Giá vàng thế giới dưới sức ép giảm sâu từ đỉnh cao

Khi giá vàng chinh phục đỉnh cao 1.900,23 USD/ounce, ít ai ngờ giá kim loại quý này lại có lúc giảm sâu xuống dưới 1.200 USD/ounce.
Khi giá vàng thế giới chinh phục đỉnh cao của mọi thời đại là 1.900,23 USD/ounce vào tháng 9/2011, có lẽ ít ai ngờ giá kim loại quý này lại có lúc giảm sâu xuống dưới 1.200 USD/ounce.

Thế nhưng, đó lại là thực tế đã diễn ra trên thị trường vàng sau hai cú sốc mạnh trong những tháng đầu năm nay. Khi nhiều yếu tố gây sức ép lên giá vàng vẫn còn đó, những dự báo cho cuối năm khó có thể chính xác.

Sau hai cú sốc mạnh

Cú sốc đầu tiên được ghi nhận trên thị trường vàng trong năm nay là vào đầu tháng Tư. Trong phiên 15/4, tại Sàn giao dịch kim loại New York (COMEX), giá vàng đã có lúc rơi tự do, giảm tới 140,3 USD/ounce (tương đương 10,9%), xuống 1.361,95 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2011 và cũng là phiên giảm mạnh nhất kể từ năm 1983.

Trong các phiên tiếp theo, giá vàng tiếp tục chìm sâu, thậm chí đã có lúc còn bị dìm xuống 1.321,35 USD/ounce.

Với cú sốc này, giá vàng thế giới đã để mất khoảng một nửa mức tăng đạt được từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và “bốc hơi” khoảng 560 USD so với mức đỉnh cao của mọi thời đại là 1.920,3 USD/ounce vào tháng 9/2011.

Việc giới đầu tư tháo chạy khỏi kim loại quý vốn được coi là công cụ chống lạm phát hữu hiệu và nơi trú ẩn an toàn trong thời kỳ bất ổn có thể đặt dấu chấm hết cho giai đoạn tăng giá của vàng trong 12 năm qua, đợt tăng giá được coi là hết sức ngoạn mục trong lịch sử.

Cú sốc thứ hai của giá vàng trong năm nay là vào cuối tháng Sáu, khi giá vàng giảm thậm chí còn sâu hơn nữa, lần đầu tiên trong vòng 34 tháng đã để tuột mốc tâm lý 1.200 USD/ounce.

Trong phiên 27/6, đã có lúc giá vàng tuột dốc không phanh, trượt xuống tới 1.185,9 USD/ounce và trong phiên 28/6, giá vàng giao ngay có thời điểm còn tụt xuống 1.180,7 USD - mức thấp nhất kể từ tháng 8/2010.

Dù phục hồi hơn 2% trong phiên giao dịch ngày 28/6 - ngày tăng mạnh nhất trong hơn một tháng, song kim loại quý này khép lại phiên cuối cùng của tháng Sáu, cũng là phiên cuối cùng của quý Hai, với mức giảm tổng cộng lên tới 23% trong cả quý - mức giảm tồi tệ nhất trong vòng 45 năm.

Nguyên nhân lao dốc của thị trường vàng trước hết là do kinh tế Trung Quốc tăng trưởng không được như kỳ vọng. Tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là một trong hai nước tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới này đã chậm lại còn 7,7% trong quý 1/2003, 7,5% trong quý Hai, sau khi tăng 7,9% trong quý Tư năm ngoái.

Kinh tế Trung Quốc bước vào thời kỳ tăng trưởng thấp có thể là lý do người dân nước này sẽ có thể không mua gom vàng nhiều như trước.

Một yếu tố nữa tác động tiêu cực tới tâm lý nhà đầu tư là cơn khát tiền mặt vào cuối tháng Sáu, điều khiến nhà đầu tư quan ngại nhu cầu về vàng tại quốc gia tiêu thụ vàng lớn thứ hai thế giới này.

Một yếu tố khác cũng gây sức ép lên giá vàng còn là bức tranh kinh tế thiếu gam màu sáng từ Ấn Độ, nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, trong những tháng đầu năm.

GDP của Ấn Độ quý Ba của tài khóa 2012-2013 chỉ đạt 4,5% so với mức tương ứng 5,3% và 5,5% của quý Một và quý Hai, trong khi thâm hụt ngân sách ước tính 5,2-5,3% GDP trong cả năm và thâm hụt tài khoản vãng lai dự kiến là 5% GDP.

Nhập khẩu vàng của Ấn Độ giảm 24% trong quý Một và tiếp tục giảm sâu trong quý Hai, khi nước này tăng thuế nhập khẩu vàng thêm 50% từ đầu năm 2013, để hạn chế nhập khẩu, giảm bớt thâm hụt tài khoản vãng lai ở mức cao kỷ lục.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư tiếp tục cắt giảm lượng vàng nắm giữ do lo ngại các ngân hàng trung ương, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đang có xu hướng chấm dứt các biện pháp kích thích kinh tế trong năm nay, khiến sức hấp dẫn của vàng như một công cụ hữu hiệu chống lạm phát, giảm bớt.

Từ đầu năm tới nay, vàng đã để mất gần 30% giá trị, do các tín hiệu tích cực từ nền kinh tế Mỹ cùng khả năng Fed rút lại chương trình nới lỏng định lượng. Giá vàng trượt dài hồi tháng Sáu chính là do kim loại này bị bán tháo liên tục vì kế hoạch của Fed về việc rút chương trình mua trái phiếu trên cơ sở nền kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi.

Gây thêm sức ép lên thị trường vàng hồi đầu năm còn là tin Síp bán 10,36 tấn vàng trị giá 400 triệu euro trong kho vàng dự trữ 13,9 tấn của Ngân hàng Trung ương nhằm góp thêm vào gói cứu trợ quốc tế trị giá 10 tỷ euro cho nước này.

Nhà phân tích Joyce Liu từ Phillip Futures tại Singapore cảnh báo động thái của Síp sẽ gây bất ổn trên thị trường kim loại quý, khi có thể tạo tiền lệ cho các nước thành viên khác trong Eurozone cũng đang gặp khó khăn tài chính.

…là những dự báo thận trọng

Giá vàng đã hồi phục sau khi giảm xuống dưới 1.200 USD/ounce trong tháng Sáu và gần đây dao động quanh ngưỡng 1.300 USD/ounce. Thị trường vàng sẽ diễn biến ra sao trong thời gian còn lại của năm là điều rất được quan tâm. Nhiều dự báo về giá vàng được đưa ra, nhưng không dự báo nào đưa ra con số trên 1.500 USD/ounce.

HSBC Global Research đã hạ dự báo giá vàng vào cuối năm xuống khoảng 1.125-1.375 USD/ounce. Những yếu tố có thể gây sức ép lên giá vàng được dẫn ra vẫn là kế hoạch của Fed về chương trình mua tài sản, biến động ở các thị trường mới nổi và khả năng sụt giảm tăng trưởng ở Trung Quốc, cũng như những nỗ lực của Chính phủ Ấn Độ nhằm hạn chế nhập khẩu vàng. Ngoài ra, nhu cầu đối với vàng cũng giảm đi khi người mua có thể chờ đến khi giá vàng chạm đáy.

CIMB Research cũng cho rằng vàng không còn được coi là thiên đường an toàn, thể hiện ở việc dòng tiền tiếp tục bị rút khỏi thị trường vàng.

Tính đến cuối tháng Sáu, SPDR, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới, vẫn liên tục bán vàng ra và kho vàng của quỹ này đã giảm tới 381 tấn, tương đương 122% tổng nhu cầu đầu tư vào vàng xu và vàng thỏi của Ấn Độ trong tài khóa 2012. Khi lãi suất có thể tăng sau kế hoạch rút bớt chương trình kích thích kinh tế của Fed, tài sản an toàn song không sinh lợi như vàng có thể không còn hấp dẫn. Do vậy, nhu cầu đầu tư vào vàng sẽ không thể cao như trong vài năm qua.

Phillip Futures Investment Analysis cho quyết định của Fed về chính sách tiền tệ là yếu tố có tác động quan trọng nhất đến giá vàng. Cơ quan phân tích này dự đoán nếu kế hoạch chi tiết về việc giảm quy mô chương trình kích thích được công bố tại cuộc họp của Fed vào tháng Chín, giá vàng sẽ tăng lên khoảng 1.346 USD/ounce, trước khi giảm xuống ngưỡng 1.200 USD/ounce.

Trong trường hợp không có thay đổi lớn nào tại cuộc họp này, giá vàng có thể tăng lên 1.400 USD/ounce, mức đã được duy trì trước khi nhà đầu tư bị tác động vì kế hoạch của Fed.

Standard Chartered Research dự đoán giá vàng sẽ sớm đạt đến mức sàn. Cơ quan này cho rằng khi giá giảm mạnh, các nhà sản xuất vàng ở các nước như Australia sẽ phải chịu sức ép rất lớn trong việc cắt giảm sản lượng. Khả năng này nếu xảy ra có thể sẽ giúp đẩy giá vàng lên. Thêm vào đó, các ngân hàng trung ương vẫn tiếp tục mua vàng.

Số liệu gần đây nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho thấy Kazakhstan, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã bổ sung 28 tấn vàng vào nguồn dự trữ trong tháng Năm, dù những biến động gần đây của giá vàng.

Thực tế, Fed vẫn đang in thêm tiền để mua trái phiếu và chủ trương không nâng lãi suất ngắn hạn, ít nhất cho tới khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 6,5%.

Kết thúc cuộc họp chính sách cuối tháng Bảy, Fed đã quyết định tiếp tục duy trì chương trình mua trái phiếu, ngay cả khi tốc độ tăng trưởng kinh tế và dữ liệu việc làm của Mỹ khả quan hơn. Không riêng Fed, các chính sách gần đây của ngân hàng trung ương chủ chốt trên thế giới đang cho thấy "kỷ nguyên chính sách tiền tệ siêu lỏng" sẽ vẫn tiếp diễn.

Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), thị trường vàng vẫn có cơ hội đi lên ngay cả khi lãi suất của ngân hàng Mỹ tăng do nền kinh cải thiện sẽ thúc đẩy nhu cầu của giới đầu tư và các nhà chế tạo vàng.

Theo báo cáo của Chính phủ Mỹ, tăng trưởng kinh tế nước này trong quý 2/2013 đạt 1,7%, cao hơn dự kiến. Trong tháng Bảy, lĩnh vực dịch vụ của Mỹ đã tăng trưởng trở lại từ mức thấp trong ba năm. Lòng tin tiêu dùng tại nước này trong tháng Sáu đã lên cao nhất hơn 5 năm. Bên cạnh đó, doanh số bán nhà mới trong tháng Năm cũng lên đỉnh 5 năm.

Thêm vào đó, WGC dự báo nhu cầu vàng của Trung Quốc có thể vọt lên mức cao kỷ lục 1.000 tấn trong năm nay và vượt Ấn Độ để trở thành nước tiêu thụ vàng nhiều nhất thế giới, khi lượng tiêu thụ vàng của Ấn Độ năm nay dự kiến sẽ thấp hơn mức 860 tấn của năm ngoái.

Theo WGC, mức tiêu thụ của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2013 là 706,36 tấn, tăng 54% so với cùng kỳ năm trước, khi giá giảm đã làm tăng sức hấp dẫn đối với người mua./.

Lê Minh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục