Ngày 30/7, tại thành phố Bắc Giang, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Bắc Giang tổ chức tọa đàm “Giá trị lịch sử địa điểm chiến thắng Xương Giang tại thành Xương Giang.”
Tọa đàm này nhằm bổ sung, hoàn thiện hồ sơ khoa học để đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, xếp hạng di tích Địa điểm chiến thắng Xương Giang tại thành Xương Giang (thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) là Di tích quốc gia đặc biệt.
Đông đảo giáo sư, tiến sỹ, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài tỉnh đã tham dự tọa đàm.
Tại đây, các đại biểu tập trung phân tích, làm rõ giá trị lịch sử, văn hóa, khảo cổ di tích Địa điểm chiến thắng Xương Giang; việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích này; đồng thời bổ sung nhiều ý kiến về giá trị khảo cổ, các chứng tích liên quan đến Chiến thắng Xương Giang.
Về việc hoàn thiện hồ sơ khoa học để đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, xếp hạng di tích Địa điểm chiến thắng Xương Giang tại thành Xương Giang (thành phố Bắc Giang) là Di tích quốc gia đặc biệt, giáo sư, tiến sỹ Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng chiến thắng Chi Lăng (Lạng Sơn) và chiến thắng Xương Giang (Bắc Giang) là một chiến thắng liên hoàn trong lịch sử, có mối liên hệ thống nhất.
Do đó, địa điểm chiến thắng Chi Lăng và Xương Giang có giá trị lịch sử, văn hóa, khảo cổ giống nhau.
Vì vậy, hai tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang có thể xem xét, liên kết về mặt nội dung để lập hồ sơ Di tích quốc gia đặc biệt liên tỉnh chiến thắng Chi Lăng-Xương Giang, từ đó góp phần phát huy tốt giá trị của cả hai di tích, vì khi tiếp xúc được cả hai di tích mới thấy hết được sự oanh liệt của ông cha ta trong chiến thắng Chi Lăng-Xương Giang và sẽ tạo nên nhiều điều lý thú cho việc xúc tiến, quảng bá du lịch địa phương.
Các đại biểu cũng đề nghị Bắc Giang cần có quy chế quản lý hoạt động di tích để đảm bảo di tích được giữ gìn và tương thích đúng với giá trị và quy mô.
Việc bảo tồn, phát triển giá trị lịch sử, văn hóa của di tích phải theo đúng tiêu chí đánh giá xếp hạng các Di tích quốc gia đặc biệt; không nên đồng nhất Nhà trưng bày tại khu di tích với Bảo tàng địa phương.
Đồng thời, thành phố Bắc Giang tiếp tục bổ sung các chứng tích liên quan đến Chiến thắng Xương Giang tại Nhà trưng bày, nghiên cứu xây dựng sa bàn lớn về phục dựng quy mô trận đánh thành Xương Giang.
Lãnh đạo địa phương phải có kế hoạch phát triển các loại hình văn hóa địa phương, trên cơ sở nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng của người dân bản địa để phát triển, bảo tồn cùng với di tích.
Trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo, chiến thắng Chi Lăng-Xương Giang (năm 1427) đóng vai trò quyết định kết thúc chiến tranh xâm lược của nhà Minh đối với nước ta.
Cùng với nhiều địa danh khác như: Chi Lăng, Cần Trạm, Phố Cát… thành Xương Giang đã trở thành trung tâm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng trong cuộc khởi nghĩa chống giặc Minh xâm lược.
Trải qua các thời kỳ lịch sử, đến nay di tích lịch sử Chiến thắng Xương Giang thuộc phường Xương Giang, thành phố Bắc Giang, là nơi ghi dấu sự kiện lịch sử sống động nhất hiện còn về cuộc khởi nghĩa oanh liệt 10 năm chiến thắng quân Minh của dân tộc.
Đây là minh chứng sinh động cho truyền thống yêu nước và nghệ thuật quân sự tài tình trong đánh giặc ngoại xâm của dân tộc ta.
Đây cũng là khu di tích tiêu biểu lưu giữ các chứng tích văn hóa vật chất của một giai đoạn lịch sử đặc biệt và đầy biến động trong lịch sử đất nước Việt Nam.
Hiện nay, di tích này là trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, nơi diễn ra nhiều sự kiện văn hóa gắn với đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang và nhiều địa phương khác.
Với những giá trị đó, năm 2009, địa điểm chiến thắng Xương Giang đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia./.