ổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh ở Singapore ngày 12/6/2018. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo mạng tin eurasiareview, đối đầu Mỹ-Trung - bao gồm một cuộc chiến thương mại, căng thẳng liên quan tới vấn đề Đài Loan và Biển Biển Đông - đang leo thang.

Tháng 10/2018, Phó Thủ tướng Mỹ Mike Pence thậm chí còn nói bóng gió rằng một cuộc chiến tranh lạnh có thể sắp xảy ra.

Kim Jong-un, nhà lãnh đạo Triều Tiên, có nhiều lý do để thúc đẩy quan hệ đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Cuộc cạnh tranh giữa hai cường quốc này sẽ giúp nâng giá trị chiến lược của Triều Tiên và làm suy yếu tiến trình phi hạt nhân hóa.

Trung Quốc có thể dễ dàng nhận ra rằng mạng lưới an ninh do Mỹ đứng đầu ở châu Á là nhằm kiềm chế Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này càng khuyến khích Trung Quốc chấp nhận Triều Tiên, dù có vũ khí hạt nhân hay không, là một đồng minh trong cuộc chiến chống lại Mỹ.

Trong cuộc chơi "tổng bằng không" với Washington, Bắc Kinh cuối cùng có thể sẽ chấp nhận các tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng, chừng nào những vũ khí ấy tạo ra mối đe dọa đối với Mỹ lớn hơn là với Trung Quốc.

Trong trường hợp chiến tranh lạnh trở lại châu Á, Trung Quốc không thể để các lệnh trừng phạt mà Triều Tiên đang phải hứng chịu làm suy giảm ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng - đồng minh duy nhất của nước này trong khu vực.

Trong lịch sử, Trung Quốc rất sợ để mất đồng minh không đáng tin cậy này.

Trong Chiến tranh Lạnh, sự chia rẽ giữa Trung Quốc và Liên Xô đã khiến Triều Tiên trở thành một "nhân vật" trung tâm có giá trị, Trung Quốc đã buộc phải đáp ứng các điều kiện của Triều Tiên nhằm ngăn chặn quốc gia này rơi vào tầm ảnh hưởng của Liên Xô.

Giai đoạn ngay sau Chiến tranh Lạnh, khi quan hệ giữa Triều Tiên và phương Tây bớt căng thẳng, trong các cuộc đàm phán năm 1992, các đại biểu của Triều Tiên đã nói rằng Bình Nhưỡng muốn Mỹ có mặt ở châu Á để kiềm chế sự trỗi dậy của Nhật Bản.

Nhà lãnh đạo họ Kim đã có ba hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và một hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên được tổ chức với Tổng thống đương nhiệm Mỹ Donald Trump, do vậy Trung Quốc có nhiều lý do để lo ngại đánh mất đồng minh Triều Tiên.

Mặc dù một số nhà phân tích chính sách đối ngoại của Trung Quốc đánh giá Triều Tiên là "tiêu sản" hơn là "tài sản," song việc chế độ ẩn dật này bất ngờ quay lưng và đi theo Washington sẽ báo hiệu một thảm họa địa chính trị đối với Trung Quốc - quốc gia hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn về biên giới - cả trên đất liền và trên biển - ở eo biển Đài Loan, Ấn Độ và Nga.

Trong trường hợp bị Mỹ bao vây, Trung Quốc có thể tìm cách giữ chân Bình Nhưỡng bằng mọi giá, thậm chí cho dù điều đó có nghĩa là phải dừng tiến trình phi hạt nhân hóa bằng cách trao đổi thương mại bình thường với chế độ này.

Trung Quốc hiện đang tìm cách tái khẳng định ảnh hưởng của nước này trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa, duy trì ảnh hưởng đối với Triều Tiên bằng cách thực hiện chiến lược kép, vừa bảo vệ và vừa gây sức ép.

Trong khi đó, Washington tìm cách nhanh chóng gặt hái thành quả, bằng việc hai bên cùng trao đổi những bước nhượng bộ lớn ngay từ ban đầu.

Tuy nhiên, Trung Quốc hiểu rõ việc Triều Tiên thúc đẩy cách tiếp cận theo từng giai đoạn - trao thưởng cho mỗi bước tiến nhỏ khi nước này tuân thủ theo đúng thỏa thuận.

Trong lịch sử, các tiếp cận này đã giúp Triều Tiên thực hiện chiến lược "lát cắt salami", và thất hứa sau khi nhận được phần thưởng.

[Tổng thống Mỹ bảo vệ tiến triển đạt được với Triều Tiên]

Về mặt chính thức, Trung Quốc tuyên bố ủng hộ chiến dịch gây sức ép tối đa đối với Triều Tiên của chính quyền Trump, bằng cách duy trì các lệnh trừng phạt ở mức độ chưa từng có đối với Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, khả năng xảy ra xung đột quân sự trên bán đảo Triều Tiên đã giảm xuống kể từ sau mùa hè căng thẳng năm 2017, cho phép Trung Quốc nới lỏng các lệnh trừng phạt.

Nhiều thông tin cho rằng các công nhân Triều Tiên đang trở lại Trung Quốc, vì các quan chức đang làm ngơ trước tình trạng buôn bán trái phép qua biên giới và thúc đẩy các dự án công nghiệp ở các thành phố biên giới là Tumen và Namyang.

Trung Quốc tuyên bố rằng việc nới lỏng các lệnh trừng phạt là nhằm khích lệ Triều Tiên, tuy nhiên Bình Nhưỡng lại tỏ ra ngoan cố trong tình thế bế tắc ngoại giao hiện nay đúng vào lúc cơ chế trừng phạt của quốc tế được nới lỏng.

Trung Quốc sử dụng Triều Tiên để mặc cả trong quan hệ Mỹ-Trung - yêu cầu sắp xếp lại mối quan hệ giữa các cường quốc. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc chắc chắn đã mong đợi rằng việc nước này chủ động hợp tác trong trừng phạt Triều Tiên sẽ giúp xoa dịu tranh cãi về thương mại với Mỹ, tuy nhiên cuối cùng họ lại cảm thấy bị phản bội sau khi Trump công bố tăng mức thuế quan.

Trong các sự kiện có thể có liên quan, hai hội nghị thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ông Kim Jong-un năm 2018 được cho là đã kết thúc với việc nhà lãnh đạo Trung Quốc hứa hẹn sẽ hỗ trợ kinh tế cho Triều Tiên trước khi tiến trình phi hạt nhân hóa kết thúc.

Điều này đã giúp Triều Tiên có thêm động lực để không cần vội vã từ bỏ vũ khí hạt nhân. Các quan chức tình báo Mỹ cũng nhận định rằng thái độ của ông Kim đã thay đổi ngay lập tức sau hội nghị thượng đỉnh với ông Tập hồi tháng 5/2018.

Bằng cách thể hiện ảnh hưởng của mình đối với Bình Nhưỡng, Bắc Kinh có thể muốn nhắc nhở Washington rằng sự hợp tác đầy đủ của Trung Quốc là điều không thể thiếu để có thể phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

Trung Quốc chắc chắn sẽ yêu cầu "có đi có lại" trong những lĩnh vực khác để đổi lấy việc gây sức ép đối với Bình Nhưỡng.

Hơn nữa, căng thẳng Mỹ-Trung đã thúc đẩy Bắc Kinh theo đuổi chính sách "một mũi tên trúng hai đích." Trung Quốc nhận thấy cơ hội để cùng lúc loại bỏ hai mối đe dọa trong khu vực: vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và quân đội Mỹ ở Hàn Quốc. Kể từ những năm 1990, Triều Tiên liên tục nhấn mạnh rằng ý tưởng của Mỹ về việc Bình Nhưỡng đơn phương từ bỏ vũ khí hoàn toàn khác quan điểm Bình Nhưỡng về phi hạt nhân hóa.

Tháng 12 vừa qua, chế độ này đã ra một tuyên bố giải thích rõ rằng khái niệm phi hạt nhân hóa có nghĩa là "loại bỏ các mối đe dọa hạt nhân không chỉ từ miền Nam và miền Bắc, mà còn từ các khu vực lân cận của bán đảo Triều Tiên," bao gồm "các lực lượng của Mỹ đặt tại Hàn Quốc."

Điều cốt lõi ở đây là, danh sách những yêu cầu của Triều Tiên và Trung Quốc đối với Mỹ gần như giống hệt nhau: rút quân đội ra khỏi Hàn Quốc, dừng các cuộc tập trận chung với các đồng minh, và không được tiếp tục cử tàu chiến tới tuần tra ở Biển Đông.

Trong bối ảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ dâng cao, liên minh Mỹ-Hàn bị suy yếu sẽ là điều rất có giá trị đối với Bắc Kinh.

Hàn Quốc bị xem là "yếu hơn" trong hệ thống liên minh do Mỹ đứng đầu ở châu Á, và Trung Quốc hiện đã đang tìm cách ép Hàn Quốc phải di chuyển Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ra khỏi nước này vì cho rằng hệ thống này là nhằm giám sát các hoạt động tên lửa của Trung Quốc.

Tất cả những điều kể trên đã cho phép Kim Jong-un có cớ để tỏ ra ngoan cố hơn, bởi ông có thể đổ lỗi cho Trung Quốc làm chậm trễ tiến tình đàm phán.

Tháng 3/2018, Triều Tiên đã hủy các cuộc đàm phán cấp cao với Hàn Quốc vì Chiến dịch Thần sấm (Max Thunder) - một cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn.

Mặc dù trước đó ông Kim đã kín đáo đảm bảo với các phái viên Hàn Quốc rằng ông sẵn sàng chấp nhận cuộc tập trận chung này khi diễn ra các cuộc đàm phán.

Sự thay đổi đột ngột này khiến các chuyên gia đặt câu hỏi về vai trò của Trung Quốc - quốc gia đã thẳng thắn chỉ trích sự hiện diện quân sự của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên.

Tổng thống Trump từng nhiều lần ca ngời ông Kim và cáo buộc Trung Quốc đã làm chậm trễ tiến trình phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, những chuyến thăm Bình Nhưỡng liên tục của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo không đem lại nhiều kết quả, và Đặc phái viên về Triều Tiên Stephen Biegun vẫn chưa thể gặp được người đồng cấp Triều Tiên Choi Sun-hee do sự khác biệt trong quan điểm của hai bên về phi hạt nhân hóa.

Vai trò của Hàn Quốc ở đây là đảm bảo rằng cạnh tranh Mỹ-Trung không cản trở bước tiến của các hoạt động ngoại giao.

Seoul ít nhất phải hạn chế tối đa những tác động xấu của cuộc đối đầu Mỹ-Trung đối với các cuộc đàm phán với Triều Tiên, và quan trọng hơn là làm rõ lập trường của mình về các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên.

Seoul đã đưa ra những tín hiệu không rõ ràng cho phía Mỹ, Trung Quốc và Triều Tiên, và chuyến thăm các nước châu Âu của ông Moon hồi tháng 10 vừa qua đã kết thúc bằng những phát biểu ủng hộ việc nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên để đổi lấy một nghị quyết nhanh chóng.

Seoul cũng thúc giục phát triển hợp tác kinh tế liên Triều. Tuy nhiên, đồng thời Seoul cũng tuyên bố hợp tác với Mỹ trong việc duy trì gây sức ép đối với Triều Tiên. Sự nhập nhằng này đã khiến hai bên không tin tưởng lẫn nhau. Đặc biệt, Trung Quốc có thể nhận thấy đây là cơ hội để phá vỡ liên minh Mỹ-Hàn.

Hàn Quốc cần có lập trường thận trọng: duy trì liên minh với Mỹ nên là ưu tiên chính, song cần vượt ra khỏi phạm vi hiện nay của liên minh này - ví dụ, tham gia "bộ tứ" an ninh - có thể khiến Bắc Kinh phản ứng.

Kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, chính quyền Hàn Quốc, cả cấp tiến và bảo thủ, đều tìm cách biến Seoul thành "vật cân bằng" có khả năng dàn xếp các tranh chấp của các cường quốc.

Mặc dù hiện nay mục tiêu này khó có thể đạt được, song Seoul ít nhất nên bảo vệ lợi ích riêng của mình trước hậu quả có thể xảy ra trong đối đầu Trung-Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục