Giới khoa học 'hiến kế' khắc phục tình trạng sụt lún trong xây dựng

Việt Nam lại là nước nằm trong khu vực địa lý có nhiều đe dọa về thiên tai và biến đổi khí hậu, điều kiện địa chất rất phức tạp nên việc ứng dụng công nghệ xử lý là vô cùng quan trọng.
Công trình đường giao thông rất dễ lún nền đường nếu không xử lý gia cố nền móng chắc trong điều kiện địa hình phức tạp. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Công trình đường giao thông rất dễ lún nền đường nếu không xử lý gia cố nền móng chắc trong điều kiện địa hình phức tạp. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Các nhà khoa học chia sẻ những bài giảng chuyên môn, tham luận về lĩnh vực địa kỹ thuật công trình, nền móng, công trình ngầm, thiên tai... đồng thời nhiều doanh nghiệp giới thiệu những công nghệ mới trong ngành xây dựng.

Đây là thông tin chính tại buổi khai mạc Hội nghị quốc tế GEOTEC HANOI 2019 lần thứ tư về lĩnh vực Địa Kỹ thuật và Hạ tầng diễn ra trong 2 ngày (28-29/11) tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội.

Theo đại diện Ban tổ chức, GEOTEC HANOI 2019 có quy mô vượt trội so với 3 kỳ hội nghị trước. Ban tổ chức đã lựa chọn 187 bài viết tham gia của các tác giả đến từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ để chọn 160 bài trình bày trong 2 ngày diễn ra hội nghị.

Bên cạnh 4 chủ đề truyền thống là móng sâu, hầm và công trình ngầm, gia cố nền đất, mô hình số và quan trắc địa kỹ thuật, GEOTEC HANOI 2019 còn mở rộng sang 2 chủ đề mới đang rất được quan tâm hiện nay là trượt lở và xói mòn, kỹ thuật nền móng bờ sông, bờ biển.

Theo ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần FECON, Trưởng Ban tổ chức GEOTEC HANOI 2019, Việt Nam là nước nằm trong khu vực địa lý có nhiều đe dọa về thiên tai và biến đổi khí hậu, điều kiện địa chất rất phức tạp. Vì vậy, chúng ta cần những công nghệ phù hợp để mỗi công trình đều được xây dựng và vận hành an toàn, bền vững, thân thiện môi trường với giá thành thấp nhất.

[Ban bố tình huống khẩn cấp nguy cơ sạt lở trên Quốc lộ 91]

Do đó, ông Khoa cho rằng, việc lựa chọn giải pháp nền móng rất quan trọng, ứng dụng công nghệ phù hợp để thi công xây dựng các công trình bền vững.

“Nhiệm vụ các nhà khoa học là tìm ra giải pháp và ứng dụng công nghệ nhằm đảm bảo 3 tiêu chí gồm an toàn bền vững, thân thiện môi trường và giá thành tốt nhất,” ông Khoa nhấn mạnh.

Nhìn nhận địa kỹ thuật công trình dù là lĩnh vực hẹp nhưng lại có tính bao trùm tương đối giữa khoa học công trình và địa chất, theo ông Khoa, Việt Nam sở hữu nhiều nhà khoa học kỹ sư có hiểu biết về địa chất kỹ thuật công trình. Từ đó, ông tin rằng, GEOTEC HANOI là một diễn đàn, sân chơi bổ ích cho các nhà khoa học kỹ sư, nghiên cứu viên trong các ngành kết cấu hạ tầng và địa kỹ thuật nền móng, công trình ngầm.

“Những bài giảng, tham luận chất lượng về lĩnh vực địa kỹ thuật công trình, nền móng, công trình ngầm, biến đổi thiên tai… tại hội nghị sẽ mang lại nhiều bổ ích cho sự phát triển hạ tầng bền vững của ngành xây dựng Việt Nam, góp phần rút ngắn khoảng cách về khoa học và công nghệ trong ngành địa kỹ thuật công trình giữa Việt Nam và thế giới, mở ra cơ hội cùng nhau khai thác ứng dụng và tiếp tục phát triển các thành tựu khoa học,” ông Khoa nói.

Giới khoa học 'hiến kế' khắc phục tình trạng sụt lún trong xây dựng ảnh 1Nhiều nhà khoa học, kỹ sư, nghiên cứu viên chia sẻ những bài giảng chuyên môn, tham luận về lĩnh vực địa kỹ thuật công trình, nền móng, công trình ngầm, thiên tai... (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Bên cạnh các bài viết và sự tham gia sôi nổi của các diễn giả, số lượng doanh nghiệp tham gia tài trợ triển lãm năm nay trải rộng với ngành nghề sản xuất kinh doanh là khảo sát, thiết kế, quan trắc, sản xuất thiết bị, sản xuất vật liệu, thi công các dự án nền móng, công trình ngầm, hạ tầng giao thông, chống sạt lở... và hạ tầng công nghiệp./.

Trong lần đầu tổ chức vào năm 2011, GEOTEC HANOI thu hút 450 nhà khoa học, nhà tư vấn thiết kế và nhà quản lý xây dựng công trình đến từ 24 quốc gia. Hội nghị bao gồm 6 bài giảng chính và 110 tham luận. Sau đó, GEOTEC HANOI tiếp tục được tổ chức vào các năm 2013 và 2016.

GEOTEC HANOI 2019 do Công ty Cổ phần FECON, Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình Việt Nam (VSSMGE), Đại học Thủy lợi và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kokusai Kogyo (KKC) phối hợp tổ chức, dưới sự bảo trợ của Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình thế giới (ISSMGE) và Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục