Giải mã về mức tăng chi tiêu quân sự của Trung Quốc

Trung Quốc vừa chính thức công bố mức tăng tăng 7,1% trong chi tiêu quốc phòng trong năm 2022, cao hơn mức tăng 6,8% của năm ngoái, và 6,66% năm 2020.
Giải mã về mức tăng chi tiêu quân sự của Trung Quốc ảnh 1Binh sỹ quân đội Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng asiatimes.com, Trung Quốc, cũng như phần còn lại của thế giới, đã chịu nhiều tác động kinh tế tiêu cực trong 2 năm qua. Nền kinh tế bị tổn hại bởi dịch COVID-19 và đang đối mặt với những gián đoạn do cuộc chiến ở Ukraine đe dọa nguồn nhập khẩu dầu mỏ và thực phẩm.

Tuy nhiên, điều này cũng không ngăn Trung Quốc chi tiêu mạnh tay cho lĩnh vực quân sự. Quốc gia này vừa chính thức công bố mức tăng tăng 7,1% trong chi tiêu quốc phòng trong năm 2022, cao hơn mức tăng 6,8% của năm ngoái, và 6,66% năm 2020. Con số của năm 2019 là 7,5%.

Những số liệu này cho thấy mức tăng chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc được duy trì khá đồng đều qua các năm, bất kể hiệu quả kinh tế tổng thể.

Đối với một quốc gia hiện tại không có kẻ thù - ngoài những quốc gia mà Bắc Kinh tuyên bố là kẻ thù - điều này có vẻ kỳ quặc. Song vẫn còn những điều đáng nói.

Vấn đề trước hết nằm ở các con số. Câu hỏi đặt ra là vì sao Trung Quốc phải giấu số liệu thực tế?

Các chuyên gia cho rằng ngân sách quân sự được công bố chính thức - 1,45 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương 230 tỷ USD trong năm nay - là quá thấp so với thực tế. Việc đưa ra một con số khiêm tốn có nhiều mặt lợi cho Trung Quốc bởi họ có thể khẳng định rằng Trung Quốc không gây ra mối đe dọa cho bất kỳ ai và "chỉ chi tiêu 1/3 hoặc 1/4 so với mức chi tiêu của người Mỹ.” Vì vậy, chính “những kẻ hiếu chiến người Mỹ” phải chịu trách nhiệm về những rắc rối trong khu vực và trên toàn cầu.

[Thế giới chi tiêu quân sự rất cao trong năm 2020 dù có dịch COVID-19]

Số liệu thực tế về ngân sách quốc phòng của Trung Quốc là đề tài gây tranh cãi song không phải là điều mà người cần quá quan tâm ở đây. Điều quan trọng hơn là phải xem xét những gì Bắc Kinh đạt được từ những chi tiêu này.

Một số dữ kiện đáng chú ý có thể kể đến như việc tiền lương chi trả cho quân nhân của Trung Quốc thấp hơn so với của Mỹ; trong những năm gần đây, số tàu chiến hải quân Trung Quốc hạ thủy cao gấp 7 lần so với Mỹ; quốc gia này cũng kết hợp các hạ tầng vận tải dân sự và hậu cần cho mục đích quân sự hiệu quả hơn hẳn những quốc gia khác - những điều về cơ bản không được ghi chép công khai và không được tính vào chi tiêu quân sự chính thức.

Còn một vấn đề khác với con số 230 tỷ USD: giới lãnh đạo Trung Quốc không bị ràng buộc bởi các khoản chi tiêu được Quốc hội định đoạt như tại Bộ Quốc phòng Mỹ.

Và với các khoản chi bằng đồng nhân dân tệ, người Trung Quốc có thể và sẽ in bất kỳ số tiền nào cần thiết. Mọi chuyện dẫn đến vấn đề liên quan đến cơ cấu và năng lực của đội quân mà họ cần.

Trung Quốc đang hướng đến xây dựng một lực lượng quân đội đủ năng lực cho 2 nhiệm vụ chính: Trước hết là đánh bại quân đội Mỹ. Và thứ hai là bảo vệ các tài sản cũng như lợi ích của Trung Quốc trên toàn cầu, như các cảng biển, nhà máy, đất nông nghiệp và công dân Trung Quốc, mục tiêu cho đến nay cơ bản đang được đảm bảo.

Những người cộng sản Trung Quốc cũng sẵn lòng “chi trả” những gì cần thiết để đạt được 2 mục tiêu kể trên. Hiện tại, xét một số kịch bản nhất định: giả sử nếu một cuộc giao tranh xảy ra gần lục địa Trung Quốc - Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho lực lượng Mỹ, song xung đột càng xa cái gọi là “chuỗi đảo thứ nhất,” sức mạnh quân sự của Trung Quốc càng suy giảm nhanh chóng. Tuy nhiên, với tốc độ chi tiêu như hiện nay, mọi chuyện có thể sẽ rất khác trong 10 năm tới.

Những lĩnh vực nào đang được Trung Quốc ưu tiên thúc đẩy? Nghe có vẻ viển vông song câu trả lời là tất cả. Trung Quốc đang đầu tư vào các lĩnh vực cần thiết để đánh bại người Mỹ và tăng cường khẳng định ảnh hưởng cũng như quyền lực ở nước ngoài.

Những lĩnh vực có thể kể đến là một lực lượng không quân hiện đại (cả chính quy và hải quân); tác chiến chống ngầm; tên lửa tầm xa; an ninh mạng; tác chiến điện tử; năng lực ngoài không gian; lực lượng mặt đất được hiện đại hóa hơn có thể tiến hành tác chiến đồng bộ; năng lực hậu cần; vận tải hàng không tầm xa; lực lượng đổ bộ; lực lượng nhảy dù; và số lượng lớn vũ khí hạt nhân hiện đại.

Nói cách khác, Trung Quốc đang đầu tư vào tất cả mọi thứ - điều mà họ có thể làm vì không bị ràng buộc bởi ngân sách thực tế như một quốc gia phương Tây, cũng như không có các quan chức làm luật giám sát để đảm bảo họ tuân thủ các điều ước quốc tế.

Tuy nhiên, có một hạn chế lớn về nhu cầu ngoại tệ để mua những nguồn hàng nhất định từ bên ngoài. Đồng nhân dân tệ không được tự do chuyển đổi, vì vậy, Trung Quốc phải có nguồn thu USD, euro và tương tự. Điều này, ít nhất là về mặt lý thuyết, sẽ đặt ra hạn chế cho những tiến bộ về năng lực của PLA.

Thật không may, Phố Wall và các doanh nghiệp phương Tây đang cung cấp cho Đảng Cộng sản Trung Quốc ít nhất vài trăm tỷ USD ngoại hối mỗi năm - cùng với khả năng tiếp cận công nghệ cao mà PLA cần. Nếu Moskva và Bắc Kinh xích lại gần nhau hơn, Trung Quốc càng có thêm cơ hội tiếp cận các công nghệ tiên tiến của Nga.

Vậy thách thức lớn nhất của Trung Quốc là gì? Chi tiêu có lẽ là phần dễ nhất trong việc xây dựng quân đội. Thách thức lớn hơn là tìm ra cách thiết lập, trang bị và huấn luyện một quân đội thực sự có thể tiến hành các hoạt động hiệu quả - đặc biệt là khi xung đột nổ ra.

Điều này không đơn giản, bởi nếu đúng như vậy, quân đội Iraq của Saddam Hussein sẽ là đội quân tốt nhất thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc có sự kiên trì và khéo léo, họ cũng đã đi một chặng đường dài trong 30 năm.

Quốc gia này cũng nói rõ mục tiêu, và trong đó có cả việc đánh chiếm những vùng lãnh thổ đang thuộc về các quốc gia khác bằng vũ lực nếu cần thiết. Đây là điều mà người ta cần phải nghiêm túc lưu ý. Đã đến lúc giới tài chính và doanh nghiệp Mỹ thực sự cần chấm dứt việc “bơm” tiền cho những người Trung Quốc nuôi tham vọng này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục