Giá vàng làm 'nóng' nghị trường Quốc hội, Thống đốc NHNN nói gì?

Vấn đề về giá vàng tiếp tục làm nóng nghị trường, các đại biểu đã liên tục phiên chất vấn Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, đặc biệt là tình trạng giá vàng trong nước luôn cao hơn nhiều so với thế giới.
Giá vàng làm 'nóng' nghị trường Quốc hội, Thống đốc NHNN nói gì? ảnh 1Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tại phiên chất vấn chiều hôm qua và sáng nay (9/6) do chưa thỏa mãn với câu trả lời của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, một số đại biểu Quốc hội đã liên tiếp đặt vấn đề về độc quyền vàng miếng SJC và chêch lệch "phi lý" giữa giá vàng trong nước nước và thế giới.

Liệu có sự bắt tay thao túng thị trường vàng?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy cho rằng diễn biến không bình thường của thị trường kinh doanh vàng miếng trong nước, nhất là từ đầu năm 2022 đến nay, đã thể hiện thị trường này có rất nhiều điểm bất ổn và bất hợp lý. Đơn cử như mức chênh lệch về giá là quá cao giữa vàng trong nước với giá vàng trên thị trường thế giới có lúc lên đến trên 20 triệu đồng mỗi lượng.

Đặc biệt, sự chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC với vàng trang sức SJC cùng hàm lượng hoặc với giá vàng miếng của các thương hiệu khác, được Đại biểu Thủy phản ánh là đang gây tâm lý lo lắng, bất an cho người dân, làm giảm niềm tin vào giá trị của đồng tiền Việt Nam và làm gia tăng lạm phát.

[Giá vàng tăng cao: Nhà đầu tư có nên mua vào thời điểm này]

“Ngân hàng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra yếu tố hình thành giá khi giá vàng miếng biến động bất thường hay chưa? Liệu có sự bắt tay, thao túng về giá vàng miếng SJC trên thị trường hiện nay hay không? Đến thời điểm nào thì Ngân hàng Nhà nước sẽ đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CPđể có thể xử lý một cách căn cơ các vấn đề bất cập của hoạt động kinh doanh vàng trong suốt thời gian qua,” bà Thủy nêu câu hỏi.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cũng nêu quan điểm “có lẽ Việt Nam là nước duy nhất đi ngược với thế giới là khi giá vàng thế giới giảm thì chúng ta lại tăng.”

Theo đại biểu, đằng sau câu chuyện này có làm lợi cho doanh nghiệp, tổ chức nào hay không và cần phải phân tích, đánh giá kỹ.

“Tôi không ủng hộ chuyện chúng ta tích lũy và cũng không tốt gì cho nền kinh tế khi chúng ta tập trung vào đó, nhưng việc quy luật kinh tế như thế tôi thấy rất có vấn đề,” đại biểu Trịnh Xuân An nói.

Trả lời vấn đề trên, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết giá vàng trên thị trường quốc tế thời gian qua diễn biến rất phức tạp và khó lường, giá vàng trong nước có cùng xu hướng với giá vàng của thế giới, nhưng tốc độ điều chỉnh tăng của giá vàng trong nước nhanh hơn và tốc độ điều chỉnh giá vàng xuống lại chậm hơn giá vàng của thế giới.

Qua đánh giá, phân tích cho thấy giá vàng của các nhãn thương hiệu khác ngoài SJC, tức là vàng nguyên liệu, về cơ bản, chênh vào khoảng 2 triệu đồng/lượng so với quốc tế. Riêng giá vàng SJC tăng ở mức lớn, khoảng 16-17 triệu đồng/lượng.

Nguyên nhân được Thống đốc lý giải là do thực hiện chủ trương chống vàng hóa trong nền kinh tế, từ năm 2014 trở lại đây Ngân hàng Nhà nước không nhập vàng về để sản xuất vàng miếng, nguồn cung vàng miếng trong nước đã bị giảm đi, vì có thể có một phần vàng đó được chuyển sang sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ.

Với biến động của giá vàng thế giới như vậy, bản thân các doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng, khi niêm yết giá cũng rất lo ngại về rủi ro, nên thường niêm yết giá rất cao. SJC là một thương hiệu vàng người dân ưa chuộng hơn cả, nên niêm yết giá cao.

Trên thực tế, giá vàng niêm yết, giá vàng mua và bán của các tổ chức về cơ bản chênh nhau khoảng 1-1,5 triệu đồng/lượng. Đối với SJC mua cao thì bán cao và các thương hiệu vàng khác mua thấp lại bán thấp.

Với vai trò quản lý nhà nước về vấn đề vàng, Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án để can thiệp nếu cần thiết. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, qua tổng hợp số liệu của các tổ chức kinh doanh vàng cho thấy người dân không có nhu cầu mua vàng miếng nhiều.

“Có số liệu là bán ròng, có nghĩa khi giá càng cao thì nhiều người dân mang đi bán để lấy Việt Nam đồng. Chúng tôi chưa tổ chức thực hiện nhập khẩu để can thiệp nhưng đã xây dựng phương án, trong trường hợp cần thiết sẽ thực hiện,” Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.

Nghị định 24 không còn phù hợp?

Sau phần trả lời của Thống đốc về giá vàng SJC, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) lại tiếp tục giành quyền tranh luận. 

Theo đại biểu này, Nghị định 24 của Chính phủ đã ban hành cách đây 10 năm, thời điểm đó thị trường vàng trong nước mới 30 triệu đồng/lượng, còn nay đã sát ngưỡng 70 triệu đồng.

"Thời gian dài như vậy, liệu có bất cập hay không. Dư luận rất xôn xao về chuyện SJC độc quyền, vậy có nên để cạnh tranh cho thị trường hạ xuống không?"

Đại biểu Hòa lo ngại giá vàng chênh quá cao khiến lạm phát tăng theo, đồng tiền mất giá. Ông Hòa đề nghị cần chấn chỉnh thị trường vàng trong nước để phù hợp diễn biến giá thế giới.

Trả lời đại biểu đoàn Đồng Nai, bà Hồng một lần nữa khẳng định trong quá trình tổng kết Nghị định 24 thời gian tới, sẽ xin ý kiến rộng rãi, xem lựa chọn như thế nào, lựa chọn thương hiệu khác hay một thương hiệu của Ngân hàng Nhà nước.

Theo bà Hồng, trước đây thị trường vàng gây nhiều hệ lụy, bất ổn nền kinh tế. Chính phủ đã ban hành Nghị định 24 với chủ trương chống vàng hóa, trong đó có nhiều giải pháp chính sách. "Nhiều năm nay thị trường tiền tệ ngoại hối ổn định," Thống đốc cho rằng đây chính là điểm sáng để Việt Nam được nâng hạng.

Theo bà, Nghị định 24 này có chính sách quan trọng là Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng. Thời điểm đó, Ngân hàng Nhà nước đã đánh giá tình hình sản xuất vàng miếng, có rất nhiều thương hiệu khác nhau song SJC chiếm trên 90% trên thị trường.

"Ngân hàng Nhà nước đã cân nhắc lựa chọn thương hiệu nào để sản xuất. Lựa chọn thương hiệu riêng hay chọn thương hiệu khác. Tuy nhiên, sau khi phân tích đánh giá lợi ích, chi phí, nếu chọn một thương hiệu riêng của Ngân hàng Nhà nước hoặc một thương hiệu khác thì người dân sẽ chuyển đổi vàng đang chiếm 90% trên thị trường sang thương hiệu khác," Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Việc này, theo Thống đốc, mất rất nhiều chi phí của xã hội vào việc không cần thiết. Chính vì vậy, sau Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước sản xuất vàng miếng nhưng thuê SJC gia công, dưới sự quản lý chặt chẽ của đơn vị này.

Với vai trò quản lý nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ sẵn sàng điều tiết giá vàng nếu thấy cần thiết. Tuy nhiên, theo số liệu cập nhật được thì người dân không có nhu cầu mua vàng miếng quá nhiều. Do đó, ngân hàng chưa can thiệp, chỉ trong trường hợp cần thiết mới tiến hành nhập khẩu vàng để can thiệp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục