Giải trình về bảo đảm ATGT trong kinh doanh vận tải

Đánh giá của Bộ Giao thông-Vận tải cho thấy thời gian qua, quy định về kinh doanh vận tải đường bộ theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã dần đi vào cuộc sống, giúp công tác quản lý hoạt động này dần đi vào nền nếp. Tuy nhiên, công tác quản lý các đơn vị kinh doanh vận tải thời gian qua vẫn còn không ít tồn tại.

Dự kiến trong quý 4 năm nay, Bộ sẽ ban hành Thông tư quy định về xếp hàng hóa lên xe ôtô để giúp đơn vị kinh doanh vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng hóa đường bộ thực hiện việc xếp hàng lên ôtô đúng quy định về tải trọng, ; đồng thời quy định trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động vận tải hàng hóa.
Sáng 30/8, Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội đã tổ chức phiên họp nghe báo cáo, giải trình của Bộ Giao thông Vận tải và các bộ liên quan về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ôtô.

Đánh giá của Bộ Giao thông-Vận tải cho thấy thời gian qua, quy định về kinh doanh vận tải đường bộ theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã dần đi vào cuộc sống, giúp công tác quản lý hoạt động này dần đi vào nền nếp.

Các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ đã hình thành và phát triển mạnh mẽ, có tính xã hội hóa sâu rộng nhất trong các phương thức vận tải. Mô hình tổ chức các đơn vị kinh doanh vận tải dần hoàn thiện, mạng lưới dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ hình thành rộng khắp, một số đơn vị kinh doanh bến xe, trạm dừng nghỉ đã chủ động đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát hoạt động của phương tiện tại bến, nâng cao chất lượng của các dịch vụ dành cho hành khách tại bến xe.

Tuy nhiên, công tác quản lý các đơn vị kinh doanh vận tải thời gian qua vẫn còn không ít tồn tại. Các quy định trong lĩnh vực vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng hóa còn chưa đáp ứng kịp thời với diễn biến của tình hình. Công tác thanh tra, kiểm tra về quản lý Nhà nước trong kinh doanh vận tải đường bộ chưa được quan tâm đúng mức.

Một số Sở Giao thông vận tải chưa quan tâm đến công tác cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ôtô cho đơn vị kinh doanh vận tải container. Nhiều đơn vị kinh doanh vận tải không đủ điều kiện vẫn được cấp phép, chấp thuận khai thác tuyến. Ở nhiều địa phương, công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện điều kiện kinh doanh vận tải còn bị buông lỏng; xử lý vi phạm còn thiếu kiên quyết. Tình trạng hợp tác xã, doanh nghiệp chỉ đứng ra làm đầu mối pháp lý cho xe có đủ điều kiện hoạt động mà không tổ chức thực hiện các điều kiện kinh doanh vận tải theo quy định diễn ra phổ biến.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Ngô Văn Hùng về sự thiếu chặt chẽ trong quy định điều kiện kinh doanh tại Nghị định số 91/2009/NĐ-CP và Nghị định số 93/2010/NĐ-CP, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho biết hai Nghị định trên còn nhiều tồn tại cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp theo hướng siết chặt hơn các điều kiện kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa; trong đó nhấn mạnh đến các điều kiện nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, chất lượng dịch vụ cũng như hiệu quả kinh doanh vận tải.

Quan điểm của Bộ là tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, phân cấp rõ trách nhiệm của từng cấp, đơn vị. Trước đây, khi xảy ra tai nạn mới chỉ xử lý trách nhiệm lái xe, tới đây sẽ gắn cả trách nhiệm của chủ phương tiện. Bộ sẽ thực hiện cấp giấy phép kinh doanh và phù hiệu để quản lý phương tiện đối với tất cả các loại hình kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa; đưa kinh doanh vận tải xe khách, container là kinh doanh có điều kiện; quy định rõ, cụ thể về tổ chức an toàn giao thông trong đơn vị kinh doanh vận tải, hậu kiểm sau cấp phép.

Trước những băn khoăn của Thiếu tướng Trần Đình Thu, Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai, về việc quản lý vận tải hàng hóa siêu trường siêu trọng mới tập trung quản lý phần ngọn, xử phạt khi đã chở xe quá trọng tải, mà không làm từ gốc tức là từ khâu bán hàng, bốc hàng, lái xe bị xử phạt nhưng chủ hàng không bị phạt, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận chủ trương xử lý xe quá tải là đúng, nhưng quá trình thực hiện chưa tốt, nhiều điểm chưa hợp lý và không phải địa phương nào cũng đồng tình với việc quản lý tải trọng xe.

Một số địa phương cho rằng quản lý tải trọng xe là cản trở sự thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc này phải thực hiện nghiêm túc, tránh tiêu cực, không thể để tiếp diễn tình trạng đến 60-70% số xe được kiểm tra là quá tải, chở gấp 2-3 lần tải trọng. Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát tải trọng xe. Hiện, Bộ Giao thông Vận tải đã trình Chính phủ phê duyệt hệ thống trạm cân tải trọng xe toàn quốc và các trạm cân lưu động, đã có 10 trạm cân được trang bị cho các Sở, tới đây sẽ triển khai tiếp. Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, ra quân kiểm soát, phạt nặng lái xe vi phạm.

Dự kiến trong quý 4 năm nay, Bộ sẽ ban hành Thông tư quy định về xếp hàng hóa lên xe ôtô để giúp đơn vị kinh doanh vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng hóa đường bộ thực hiện việc xếp hàng lên ôtô đúng quy định về tải trọng, phù hợp với đặc điểm của hàng hóa và thiết kế phương tiện; đồng thời quy định trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động vận tải hàng hóa, nhằm đưa hoạt động này đi vào nền nếp, nâng cao hiệu quả kinh doanh, góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Làm rõ thêm về vấn đề này, Trung tướng Đỗ Đình Nghị, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội cho biết, theo quy định, xử lý xe quá tải buộc phải khắc phục lỗi vi phạm đó, xử lý tận gốc từ nơi bốc tải.

Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện đúng quy định, song điều đáng nói là với hạ tầng của nước ta hiện nay, các phương tiện được nhập khẩu, nếu chở theo đúng tải của phương tiện là đã quá tải. Phương thức vận tải hàng hóa phần nhiều là container được xếp từ nước ngoài. Muốn giải quyết tận gốc, ngay từ đầu cảng, năng lực xếp dỡ lại bị ảnh hưởng. Đúng ra phải xử lý tận gốc nhưng các cơ quan chức năng mới làm được phần ngọn và để giải quyết được phần ngọn này cũng hết sức khó khăn, không thể dừng xe xử phạt rồi để xe tiếp tục đi mà phải hạ tải, việc hạ tải lại liên quan đến kho bãi bảo quản...

Trung tướng Đỗ Đình Nghị cho rằng giải pháp quan trọng là phải tập trung giải quyết từ việc nhập khẩu phương tiện, quản lý từ khâu bốc hàng, các tuyến đường phải chuẩn bị đầy đủ hệ thống trạm cân, kho bãi. Điều không thể thiếu, đó là là tuyên truyền cho người chủ doanh nghiệp không ép lái xe chở hàng hóa quá tải. Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là việc nhà xe khoán trắng cho lái xe, không quan tâm đến sức khỏe người lái, đây là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết đó là một thực tế đang diễn ra, có quy định về quản lý sức khỏe người lái xe, nhưng chưa có chế tài nên quy định chỉ là hình thức. Hiện chưa có quy định về điều kiện hành nghề của lái xe tham gia hoạt động kinh doanh vận tải, chậm sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe cho phù hợp với Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

Tới đây, Bộ sẽ sửa các văn bản quy phạm pháp luật, quy trách nhiệm cho cả chủ doanh nghiệp vận tải và lái xe. Bộ Giao thông-Vận tải và Bộ Y tế sẽ ký chương trình phối hợp; trong đó có việc quản lý sức khỏe lái xe, nhất là xe khách và xe container, bảo đảm an toàn cho người điều khiển phương tiện.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành khác cũng đã trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, quản lý bến xe, tăng cường trách nhiệm của người thực thi công vụ./.

Chu Thanh Vân (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục