Giới chức Mỹ khẳng định vai trò của ngoại giao trong hồ sơ Triều Tiên

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nhấn mạnh các nhà ngoại giao vẫn đang ở tuyến đầu trong việc giảm căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên sau các vụ thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân.
Giới chức Mỹ khẳng định vai trò của ngoại giao trong hồ sơ Triều Tiên ảnh 1Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis. (Nguồn: THX/ TTXVN)

Các nhà ngoại giao là những yếu nhân đi đầu trong nỗ lực tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Thông báo ngày 29/12 của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết trả lời báo giới, Bộ trưởng Quốc phòng nước này James Mattis khẳng định các nỗ lực ngoại giao của cộng đồng quốc tế trong giảm căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên sau các vụ thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên trong năm nay.

Ông nhấn mạnh các nhà ngoại giao vẫn đang ở tuyến đầu trong hồ sơ gai góc này. Với câu hỏi liệu Mỹ có cân nhắc tạm hoãn các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc, dự kiến vào tháng 2 tới, hay không, Bộ trưởng Mattis đã tránh trả lời thẳng vấn đề. Thay vào đó, ông nói rằng việc thay đổi kế hoạch tập trận sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ như tiến trình triển khai các tàu chiến và các yếu tố chính trị.

Đầu tháng này, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nói rằng nếu Triều Tiên chấm dứt các hành động thù địch trong thời gian tới khi diễn ra Đại hội Thể thao Olympic Mùa Đông PyeongChang đầu năm tới, Hàn Quốc và Mỹ có thể xem xét tạm hoãn các cuộc tập trận chung dự kiến diễn ra cùng thời điểm đó.

[Gần 45% người Mỹ phản đối biện pháp quân sự với Triều Tiên]

Theo kế hoạch, Olympic mùa Đông PyeongChang 2018 sẽ diễn ra tại Hàn Quốc từ ngày 9-25/2/2018 tại thị trấn nghỉ dưỡng trên núi PyeongChang, cách khu phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên khoảng 80 km về phía Nam, còn kỳ thi đấu dành cho các vận động viên khuyết tật Paralympic sẽ diễn ra từ ngày 9-19/3. Đến nay Hàn Quốc và Mỹ vẫn chưa công bố thời điểm bắt đầu các cuộc tập trận chung thường niên mang tên "Giải pháp then chốt" và "Đại bàng non," vốn lâu nay vẫn được bắt đầu vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3. Triều Tiên thường gọi các cuộc tập trận này là "màn tổng dượt cho cuộc xâm lược" và thường có những hành động được xem là nhằm phản ứng với hoạt động quân sự trên.

Trước đó, ngày 27/12, Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận nước này và Nga đã nhất trí tiếp tục các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng liên quan đến việc Triều Tiên phát triển tên lửa hạt nhân có khả năng tấn công Mỹ, nhấn mạnh rằng cả Moskva và Washington đều không chấp nhận Bình Nhưỡng là một cường quốc hạt nhân.

Trong cuộc điện đàm mới nhất, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov đã thảo luận những quan ngại liên quan đến việc chương trình hạt nhân của Triều Tiên gây mất ổn định tình hình khu vực và nhất trí tiếp tục biện pháp ngoại giao nhằm đạt mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục