Đến với lớp học diễn xuất cơ bản của chương trình "Gặp gỡ mùa Thu," ấn tượng đầu tiên của nhiều người sẽ là khối năng lượng bùng nổ, lan tỏa... Trong khi các học viên nỗ lực hết sức để thể hiện khả năng diễn xuất của bản thân, thì cô giáo cũng "huy động" đủ các động tác-ngôn ngữ cơ thể để giảng bài.
Đó là khi bà Lydia Park – giảng viên dạy diễn xuất của Trường Đại học Yonsei nổi tiếng và cũng là người đã có 6 năm gắn bó với các thế hệ học trò Việt. Trân trọng những tài năng trẻ với tinh thần ham học, từ lúc nào, bà đã yêu mến các học trò Việt như những người con trong gia đình, coi họ như những thành quả đầy ý nghĩa về tinh thần cho hành trình nỗ lực của mình.
Báo Điện tử VietnamPlus có buổi trò chuyện với bà Lydia Park để hiểu những cô cậu học trò ấy đã xây đắp tình yêu ở nữ giảng viên này ra sao.
Sứ mệnh mở “hộp pandora”
- Tham gia dạy "Gặp gỡ mùa Thu" nhiều năm, bà có cảm nhận gì về những trải nghiệm ấy?
Bà Lydia Park: Năm 2016 tôi tham gia ''Gặp gỡ mùa Thu'' lần đầu tiên. Khi đó, tôi nghĩ đây là việc một lần thôi, vậy mà về sau có nhiều lần quay lại. Cứ như vậy qua từng năm, từng tháng, tôi bồi đắp thêm các cảm nhận của mình.
Dạy các bạn Việt Nam, tôi thấy lại hình ảnh của bản thân. Tôi thấy được sự những ước mơ và khao khát, nhiệt huyết để trở thành diễn viên giỏi, giống như chính mình khi còn trẻ. Các bạn Việt Nam giúp đánh thức tôi, khi tôi quên mất mình là ai, nhắc lại tôi những động lực của bản thân.
Truyền dạy kinh nghiệm và kiến thức cho các bạn ấy, tôi không chỉ yêu thương và coi các bạn như con ruột trong nhà, mà còn là những đứa con tinh thần khiến tôi tự hào. Nhờ thế mà tôi không giữ riêng “bí kíp” gì cho bản thân, mà muốn chia sẻ hết cho các bạn.
- Bà nhìn thấy tiềm năng gì ở các bạn học Việt Nam, thưa bà?
Bà Lydia Park: Công việc của một diễn viên là thể hiện được rất nhiều vai, nhiều mặt, nhiều cá tính. Để phục vụ cho trong hàng nghìn vai diễn sau này, các bạn phải lấy được đúng thứ mình cần ra để mình diễn, tuy nhiên, không phải ai cũng biết mình có sẵn những tài nguyên đó.
Các em học viên Việt Nam của tôi dường như có sẵn tất cả, từ sự tươi vui đến nỗi thất vọng, từ niềm hạnh phúc đến sự phiền não, nỗi buồn… Đó đều là những trải nghiệm và cảm giác được giấu kín trong “hộp Pandora” của riêng họ.
Có điều tôi thích ở các bạn diễn viên Việt Nam bởi vì các bạn rất đơn thuần, mà các bạn cũng vô cùng nhanh chóng đón nhận. Nhờ sự đơn thuần ấy mà các bạn tiếp nhận được hết các bài học, như một tờ giấy trắng sẵn sàng để viết và tô màu lên vậy.
- Được biết, lớp "Diễn xuất cơ bản" là một trong những bước đệm để học viên có nền tảng phát triển trong tương lai. Xin bà chia sẻ về những phương pháp dạy học của mình.
Bà Lydia Park: Tôi lấy học vị tiến sĩ tại Mỹ - Đại học Lordland (bang California). Trong luận văn, tôi nghiên cứu về ứng dụng triết học diễn xuất của nữ diễn viên Uta Hagen. Đối tượng nghiên cứu chính là các học viên Việt Nam. Mà Uta Hagen lại là một học trò của nhà biên kịch người Nga Konstantin Stanislavski.
Nói theo một cách nào đó, phương pháp dạy của tôi cho các bạn Việt Nam là sự giao thoa giữa triết lý của Uta Hagen, Konstantin Stanislavski và của riêng tôi – Lydia Park.
Dạy các bạn Việt Nam, phương pháp của tôi luôn thay đổi, bổ sung để phù hợp. Làm sao để tự bản thân các bạn biết mình phải làm gì, để cho việc diễn xuất của mình đạt đến đỉnh cao của sự chân thật, để diễn mà như không diễn vậy.
Bằng tình huống, hình ảnh, âm thanh và mọi cách khác, tôi phải khiến các bạn hiểu rằng họ có một nguồn tài nguyên cảm xúc vô hạn. Nhiệm vụ của tôi không phải người “mở” các bạn ra để đặt cảm xúc vào, mà là giúp các bạn tự khai thác, mở được các mặt khác bên trong con người mình.
Tôi cho các bạn ấy phương pháp, thay vì mô tả cụ thể từng chút một, giống như “cho cần câu, không cho con cá” vậy.
Học viên Việt Nam nổi tiếng nhưng không kiêu căng
- "Đặt lên bàn cân" với học viên ở các nước khác mà bà giảng dạy, học viên Việt Nam khác biệt như thế nào, thưa bà?
Bà Lydia Park: Tôi đã có kinh nghiệm giảng dạy 20 năm, tại nhiều trường đại học lớn của Hàn Quốc. Tại Việt Nam, tôi từng dạy qua nhiều người nổi tiếng như Nguyễn Thúc Thùy Tiên, diễn viên Lãnh Thanh, hai diễn viên xiếc Quốc Cơ-Quốc Nghiệp, MC Phí Linh, MC Quang Đại… Dù là ai đi chăng nữa, họ đến với lớp học của tôi như những tờ giấy trắng cùng tâm thế “tôi học lần đầu,” sẵn sàng đón nhận mọi thứ mới mẻ.
Tôi thấy có những điểm khác biệt giữa các bạn Việt Nam và Hàn Quốc. Với nhiều học viên Hàn Quốc đã có chút danh tiếng, họ thường thể hiện “ta đây.” Nhưng học viên Việt Nam lại rất thân thiện. Vốn họ là người nổi tiếng rồi nhưng khi vào lớp học thì họ tập trung toàn tâm với việc học, rất chăm chỉ.
Tôi rất cảm ơn các bạn, vì các bạn luôn tự hào là học trò của tôi. Trong 8 năm nay các bạn vẫn luôn liên lạc với tôi. Ví dụ như khi Quang Đại đến Hàn Quốc, cậu ấy gọi điện cho tôi và mời đi xem âm nhạc, những học viên khác thường xuyên “thả tim,” bình luận trên các bài viết Facebook của tôi. Nhiều bạn gọi yêu tôi là mẹ, bày tỏ sự quý mến và tôn trọng vì tôi là cô giáo của họ.
Hay như Lãnh Thanh. Biết tôi trở lại Việt Nam trong năm 2023, Lãnh Thanh nói rằng cậu vẫn muốn học lớp tôi. Trong Liên hoan Phim châu Á Đà Nẵng (DANAFF) lần đầu tiên vừa qua, cậu ấy đã ghé qua lớp để chào tôi và ở lại xem lớp học. Mặc dù Lãnh Thanh không học nhiều từ tôi nhưng anh đi đâu cũng nói là học trò của tôi. Nhờ thế mà tôi không thể nào không tự hào về bản thân mình được (cười).
- Bà có lời khuyên gì cho những người mới muốn trở thành diễn viên?
Bà Lydia Park: Tôi muốn nói rằng bản thân các bạn đang một nguồn tài nguyên vô hạn. Chỉ cần các bạn biết cách vận dụng nó thì các bạn sẽ trở nên tuyệt vời. Con đường trở thành diễn viên vừa xa, vừa dài, cho nên, đừng muốn trở thành diễn viên trong một khoảnh khắc nào đó, cũng đừng có bỏ cuộc chỉ mãi chưa thấy thành công đến với mình.
Hãy luôn khai thác khám phá tiềm năng tiềm ẩn trong con người mình để các bạn vui vẻ, mạnh mẽ. Hãy luôn tự luyện tập để mình có thể phát triển, để rồi khi thời cơ đến thì bạn đã sẵn sàng!
Ấn tượng Việt Nam qua… rau thơm
- Qua Việt Nam nhiều lần như vậy, bà có ấn tượng với một hoạt động văn hóa, món ăn đặc trưng nào của chúng tôi không? Hoặc, điều gì về Việt Nam đã trở nên đặc biệt quen thuộc, trở nên không thể thiếu với bà?
Bà Lydia Park: Tôi rất thích mùi rau thơm. Đa số người Hàn không thích loại rau này vì nó rất “nặng mùi,” nhưng tôi thì ngược lại.
Trong thời gian đầu đi du học ở Mỹ, tôi rất hay cảm thấy mệt mỏi. Nhưng một khi tôi ngửi thấy mùi rau thơm, đột nhiên, tôi cảm thấy như siêu anh hùng Người sắt vậy. Mùi của loại rau này khiến tinh thần tôi rất sảng khoái. Từ đó tôi đi đâu cũng tìm xem các món ăn có rau thơm không.
Nó trở thành một phần trong ký ức của tôi như vậy đó. Để rồi khi tôi đến Việt Nam, tôi mới biết các nhà hàng rất hay dùng rau này. Khi đó là năm 2016, tôi cũng ở Đà Nẵng, vừa xuống sân bay đã ngửi thấy mùi rồi. Mọi người trong đoàn biết tôi thích ăn rau thơm nên các bữa sáng, trưa, chiều, tối, mọi người đều gọi tôi một đĩa rau thơm đi kèm.
Ở Hàn Quốc mỗi lần tôi đi ăn phở, tôi không đến quán người Hàn Quốc nấu đâu, mà tới quán người Việt tôi ăn vì họ có cho rau thơm. Ở nhà, tôi ăn mỳ tôm cũng bỏ rau này vào. Chồng tôi còn trồng riêng một chậu rau này cho tôi ở nhà. Thay vì chỉ ra một món cụ thể nào đó mà tôi thích, thì bất kể món gì có rau thơm tôi đều thích.
Tự dưng, mùi hương của loại rau này trở nên rất đặc trưng, rất Việt Nam và gần gũi đối với tôi./.
Bà Lydia Park sinh năm 1968. Sự nghiệp diễn xuất của bà ghi dấu ấn qua các phim điện ảnh như "Hansel và Gretel," "Nhiệm vụ bất khả thi: Bắt cóc quý bà K" (Mission Possible: Kidnapping Granny K)... Bà cũng từng đóng các series tâm lý nổi tiếng như "She is Wow" (tạm dịch: Cô ấy là Wow, 2013) và "Được làm hoàng hậu" (tựa Anh: Princess hours, 2006). Hiện nay, bà là giảng viên bộ môn diễn xuất của trường Đại học Yonsei nổi tiếng đồng thời có kinh nghiệm dạy học nhiều năm tại Học viện điện ảnh quốc gia Hàn Quốc (KAFA). |