Giải "Tre Vàng" cho LHP quốc tế tại Việt Nam

Dự kiến tổ chức vào cuối tháng 9/2010, đề án Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội của Cục Điện ảnh Việt Nam đã được lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhất trí về chủ trương cũng như phần lớn nội dung của đề án.

Dự kiến tổ chức vào cuối tháng 9/2010, đề án Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội của Cục Điện ảnh Việt Nam đã được lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nhất trí về chủ trương cũng như phần lớn nội dung của đề án.

Tại sao lại là Tre Vàng?

Tại buổi báo cáo về đề án mới đấy, có nhiều ý kiến băn khoăn về tên của giải thưởng Tre Vàng. Lý giải điều này, ông Lại Văn Sinh, Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết: Cây tre là hình ảnh thân thuộc với người Việt Nam; còn vàng ở đây là không có nghĩa "sắc vàng" mà  là "chất vàng", cũng như : Gấu Vàng, Sư Tử Vàng ở các Liên hoan phim quốc tế, hay Bông sen Vàng, Cánh diều Vàng ở Việt Nam.

Với Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội, lần đầu tiên điện ảnh Việt sẽ thể hiện sự hội nhập với tư cách là đơn vị đăng cai tổ chức sự kiện điện ảnh quốc tế. Đây là điều rất có ý nghĩa đối với điện ảnh Việt, bởi lâu nay nền điện ảnh của ta vẫn bị xem là "chưa có tên trên bản đồ điện ảnh thế giới". Việc liên hoan phim này tổ chức tại Việt Nam sẽ là cơ hội tiếp xúc thuận lợi cho các nhà làm phim Việt Nam, kêu gọi đầu tư cho các dự án của mình.

Bên cạnh đó, những hạt động trong khuôn khổ liên hoan phim như: chợ phim, diễn đàn, hội thảo, tổ chức sự kiện văn hoá... sẽ góp phần tạo ra động lực kích thích điện ảnh Việt Nam vượt lên chính mình; mở rộng thị trường điện ảnh Việt và góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam...

Mục đích là thế nên phải mời được khoảng 30 - 40 nước tham gia, trong đó đặc biệt chú trọng các nước có nền điện ảnh lớn như: Mỹ, Pháp, Italy, Trung Quốc, Anh, Hàn Quốc, Đức, Iran, Australia...

Theo kế hoạch, sau khi đề án được phê duyệt, Cục Điện ảnh sẽ cử các đoàn đi một số Liên hoan phim quốc tế và một số nước có nền điện ảnh tên tuổi để mời họ gửi phim và cử đoàn phim tham dự giải Tre Vàng của Việt Nam.

Điều đó cũng không đơn giản, vì giải Tre Vàng quá mới, chưa có thương hiệu... Nhưng lại có cái may là Liên hoan phim đầu tiên được tổ chức gắn liền với sự kiện 1.000 năm Thăng Long  -  Hà Nội -  sự kiện này đang được Bộ Ngoại giao vận động Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) ra nghị quyết công nhận và các nước thành viên UNESCO sẽ cùng tham gia vào việc tổ chức lễ kỷ niệm này. Vì thế, việc mời các nền điện ảnh thuộc các nước là thành viên UNESCO tham dự Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ nhất cũng không phải là chuyện quá khó.

Tiền thưởng và tính chuyên nghiệp

Thương hiệu phụ thuộc vào chất lượng Liên hoan phim và trong khi phim Việt chưa phải là một trong những yếu tố để tạo ra "chất lượng" thuyết phục các nền điện ảnh quốc tế thì yếu tố làm nên chất lượng chính là sự chuyên nghiệp trong công tác tổ chức. Đó là lý do mà Cục Điện ảnh cho rằng cần phải có 2 chuyên gia "ngoại" vào giúp việc tổ chức Liên hoan phim. Đấu công bằng, phim Việt được giải hay không... không còn là chuyện quan trọng ở Liên hoan phim này nếu muốn thế giới tin chất lượng một Tre Vàng thực sự.

Ngoài các giải cho phim xuất sắc (phim truyện, tài liệu, hoạt hình, phim truyện ngắn, phim châu Á), còn có 8 giải cá nhân ở lĩnh vực phim truyện và nhiều giải thưởng phụ khác. Và Cục Điện ảnh cũng mạnh dạn đề xuất trị giá giải vàng cho phim truyện là 15.000 USD (các thể loại khác là 10.000 USD/giải); giải cá nhân là 5.000 USD/giải.

Nói về giá trị vật chất của giải thưởng, bà Ngô Phương Lan (Cục Điện ảnh) cho rằng, với những Liên hoan phim lớn như: Oscar, tuy giải thưởng không kèm tiền nhưng vẫn là giải thưởng rất có giá trị mà những người làm phim trên toàn thế giới đều muốn có. Nhưng cũng có nhiều Liên hoan phim khác, quy mô vừa phải nhưng giải thưởng luôn kèm theo tiền. Ví dụ, Liên hoan phim Dubai tổ chức năm 2008, nữ diễn viên Hồng Ánh với vai diễn trong phim Trăng nơi đáy giếng đã nhận được giải Nữ diễn viên  xuất sắc kèn tiền thưởng  là 10.000 USD; bộ phim xuất sắc tại Liên hoan phim này được trao 50.000 USD.Vì vậy, việc tổ chức Liên hoan phim quốc tế và giá trị giải thưởng là tiền cũng là hợp với thông lệ quốc tế.

Tuy vậy, về điều này, có một số ý kiến cho rằng, nên "liệu cơm gắp mắm" theo điều kiện kinh tế của Việt Nam. Bởi xét cho cùng thì tính chuyên nghiệp của Liên hoan phim, sự khách quan trong công tác chấm giải để tôn vinh đúng những bộ phim chất lượng và những cuộc giao lưu; hội thảo về nghề nghiệp đem lại những bài học thiết thực cho các bên mới chính là dấu ấn quan trọng làm nên thương hiệu. Đây cũng  là điều mà lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch lưu ý Cục Điện ảnh.

Theo đó, ngay từ bây giờ, Cục Điện ảnh cần khảo sát hệ thống rạp, chọn các điểm chiếu phim; địa điểm tổ chức lễ khai mạc; huy động sự vào cuộc của Tổng cục Du lịch và nhiều đối tác để tận dụng các nguồn lực ngoài xã hội tổ chức một Liên hoan phim hoành tráng, ấn tượng, có dấu ấn ngay từ ngày đầu tiên./.

Dự kiến Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội sẽ tổ chức định kỳ 2 năm/lần vào tháng 11 hàng năm (riêng lần thứ nhất tổ chức vào cuối tháng 9/2010 để hoà vào các hoạt động kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long). Thời gian diễn ra Liên hoan phim từ 5 - 7 ngày.

Theo đề án, số lượng phim chọn vào vòng thi của mỗi Liên hoan phim sẽ là 14 phim truyện và 15 phim ngắn. Những phim các nước gửi đến dự Liên hoan phim nhưng không lọt vào vòng thi sẽ được chiếu trong chương trình Panorama, cùng với các phim của Việt Nam mới sản xuất; các phim kinh điển của Việt Nam; các phim nước ngoài chọn lọc mới sản xuất; hồi tưởng điện ảnh thế giới...

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục