Cuộc khủng hoảng trên thị trường khí đốt, giá năng lượng leo thang gây áp lực đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp, là những nguyên nhân khiến lạm phát của Đức tiếp tục gia tăng và sẽ đẩy nền kinh tế lớn nhất châu Âu đi vào suy thoái trong năm 2023.
Báo cáo công bố ngày 29/9 của các viện kinh tế hàng đầu của Đức và quốc tế cho thấy tốc độ tăng giá tiêu dùng sẽ không dừng lại trong những tháng tới và lạm phát hằng năm có thể lên tới 8,8% trong năm 2023, trong khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có thể giảm 0,4% trong giai đoạn này.
Theo các dự báo, được đưa ra 2 lần mỗi năm như một phần trong Dự báo kinh tế chung của Viện Kinh tế IFO ở Munich, Viện Kiel về Kinh tế Thế giới, Viện Nghiên cứu Kinh tế Halle (IWH) và Viện Nghiên cứu Kinh tế Leibniz (RWI), GDP của Đức trong năm 2022 chỉ tăng 1,4%, giảm so với dự báo trước đó là 2,7% và sẽ bước vào suy thoái trong năm 2023 với mức giảm là 0,4%, trước khi có thể đạt mức tăng trưởng 1,9% vào năm 2024.
Lạm phát có thể tăng lên 8,8% vào năm tới, cao hơn so với mức 8,4% của năm nay và sẽ giảm xuống 2,2% vào năm 2024.
Các nhà kinh tế cho rằng một trong những nguyên nhân chính khiến triển vọng kinh tế Đức xấu đi là do Nga ngừng xuất khẩu khí đốt sang châu Âu, điều này đã đẩy giá nhiên liệu lên mức kỷ lục trong mùa Hè và làm tăng nguy cơ thiếu khí đốt trong mùa Đông năm nay.
Mặc dù dự báo cho thấy Đức sẽ hết khí đốt, nhưng các viện nghiên cứu cho biết tình hình nguồn cung “vẫn cực kỳ khan hiếm,” với giá khí đốt có khả năng duy trì ở mức “cao hơn mức trước khủng hoảng.”
Các nhà kinh tế nhận định: “Điều này có nghĩa là nước Đức sẽ mất danh hiệu thịnh vượng lâu dài.”
Những dự báo trên hầu hết đều được điều chỉnh theo hướng ngược lại so với những dự báo đưa ra vào mùa Xuân của các viện, theo đó đều nhấn mạnh triển vọng đen tối đối với nền kinh tế và đặc biệt đối với các ngành sử dụng nhiều năng lượng.
[Nền kinh tế Đức nhận thêm thông tin đáng lo ngại]
Chỉ 5 tháng trước, hầu hết các dự báo đều cho rằng kinh tế Đức sẽ tăng trưởng 2,7% trong năm nay và 3,1% vào năm 2023.
Sản lượng kinh tế trong năm 2022 và 2023 sẽ thấp hơn 160 tỷ euro (khoảng 155 tỷ USD) so với dự báo đưa ra vào mùa Xuân.
Một dấu hiệu lạc quan duy nhất là thị trường lao động Đức ít bị tác động.
Tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề khiến nhiều công ty muốn giữ lại nhân viên hiện có, vì vậy thị trường việc làm chỉ có thể giảm nhẹ tạm thời.
Trước đó, trong báo cáo Triển vọng kinh tế tạm thời, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) lưu ý rằng nền kinh tế toàn cầu đã “mất đà” do tình hình xung đột tại Ukraine, trong đó Đức là nước bị tác động lớn nhất, với dự đoán nước này sẽ bước vào suy thoái trong năm 2023./.