Giảm phát do COVID-19 đẩy Indonesia đến bờ vực suy thoái kinh tế

Chi tiêu hộ gia đình là động lực chính của nền kinh tế Indonesia, chiếm khoảng 75% GDP. Vì vậy, nếu giảm phát tiếp tục kéo dài đến cuối năm 2020, Indonesia có nguy cơ rơi vào suy thoái kinh tế.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 19/8/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 19/8/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Đại dịch COVID-19 đã tấn công hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Các biện pháp giãn cách xã hội được các quốc gia thực hiện nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh càng làm suy giảm sức mua của người dân và ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển chung của các nền kinh tế.

Điều này đã được nhận thấy rõ từ những khó khăn mà nền kinh tế Indonesia đang trải qua. Tính đến tháng 8/2020, chỉ số giảm phát của Indonesia ghi nhận ở mức 0,05%, so với 0,10% trong tháng 7/2020.

Theo chuyên gia kinh tế Indef Bhima Yudhistira của Indonesia, trong điều kiện hiện kinh tế hiện nay của Indonesia, hiện tượng giảm phát còn đáng sợ hơn lạm phát gấp nhiều lần, bởi giảm phát cho thấy người dân đang kìm hãm chi tiêu hoặc nghiêm trọng hơn, thu nhập thường xuyên của người dân suy giảm và họ không còn tiền để chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu hàng ngày.

[Kinh tế Indonesia có thể rơi vào suy thoái trong tháng 9/2020]

Trong bối cảnh đó, lượng tiêu thụ hàng hóa cũng bị ảnh hưởng. Hoạt động sản xuất và cung cấp hàng hóa gần như ngưng trệ do nhu cầu giảm sút.

Chi tiêu hộ gia đình là động lực chính của nền kinh tế Indonesia, chiếm khoảng 75% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này. Vì vậy, nếu tình trạng giảm phát tiếp tục kéo dài đến cuối năm 2020, Indonesia có nguy cơ rơi vào suy thoái kinh tế.

Chuyên gia Yudhistira cho rằng điều kiện hiện nay rất khác với những năm trước đây, nên Chính phủ Indonesia cần phải có các biện pháp chính sách mạnh tay hơn.

Theo ông Yudhistira, chỉ riêng trong cuộc suy thoái toàn cầu năm 2008, Indonesia vẫn có mức lạm phát 11%. Hiện chỉ số này tương tự như thời điểm xảy ra cuộc đại suy thoái hồi những năm 1930./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục