Giải pháp để phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ

Những năm qua, Tây Nam bộ được Trung ương đầu tư vào 3 lĩnh vực trọng điểm mang tính đột phá và đạt được nhiều thành quả quan trọng.
Hội thảo lấy ý kiến về chương trình nghiên cứu và đề xuất luận cứ khoa học cấp quốc gia phục vụ chiến lược phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ đã diễn ra ngày 22/3, tại Cần Thơ,

Hội thảo do Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp Viện khoa học-Xã hội Việt Nam, lãnh đạo 13 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.

Phó Ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ Nguyễn Phong Quang khái quát tình hình phát triển, thành tựu 10 năm phát triển Đồng bằng sông Cửu Long và nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng, mối liên kết sống còn vì sự phát triển của vùng Tây Nam bộ với sự phát triển chung của cả nước và các quốc gia lân cận thuộc lưu vực sông Mekong.

Những năm qua, Tây Nam bộ được Trung ương quan tâm đầu tư vào 3 lĩnh vực trọng điểm mang tính đột phá là phát triển hạ tầng giao thông thủy lợi, giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực, đến nay đã đạt được nhiều thành quả quan trọng, khá nổi bật.

Đây là dịp để lãnh đạo các tỉnh, thành đánh giá làm rõ những thành tựu, cũng như nguyên nhân những tồn tại, hạn chế để tìm giải pháp cùng khắc phục và liên kết phát triển trong thời gian tới.

Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch Viện khoa học-Xã hội Việt Nam giới thiệu tổng quan về chương trình nghiên cứu đánh giá tổng hợp tài nguyên, môi trường, kinh tế xã hội và đề xuất luận cứ khoa học cấp quốc gia phục vụ chiến lược phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Chương trình nghiên cứu phát triển đã đề ra nhiều nội dung chương trình phát triển toàn diện với 9 nội dung lớn; trong đó chú trọng, đi sâu nhấn mạnh 3 nội dung về phát triển kinh tế, xã hội và môi trường.

Trên cơ sở đó, đại biểu các tỉnh, thành phố tham gia đóng góp ý kiến, đề suất bổ sung luận cứ khoa học cho chương trình nghiên cứu phát triển toàn diện bền vững vùng Tây Nam bộ.

Ý kiến được nhiều đại biểu quan tâm là cần chú trọng quản lý khai thác tiềm năng đa dạng sinh học, tài nguyên đất và nước trên toàn vùng Tây Nam bộ và quản lý, khai thác, bảo vệ nguồn tài nguyên biển đảo trong khu vực Tây Nam bộ.

Trong chiến lược phát triển vùng trong thời gian tới, nhiều đại biểu yêu cầu bổ sung đề xuất cơ chế, chính sách và các giải pháp hữu hiệu để liên kết khai thác được lợi thế, tiềm năng và nâng cao vị thế vùng Đồng bằng sông Cửu Long; trong đó có Tây Nam bộ.

Chương trình cần cụ thể, rõ ràng mang tính khả thi cao. Bên cạnh đó cần đánh giá thêm các quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, phân công lao động trên cơ sở cơ cấu phát triển của mỗi tỉnh.

Ngân sách hỗ trợ thực thi chương trình cần phân cấp rõ ràng phần đầu tư của Trung ương và của địa phương để làm cơ sở xem xét đánh giá tính toàn diện và mức độ khả thi của chương trình.

Trong giai đoạn 5-10 năm tới, tiềm năng thế mạnh của Đồng bằng sông Cửu Long vẫn là nông nghiệp và nguồn nhân lực dồi dào.

Qua hội thảo này, ngoài những ý kiến bổ sung kể trêṇ, Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ đề nghị Viện Khoa học-Xã hội Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Chính phủ sớm ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho các loại nông, thủy sản như lúa gạo, con cá tra, con tôm và trái cây đặc sản của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong đó có Tây Nam bộ, làm sao giúp nông dân sản xuất có lãi, đời sống phát triển, đảm bảo an sinh xã hội nhằm hướng tới sự phát triển bền vững của toàn vùng./.

Trần Khánh Linh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục