Giải giáp hạt nhân Triều Tiên: Đã thấy ánh sáng ở cuối đường hầm?

Hàn Quốc và Triều Tiên đã có các cuộc đàm phán trong nhiều tháng để bàn về cách Bình Nhưỡng giải giáp kho vũ khí hạt nhân. Và xem ra, điều này đang có triển vọng tốt.
Giải giáp hạt nhân Triều Tiên: Đã thấy ánh sáng ở cuối đường hầm? ảnh 1Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. (Nguồn: Reuters)

Trang mạng vox đưa tin Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên đã có các cuộc đàm phán trong nhiều tháng để bàn về cách Bình Nhưỡng giải giáp kho vũ khí hạt nhân.

Và xem ra, điều này đang có triển vọng tốt. Có một số lý do để nói như vậy.

Lý do thứ nhất là ngày 6/9, ông Kim Jong-un nói với ông Chung Eui-yong, quan chức hàng đầu của Hàn Quốc, rằng ông muốn phi hạt nhân hóa vào cuối nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Đây là lịch trình cụ thể đầu tiên mà nhà lãnh đạo này đưa ra liên quan đến việc giải giáp kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Tuy nhiên, không rõ ông Kim Jong-un nói như vậy có phải ngụ ý rằng ông nghiêm túc muốn từ bỏ tất cả bom nguyên tử mà ông ta có vào thời điểm đó hay không, và cũng không ai biết chính xác đổi lại ông ta muốn được "bồi thường" cái gì.

[Mỹ cáo buộc Nga can thiệp vào công bố báo cáo LHQ về Triều Tiên]

Chắc chắn, ông Kim Jong-un và người đồng cấp Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in, sẽ thảo luận về điều này trong hội nghị thượng đỉnh kéo dài 3 ngày tại Bình Nhưỡng, theo dự kiến sẽ bắt đầu vào ngày 18/9.

Đây là cuộc gặp lần thứ 3 giữa hai nhà lãnh đạo trong tiến trình đàm phán đang diễn ra, vốn chủ yếu tập trung vào việc chấm dứt mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên.

Lý do thứ hai, ông Kim Jong-un và ông Trump đã dành cho nhau những lời "có cánh."

Ông Kim Jong-un nói với ông Chung Eui-yong rằng ông chưa bao giờ nói xấu về Trump và vẫn tin tưởng Tổng thống Mỹ mong muốn đạt được một thỏa thuận.

Trên trang cá nhân Twitter ngày 6/9, ông Trump đã tỏ ra hài lòng về nhận xét đó của ông Kim Jong-un.

Tất nhiên, vẫn có khả năng là chẳng lý do nào trong 2 lý do trên sẽ thực sự dẫn tới một sự tiến triển đáng kể trong các cuộc đàm phán hạt nhân bởi Mỹ và Triều Tiên vẫn rất bất đồng về cách thức đạt được mục tiêu đề ra, đặc biệt là liên quan tới vấn đề ai sẽ có những nhượng bộ lớn tiếp theo.

Jenny Town, chuyên gia về Triều Tiên của Trung tâm Stimson, nói: "Hiện giờ, chúng ta cần nhìn vào những chi tiết cụ thể chứ không phải những cử chỉ sáo rỗng."

Mặc dù vậy, rất nhiều người vẫn tỏ ra lạc quan cho rằng những diễn biến vừa qua chứng tỏ sắp có một sự tiến triển thực sự trong vấn đề Triều Tiên.

Một quan chức cấp cao của Hàn Quốc, yêu cầu giấu tên, nói: "Nhìn chung, những dấu hiệu này rất tích cực."

Một trong những vấn đề lớn còn tồn đọng trong các cuộc đàm phán là làm thế nào để buộc Triều Tiên giải giáp kho vũ khí.

Tuy nhiên, trước khi điều đó diễn ra, Washington và Seoul muốn Bình Nhưỡng công khai toàn bộ chương trình hạt nhân.

Điều đó có nghĩa là Triều Tiên sẽ phải cho Mỹ biết Bình Nhưỡng có bao nhiêu tên lửa và bom, đồng thời công khai tất cả các cơ sở hạt nhân.

Việc có trong tay một danh sách chính xác sẽ giúp Mỹ giám sát tốt hơn xem liệu Triều Tiên có thực sự giải giáp chương trình hạt nhân của nước này hay không. Vấn đề là Triều Tiên lo ngại khi phải trao cho Mỹ một danh sách như vậy.

Nếu Bình Nhưỡng nói cho Mỹ biết tất cả các nguyên liệu hạt nhân họ có là gì, khi đó, Triều Tiên sẽ dễ bị tấn công hơn.

Chính quyền của ông Kim Jong-un, vốn dựa vào chương trình hạt nhân để tự vệ trước các cuộc tấn công từ bên ngoài, sẽ bị suy yếu đáng kể nếu bắt đầu phá hủy và giải giáp kho vũ khí hạt nhân.

Thay vào đó, Triều Tiên muốn Mỹ ra tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên trước khi Bình Nhưỡng từ bỏ bom nguyên tử.

Tuyên bố này sẽ được coi là một lời hứa ngầm rằng Mỹ sẽ không xâm lược Triều Tiên và sẽ tạo cho ông Kim Jong-un vỏ bọc chính trị để chấm dứt chương trình hạt nhân.

Thế nhưng, Bình Nhưỡng vô cùng tức giận khi chính quyền Trump vẫn chưa ký tuyên bố hòa bình.

Trong một bản tin, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên ngày 6/9 nhấn mạnh: "Phía Mỹ không nên khăng khăng yêu cầu 'phi hạt nhân hóa trước, sau đấy mới ký hiệp ước hòa bình', cũng không nên trì hoãn việc thông qua một tuyên bố chấm dứt chiến tranh mà Tổng thống Trump từng hứa hẹn trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Singapore."

Cuộc gặp thượng đỉnh Kim-Moon sắp tới được cho là sẽ giúp phần nào phá vỡ thế bế tắc giữa Mỹ và Triều Tiên. Tuy nhiên, 2 nước này vẫn có các chương trình nghị sự của riêng mình.

Theo giới chuyên gia, lãnh đạo 2 miền Triều Tiên sẽ tập trung vào 2 vấn đề chính.

Chuyên gia Town của Trung tâm Stimson nói: "Tôi cho rằng cuộc thảo luận giữa lãnh đạo 2 miền Triều Tiên sẽ tiếp tục tập trung vào việc làm thế nào để môi giới một tuyên bố hòa bình và Hàn Quốc sẵn lòng đến đâu trong việc hợp tác kinh tế với Triều Tiên dù có hay không sự ủng hộ của Mỹ."

Thế nhưng, có một thực tế cần thừa nhận là Trump có ảnh hưởng lớn đến các cuộc đàm phán liên Triều.

Trong một phạm vi nào đó, ông Moon Jae-in cần sự tham gia của ông Trump trong bối cảnh ông đặt mục tiêu cải thiện quan hệ với Bình Nhưỡng, bởi nếu không có sự can dự của ông Trump, rất có thể Mỹ sẽ gây rắc rối cho mối quan hệ giữa 2 miền Triều Tiên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục