Giới chuyên gia đưa ra năm lý do giá dầu sẽ tăng trong năm 2015

Giá dầu giảm là tin buồn cho các nhà sản xuất "vàng đen." Diễn đàn Business Spectator, Australia nhận định có ít nhất 5 lý do khiến các nhà sản xuất có thể hy vọng rằng giá dầu sẽ tăng trong 2015.
Giới chuyên gia đưa ra năm lý do giá dầu sẽ tăng trong năm 2015 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: www.iran-daily.com)

Việc giá dầu thế giới giảm mạnh được cho là sự kiện kinh tế quan trọng nhất trong năm nay, giúp đảm bảo một môi trường chống lạm phát trong nền kinh tế toàn cầu, đồng thời phân phối hiệu quả thu nhập từ các nhà sản xuất đến người tiêu dùng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, giá dầu giảm là tin không vui cho các nhà sản xuất "vàng đen." Diễn đàn Business Spectator của Australia nhận định có ít nhất năm lý do khiến các nhà sản xuất có thể hy vọng rằng giá dầu sẽ tăng trong năm tới.

1. Bầu cử ở Nigeria

Thật sai lầm khi đánh giá rằng các vấn đề địa chính trị không liên quan tới việc giá dầu mỏ lên xuống. Khi những lo ngại về địa chính trị qua đi, giá dầu thô Brent biển Bắc đã giảm từ mức cao chót vót 115 USD/thùng hồi tháng 6/2014 xuống còn 65 USD/thùng.

Điều này cho thấy tầm quan trọng của yếu tố địa chính trị trong việc duy trì giá dầu trên 100 USD/thùng và nó sẽ thay đổi nhanh như thế nào nếu khủng hoảng lại bùng phát. Một" điểm nóng" tiềm tàng là nhà cung cấp dầu lớn nhất châu Phi: Nigeria.

Phát biểu tại một diễn đàn về giá dầu mỏ tại Đại học Columbia tuần này, Helima Croft, Giám đốc quản lý kiêm chiến lược gia hàng hóa tại RBC Capital Markets lập luận Nigeria đã từng gặp nhiều khó khăn trong việc điều chỉnh mức độ phân phối giữa các nhà cung cấp dầu chính và sẽ có một cuộc bầu cử “phân cực" vào ngày 14/2/2015, mở đầu cho những căng thẳng có thể gây “sốc” cho các nhà sản xuất dầu mỏ.

Nigeria từ lâu đã là một nguồn đầy tiềm năng cả về cung cấp dầu và làm gián đoạn nguồn cung dầu. Nigeria sắp lọt vào Tốp 10 nhà cung cấp dầu hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, Nigeria có một lịch sử bi thảm về đảo chính, và khi đảo chính xảy ra thì giá dầu có thể bị tác động mạnh.

2. Các lệnh trừng phạt Iran

Giới phân tích đã dự đoán về khả năng giá dầu sẽ tăng do phương Tây thắt chặt hơn nữa các lệnh trừng phạt đối với Tehran. Điều đó chưa xảy ra do phương Tây đã lựa chọn cách tiếp cận thận trọng để đàm phán, nhưng điều này giờ có thể thay đổi khi đảng Cộng hòa Mỹ kiểm soát cả hai viện tại Quốc hội. Lãnh đạo phe đa số của đảng Cộng hòa tại Thượng viện sắp tới, ông Mitch McConnell đã tuyên bố các dự luật trừng phạt Iran gần như là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của ông. Vì vậy, sẽ không khó để thấy ảnh hưởng của điều này tới thị trường dầu mỏ trong nửa đầu của năm 2015.

3. Sự hỗ trợ của Saudi Arabia

Nước đi đầu trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) là Saudi Arabia có khả năng trợ giá bằng cách hạn chế sản xuất. Quyết định của Saudi Arabia không sử dụng biện pháp này đã gây ra nhiều bất ổn trên thị trường dầu mỏ trong thời gian qua. Nhưng thực trạng đó có thể thay đổi trong năm 2015 khi áp lực từ các đồng minh của Saudi Arabia tăng lên và nhiều khả năng giá dầu sẽ giảm xuống dưới mức 60 USD/thùng.

4. Sản lượng giảm

Theo các chuyên gia, Saudi Arabia có thể sẽ can thiệp nhưng trong khi chờ đợi, tiềm năng cắt giảm nguồn cung lại đặt lên vai Mỹ. Cách tiếp cận của Saudi Arabia sẽ mất một chút thời gian vì quá trình “tự bình ổn” mà Saudi Arabia đang theo đuổi liên quan tới việc giảm sản lượng. Mỹ có thể là nhân tố kích hoạt xu hướng đó.

Nếu các nước đều quyết tâm bình ổn giá dầu, Mỹ có thể giảm sản lượng. Nhưng không phải nước nào cũng có quyết tâm như vậy. Thế giới sẽ thấy “sự bắt đầu thay đổi” trong sản lượng dầu ở Mỹ trong quý 2/2015, nhưng nếu OPEC không hành động hoặc không xuất hiện những lo ngại địa chính trị, xu hướng giá dầu thô giảm sẽ vẫn hiện hữu.

5. Tăng trưởng toàn cầu

Bốn yếu tố trên đều là những vấn đề từ phía cung mà chưa tính đến phía cầu, và khả năng nhu cầu tăng là có do giá dầu giảm cũng là một chất xúc tác tăng trưởng quan trọng.

Theo giới phân tích, giá dầu trung bình ở mức 80 USD/ thùng so với mức gần đây khoảng 105 USD/thùng có thể tạo ra sự phân phối lại thu nhập từ các “đại gia” sản xuất dầu với phần còn lại của thế giới, với khoảng 1,1 % GDP.

Đây là một sự thay đổi lớn từ một nhóm các quốc gia. Nó nhắm vào một nhóm nhỏ các nước và nó được phân bố rộng rãi trên khắp các nền kinh tế toàn cầu.

Đó là 1,1% từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng, nói thẳng ra đó là 900 triệu USD đến 1.000 tỷ USD được phân phối lại. Các đối tượng hưởng lợi chính sẽ là Nhật Bản, Mỹ và châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục