Giảm áp lực chi phí: Doanh nghiệp đẩy mạnh việc sử dụng điện tiết kiệm

Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong khối doanh nghiệp công nghiệp góp phần quan trọng giúp giảm áp lực cung cấp điện cho hệ thống, đồng thời là giải pháp thiết thực giúp giảm chi phí.
Giảm áp lực chi phí: Doanh nghiệp đẩy mạnh việc sử dụng điện tiết kiệm ảnh 1Ngành điện Thủ đô tăng cường kiểm tra tình trạng hoạt động của thiết bị trong nắng nóng. (Ảnh: evnhanoi)

Nắng nóng khiến tiêu thụ điện tăng vọt. Dự báo, trong các tháng cao điểm mùa khô năm 2023, việc cung ứng điện sẽ gặp khó khăn khi nhiều hồ thủy điện đang trong tình trạng thiếu nước nghiêm trọng.

Chính vì vậy, để đảm bảo cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bên cạnh nỗ lực của ngành điện, việc chung tay của các khách hàng, nhất là những hộ tiêu dùng lớn là giải pháp hữu hiệu để vượt qua những khó khăn, giúp hệ thống điện vận hành an toàn và hiệu quả.

Linh hoạt giải pháp tiết kiệm điện

Công ty Cổ phần xi măng Long Sơn là một trong những khách hàng tiêu thụ điện lớn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Sản lượng điện tiêu thụ năm 2022 của doanh nghiệp này là 476 triệu kWh, trung bình 40 triệu kWh/tháng.

Ông Trương Văn Lợi, Giám đốc Long Sơn chia sẻ việc thực hiện tiết kiệm điện là giảm chi phí cho doanh nghiệp. Vì vậy, Long Sơn đã phối hợp tích cực với Công ty Điện lực Thanh Hóa để thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải (gọi tắt là DR).

[Hệ thống điện Quốc gia đối mặt nhiều khó khăn vào cao điểm mùa khô]

Cụ thể, từ năm 2019-2021, công ty đã thực hiện 5 sự kiện DR với tổng công suất tiết giảm là 105MW, đặc biệt trong năm 2022, xi măng Long Sơn đã thực hiện tiết giảm công suất 80MW vào các khung giờ cao điểm nắng nóng theo yêu cầu của Công ty Điện lực Thanh Hóa.

Để phối hợp thực hiện tốt công tác DR, công ty đã phân loại dây chuyền sản xuất ra nhiều hạng mục, qua đó đánh giá các mức độ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty khi các hạng mục này phải ngừng sản xuất, từ đó phối hợp với Công ty Điện lực Thanh Hóa xây dựng quy trình phối hợp giữa hai đơn vị nhằm đảm bảo vận hành an toàn hệ thống lưới điện trong các tình huống, kịch bản thực hiện tiết giảm phụ tải, đặc biệt là trong các trường hợp DR khẩn cấp.

“Căn cứ vào công suất tiết giảm theo kế hoạch hay khẩn cấp, đã được ký kết trong biên bản thỏa thuận DR với Công ty Điện lực Thanh Hóa, xi măng Long Sơn đã xây dựng kịch bản tiết giảm công suất rất chi tiết và cụ thể cho từng nội dung về kế hoạch và khẩn cấp. Giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận có liên quan đến việc tiết giảm công suất. Tổ chức phổ biến tới toàn thể nhân viên trong toàn Công ty được biết và chủ động thực hiện tiết giảm công suất khi có thông báo,” ông Trương Văn Lợi cho hay.

Còn tại Nhà máy Diana Unicharm Bắc Ninh, tiết kiệm điện luôn được lãnh đạo công ty ưu tiên và xây dựng các giải pháp hết sức cụ thể.

Ông Nguyễn Trần Quang Trung, Trưởng phòng Kỹ thuật cho hay tiết kiệm điện là một trong những giải pháp nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất của doanh nghiệp, tăng năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Với tiêu chí đó, công ty đã thực hiện được nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng. Đơn cử, văn phòng làm việc đều có quy định sử dụng điều hòa, mùa hè để chế độ 27 độ C.

Ngoài ra, công ty đang thay đổi toàn bộ hệ thống điện chiếu sáng của các nhà kho, thay đèn halogen có công suất lớn (khoảng 400W/bóng) bằng hệ thống đèn Led. Dù chi phí đầu tư khá lớn nhưng tính về lâu dài thì giảm chi phí tiền điện và thiết thực hưởng ứng tiết kiệm điện.

Cũng theo ông Trung, Nhà máy hiện có 5MW điện Mặt Trời lắp đặt trên mái nhà xưởng, vừa cung cấp điện cho nhà máy vừa góp phần làm mát nhà xưởng vào mùa hè.

“Nhà máy cũng có những quy định cụ thể về sử dụng điện tiết kiệm, sử dụng đúng công việc, đúng mục đích. Các hệ thống động cơ lớn đều lắp biến tần, một số loại đặc thù yêu cầu mua động cơ tiết kiệm năng lượng, hiệu suất cao,” ông Trung thông tin thêm.

Giảm áp lực chi phí: Doanh nghiệp đẩy mạnh việc sử dụng điện tiết kiệm ảnh 2Nhân viên EVNHANOI vận hành hệ thống điện. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Về phía Công ty Cổ phần Công nghiệp JK Việt Nam sau khi tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải của Tổng Công ty Điện lực Hà Nội, doanh nghiệp này đã có thể giảm bớt hao phí điện năng, tiết kiệm được 3% tiền điện hàng tháng so với thời gian trước, cũng như tránh quá tải cho ngành điện vào giờ cao điểm.

"Lợi ích lớn nhất khi tham gia chương trình DR là chủ động giảm thiểu đến mức thấp nhất những ảnh hưởng trong quá trình sản xuất khi có tình huống đặc biệt gây gián đoạn cung cấp điện. Việc này được nghiên cứu một cách chủ động nhằm tối ưu hóa dây chuyền sản xuất, đảm bảo bù lại thời gian gián đoạn," đại diện JK Việt Nam cho hay.

Khuyến khích ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng

Dự báo thời tiết năm nay cũng đưa ra nhiều cảnh báo về hiện tượng nắng nóng cực đoan, hạn hán, thiếu nước dẫn tới hoạt động của các nhà máy thủy điện suy giảm công suất phát điện.

Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy tính đến ngày 21/5, tại khu vực miền Bắc tất cả 12/12 hồ thủy điện lớn có lưu lượng nước về hồ rất kém. Theo đó, có 17/47 hồ thủy điện lớn có mực nước đã về mực nước chết hoặc gần mực nước chết, tần suất nước về nhiều hồ thấp nhất trong 100 năm qua.

Riêng tháng 4 và đầu tháng 5 nước về các hồ chỉ đạt dưới 50% trung bình nhiều năm, cá biệt một số hồ chỉ đạt 20% so với trung bình nhiều năm, gây thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng cho các hồ thủy điện.

Ông Trần Đình Nhân, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết nhiều nhà máy thuỷ điện tiếp tục bị suy giảm công suất do mực nước thấp cùng với một số nguồn nhiệt điện cũng bị giảm công suất do nắng nóng. Để đảm bảo cung ứng điện, EVN đã phải huy động các nguồn nhiệt điện chạy dầu DO+FO.

Ngoài ra, ngành điện cũng tích cực phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền việc tiết kiệm điện, phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải (DR) theo yêu cầu của các cấp điều độ.

“Trong thời gian qua, theo lệnh điều độ để đảm bảo yêu cầu vận hành an toàn Hệ thống điện, trung bình mỗi ngày các đơn vị đã thực hiện từ 80-90 sự kiện DR với khoảng 2.500 doanh nghiệp tham gia và công suất cao điểm tiết giảm được hơn 400MW,” ông Trần Đình Nhân cho hay.

- Tiêu thụ điện trên địa bàn Hà Nội một tuần gần đây:

Giảm áp lực chi phí: Doanh nghiệp đẩy mạnh việc sử dụng điện tiết kiệm ảnh 3

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, hiện nay, tiềm năng tiết kiệm điện trong khối sản xuất công nghiệp rất lớn, có thể lên tới hơn 1 tỷ kWh/năm. Do vậy, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong khối doanh nghiệp công nghiệp góp phần quan trọng giúp giảm áp lực cung cấp điện cho hệ thống, đồng thời là giải pháp thiết thực giúp giảm chi phí cho chính doanh nghiệp, qua đó nâng cao hiệu quả của nền kinh tế.

Tuy nhiên, để khai thác hết tiềm năng này, theo các chuyên gia, cần có thêm các cơ chế, chính sách về mức hiệu suất năng lượng tối thiểu, các tiêu chuẩn, quy chuẩn ngành, lĩnh vực và lộ trình thực hiện để hạn chế bớt các thiết bị, công nghệ có hiệu suất thấp. Cùng với đó, có cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất-kinh doanh ứng dụng các giải pháp, công nghệ tiết kiệm năng lượng đồng bộ./.

Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cho biết tính đến ngày 28/5, toàn đơn vị đã có 2.875 khách hàng là cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở có mức tiêu thụ điện lớn trên địa bàn 21 tỉnh, thành khu vực phía Nam đã đồng ý ký thỏa thuận tham gia điều chỉnh phụ tải điện phi thương mại (DR), với tổng công suất thỏa thuận là hơn 588MW.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục