Gìn giữ thương hiệu đặc sản chè shan tuyết

Đã từ nhiều đời nay, cứ vào đầu mùa xuân, người dân vùng cao Suối Giàng (Yên Bái) lại nhộn nhịp đi “trẩy lộc trời” để làm ra một thứ đồ uống kỳ diệu, nức tiếng với tên gọi chè shan tuyết, chỉ bằng phương pháp chế biến rất thô mộc, tự nhiên.

Đã từ nhiều đời nay, cứ vào đầu mùa xuân, người dân vùng cao Suối Giàng (Yên Bái) lại nhộn nhịp đi “trẩy lộc trời” để làm ra một thứ đồ uống kỳ diệu, nức tiếng với tên gọi chè shan tuyết, chỉ bằng phương pháp chế biến rất thô mộc, tự nhiên.

Không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi công việc hái chè shan là “trẩy lộc trời”. Những cây chè cổ thụ ngự tận các đỉnh núi cao quanh năm ẩn trong sương mù, chẳng cần chăm bón mà vẫn xanh mơn mởn, nảy chồi búp mới vào độ xuân sang. Chè shan chỉ hợp với khí hậu, đất đai và nguồn nước ở những nơi cách mặt biển từ 1300m trở lên.

Búp chè lúc hái thì xanh non, nhưng khi sao khô lại có màu trắng bạc, vì vậy mới có tên là chè san tuyết. Trong búp chè shan có chứa hàm lượng các chất hóa sinh cao có tác dụng tốt đối với sức khoẻ con người.

Nước chè shan lưu lại nơi đầu lưỡi người uống đủ các vị chát, ngọt, ngậy và cả hương thơm của mật ong rừng. Từ chè shan tuyết còn có thể chế biến ra nhiều sản phẩm chè khác nhau nhưng đều mang hương vị tinh khiết đặc trưng. Bởi thế, người dân vùng cao truyền tụng nhau rằng cây chè shan chính là báu vật mà Giàng (trời) trao tặng cho họ.

Theo thống kê sơ bộ, hiện Việt Nam có khoảng 40.000 ha chè shan, chiếm 30% diện tích chè cả nước, tập trung ở vùng núi cao phía Bắc và Tây Nguyên như Hà Giang, Yên Bái, Sơn La, Lào Cai, Lai Châu, Phú Thọ…Trong đó, xã Suối Giàng huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái được coi là nơi cho chè shan tuyết thơm ngon đặc trưng nhất.

Ông Giàng A Đằng, chủ tịch UBND xã Suối Giàng, cho biết người dân tộc Mông ở đây coi cây chè shan tuyết như một loại cây thuốc và trồng nó như một thứ tín ngưỡng đối với loại nước uống mà cha ông họ thường dùng.

Một Viện sĩ người Nga từng nhận xét rằng dù đã đi qua 120 nước có chè trên thế giới nhưng ông chưa thấy ở đâu có những cây chè lâu năm như ở Suối Giàng, độc đáo hơn là trong bát nước chè xanh ở đây có đủ 18 vị của chè trên thế giới.

Không chỉ giữ vị trí đặc biệt trong đời sống tinh thần, tâm linh của người dân vùng cao Yên Bái mà chè shan tuyết chính là cây trồng mang lại nguồn thu nhập quan trọng cho họ. Yên Bái hiện có hơn 3.000 ha chè shan tuyết, cho sản lượng 75.000 tấn búp tươi mỗi năm, phần lớn số này được dành để xuất khẩu.

Tuy nhiên, nằm trong bối cảnh khó khăn của nông sản và nhiều ngành hàng khác nói chung trong quá trình hội nhập, chè shan tuyết cũng đang đứng trước nguy cơ mai một do thị trường tiêu thụ không ổn định, không khuyến khích người dân chăm sóc, thu hái.

Đã có những chương trình, dự án dành sự quan tâm đến việc giữ gìn giữ thương hiệu và nâng cao hiệu quả kinh tế của chè shan tuyết. Đáng kể là chương trình trị giá 3,7 triệu USD, vốn hỗ trợ từ Ngân hàng Phát triển châu Á, được khởi động vào quý 2/2009 nhằm mục tiêu kiểm soát chất lượng chè theo tiêu chuẩn VietGap vào năm 2014.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc và tỉnh Yên Bái tổ chức một cuộc hội thảo để tìm giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho người dân trồng chè và phát triển chè shan thành một loại hàng hoá có giá trị kinh tế cao.

Ông Lại Thế Hùng, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Yên Bái, cho biết tỉnh đang thực hiện quy hoạch 500 ha chè shan sạch, trước mắt sẽ hỗ trợ người dân khoảng 6 triệu đồng/ha để trồng mới 80 ha trong năm 2009./.

Hương Giang (Vietnam+)
 

Tin cùng chuyên mục