Giáo viên biệt phái: 'Mong góp sức mình để hỗ trợ giáo dục vùng cao'

Chưa từng dám đến Mù Cang Chải vì sợ say xe, nhưng năm học 2023-2024 này, cô Thu đã tình nguyện đến đây làm giáo viên biệt phái vì muốn chung sức hỗ trợ học sinh vùng khó.

Nguyễn Bích Thu và các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Khao Mang, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
Nguyễn Bích Thu và các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Khao Mang, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Ở Yên Bái nhưng cô Nguyễn Bích Thu, giáo viên Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Du, thành phố Yên Bái bảo cô chưa bao giờ đặt chân đến Mù Cang Chải dù đây là điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh vì thấy quá xa xôi. “Tôi say xe nên sợ sức mình không kham nổi,” cô Thu nói.

Thế nhưng năm học 2023-2024 này, cô lại là một trong 10 giáo viên của Yên Bái tình nguyện đi biệt phái dạy học tiếng Anh cho các trường tiểu học ở Mù Cang Chải. “Cứ cuối tuần tôi về nhà, chủ nhật trở lại trường. Từ thành phố Yên Bái đi xe khách mất 6 tiếng mới đến Mù Cang Chải, và mỗi lượt đi về, tôi đều phải uống thuốc chống say xe,” cô Thu chia sẻ.

Cú sốc của giáo viên biệt phái

Theo ông Nguyễn Anh Thủy, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Mù Cang Chải, địa phương thiếu khoảng 300 giáo viên ở các cấp. Bậc Mầm non thiếu khoảng hơn 100 giáo viên, Tiểu học khoảng 70 giáo viên, Trung học Cơ sở thiếu gần 100 giáo viên, ngoài ra nhân viên trường học cũng thiếu gần 80 người.

Trong đó vấn đề trầm trọng nhất là thiếu giáo viên tiếng Anh ở bậc tiểu học khi cả huyện chỉ có duy nhất một giáo viên. Trước đây, học sinh tiểu học Mù Cang Chải chưa từng được học tiếng Anh. Vì thế, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, đưa tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3 từ năm học 2022-2023, ngành giáo dục Mù Cang Chải không biết phải làm thế nào để thực hiện.

Trước thực trạng này, tỉnh Yên Bái đã buộc phải triển khai biệt phái giáo viên từ khu vực thuận lợi như thành phố Yên Bái hay huyện Yên Bình để hỗ trợ cho Mù Cang Chải. Thời gian biệt phái là một năm học. Năm học 2022-2023, có 9 giáo viên tình nguyện đi biệt phái. Năm học 2023-2024, 10 giáo viên khác được cử đến “chi viện” cho Mù Cang Chải.

Là một trong 10 giáo viên tình nguyện biệt phái của năm học này, cô Thu được phân công về dạy tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Khao Mang. Thời gian biệt phái từ ngày 5/9/2023 đến hết tháng 5/2024.

a075d5e5467aee24b76b-2082.jpg
Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Khao Mang. (Ảnh: PM/Vietnam+)

Dù đã tìm hiểu trước, chuẩn bị tâm thế nhưng cô Thu bảo, lần đầu tiên đặt chân đến mảnh đất này, cô đã thực sự… sốc. Điều khiến cô sốc đầu tiên là quãng đường đi từ thành phố Yên Bái đến đây quá xa xôi, ngoằn nghoèo, đặc biệt là với một người hay bị say xe như cô. Đến nơi, được ban giám hiệu trường Khao Mang dẫn đến ngôi nhà trường thuê cho cô ở tạm trong một năm biệt phái, cô lại thêm choáng váng vì chưa từng ở trong một ngôi nhà cấp 4, mái lợp fibro, không đóng trần, không lát nền, xung quanh hoàn toàn yên tĩnh.

“Đêm đầu tiên tôi không thể ngủ được vì buồn, vì nhớ nhà, vì lo lắng cho những ngày sắp tới, khi một mình ở trong ngôi nhà lạ lẫm này. Nhưng tôi hiểu nhà trường đã cố gắng nhất trong điều kiện thực tế địa phương, khi một đồng nghiệp của tôi ở trường khác còn phải ở trong ngôi nhà vách bằng ván gỗ. Tôi thấy thương hơn, đồng cảm hơn và nể phục hơn với những đồng nghiệp của mình ở nơi đây, khi họ đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn mới có được hôm nay,” cô Thu xúc động nói.

Lớp học đặc biệt ở nhà ăn

Cô Phạm Thị Minh Hằng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Khao Mang cho biết trường có 10 lớp học tiếng Anh, gồm 5 lớp 4 và 5 lớp 3. Theo quy định, mỗi lớp sẽ học 4 tiết/tuần. Do chỉ có một mình cô Thu dạy môn này nên nếu dạy 10 lớp, mỗi tuần cô sẽ phải dạy đến 40 tiết, gấp đôi so với thời lượng quy định cho giáo viên. Vì vậy, trường đã ghép mỗi khối từ 5 lớp thành 3 lớp. Theo đó, số tiết học giảm từ 40 tiết xuống còn 24 tiết. Việc ghép lớp khiến sỹ số học sinh tăng lên, phòng học bình thường không đáp ứng đủ chỗ ngồi nên trường phải tổ chức dạy môn Tiếng Anh ở nhà ăn của học sinh.

Trường Khao Mang có tới 90% học sinh là người dân tộc Mông, là xã khó khăn và học sinh còn phải nhận trợ cấp từ Nhà nước nên điều kiện ăn ở, học hành còn nhiều thiếu thốn. Thương những em học sinh vùng cao, cảm thông với đồng nghiệp, cô Thu gác lại những khó khăn riêng để nỗ lực trong từng tiết dạy.

Là một giáo viên dạy bậc Trung học Cơ sở ở thành phố, chuyển về vùng cao dạy những học sinh Tiểu học lần đầu tiên tiếp cận với ngoại ngữ, cô Thu cho hay bản thân đã phải tự điều chỉnh, thích nghi với đối tượng học sinh mới.

81982507819829c67089-9942.jpg
Những học sinh lớp 4 của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Khao Mang. (Ảnh: PM/Vietnam+)

“Tôi hiểu mình không thể đòi hỏi nhiều ở học sinh và phải tìm bài giảng phù hợp với khả năng nhận thức của các em. Nếu khó quá, học sinh sẽ nản. Điều quan trọng là phải khơi gợi ở các em sự hứng thú với môn học, đảm bảo kiến thức cơ bản theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Với một số em có khả năng nhận thức tốt hơn, tôi sẽ giao thêm bài tập riêng để các em phát huy năng lực,” cô Thu chia sẻ.

Gắn bó với ngôi trường mới tại Mù Cang Chải đã được một học kỳ, cô Thu cho biết mình luôn nhận được sự hỗ trợ hết mình từ ban giám hiệu nhà trường cũng như các đồng nghiệp. Điều đó đã giúp cô dần vơi đi những lo lắng, bỡ ngỡ ban đầu, những lúc nằm khóc vì nhớ nhà, tập trung tối đa cho việc dạy học.

“Tôi mong hoàn thành tốt nhiệm vụ của cấp trên giao phó, thổi được nhiệt huyết học tập cho các em học sinh vùng cao, góp phần chia sẻ khó khăn cùng các đồng nghiệp nơi đây. Tôi cũng mong Mù Cang Chải sẽ tuyển được giáo viên cho các trường để nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học môn ngoại ngữ,” cô Thu nói.

Đó không chỉ là mong mỏi của cô Thu mà còn là mong mỏi của cả ngành giáo dục Mù Cang Chải, của cả lãnh đạo tỉnh Yên Bái. Theo Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy, từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã nhiều lần tổ chức tuyển dụng giáo viên nhưng vẫn chỉ đạt 86,5% so với định mức. Với giáo viên Tiếng Anh, tỉnh có chính sách thu hút lên vùng cao đối với giáo viên tuyển mới với số tiền 100 triệu đồng/người nhưng vẫn chưa tuyển mới được một trường hợp nào.

Không tuyển được giáo viên, Yên Bái đã phải tính đến giải pháp chắc chắn hơn là tự đào tạo. Hiện địa phương này đang phối hợp với Đại học Thái Nguyên để đào tạo khóa đầu tiên gồm 35 học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số làm nguồn giáo viên Tiếng Anh lâu dài./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục