Giới thiệu cơ chế một cửa ASEAN và cơ chế một cửa Quốc gia

Hội thảo "Giới thiệu về cơ chế một cửa ASEAN và cơ chế một cửa Quốc gia" đã diễn ra ngày 29/5, tại Đà Nẵng.
Giới thiệu cơ chế một cửa ASEAN và cơ chế một cửa Quốc gia ảnh 1(Ảnh minh họa: Hoàng Hùng/TTXVN)

Ngày 29/5, tại Đà Nẵng đã diễn ra hội thảo "Giới thiệu về cơ chế một cửa ASEAN và cơ chế một cửa Quốc gia" do Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương tổ chức.

Hội thảo đã giới thiệu tình hình triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; cơ chế kết hợp giữa các Bộ ngành; lợi ích tham gia cơ chế một cửa quốc gia và thực tế triển khai cơ chế một cửa quốc gia tại Bộ Công Thương; tiến trình điện tử hóa thủ tục xuất nhập khẩu tại Bộ Công Thương; hệ thống cấp phép điện tử sẽ triển khai trong thời gian tới và các vấn đề doanh nghiệp cần chuẩn bị khi tham gia hệ thống một cửa Quốc gia của Bộ Công Thương...

Hội thảo cũng chia sẻ về nhu cầu hình thành và tình hình triển khai trên thế giới qua kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc...

Năm 2003, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 9 quyết định xây dựng cơ chế một cửa ASEAN (ASW) nhằm hiện thực hóa Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2020 (Thỏa ước Bali II). Năm 2005, các Bộ trưởng kinh tế ASEAN ký Hiệp định thư về xây dựng và triển khai ASW.

Năm 2006, Các Bộ trưởng tài chính ASEAN ký Nghị định thư về xây dựng và triển khai ASW. Brunei, Indinesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan triển khai ASW vào năm 2008; Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam triển khai vào năm 2012.

Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) là kết nối các nước với nhau, xây dựng mô hình dữ liệu ASEAN. Cơ chế một cửa ASEAN đã xây dựng mô hình dữ liệu ASEAN, chuẩn bị về mặt kỹ thuật, quy trình nghiệp vụ cho ASW thông quan Dự án thử nghiệm ASW; xây dựng Nghị định thư về khung pháp lý ASW; xây dựng cổng thông tin ASW...

Khi triển khai ASW, doanh nghiệp Việt Nam được sử dụng các chứng từ điện tử để làm thủ tục thông quan tại các quốc gia ASEAN, đơn giản thủ tục đối với hàng hóa xuất khẩu.

Doanh nghiệp Việt Nam có quyền bình đẳng trong việc tham gia cung cấp dịch vụ. Các cơ quan Nhà nước được khai thác, sử dụng các thông tin trong hồ sơ hải quan để phục vụ cho việc thực thi pháp luật cũng như quản lý Nhà nước của Việt Nam.

Năm 2013 Bộ Công Thương cùng với Bộ Tài chính, Bộ Giao Thông Vận tải là ba bộ tham gia thí điểm đầu tiên cơ chế quốc gia một cửa. Các thủ tục được đưa vào thí điểm gồm thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ C/O mẫu D; giấy phép xuất nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp; giấy phép xuất nhập khẩu các chất làm suy giảm tầng ozon; thủ tục cấp giấy chứng nhận quy trình Kimberley và giấy phép nhập khẩu tự động môtô phân khối lớn.

Đến nay, Bộ Công Thương đã xây dựng Bộ Tài liệu thống nhất về quy trình nghiệp vụ, chỉ tiêu thông tin, định dạng dữ liệu và phương thức trao đổi dữ liệu giữa hệ thống một cửa Quốc gia của Bộ Công Thương và Cổng thông tin một cửa Quốc gia (NSW). Đã xây dựng Hệ thống kết nối với NSW đối với thủ tục Giấy chứng nhận C/O mẫu D và chính thức khai trương hệ thống vào tháng 2/2014.

Khi thực hiện cơ chế một cửa Quốc gia với các thủ tục của Bộ Công Thương sẽ đơn giản hóa và hài hòa thủ tục đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; rút ngắn thời gian và giảm chi phí trong các thủ tục thông quan, giải phóng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; nâng cao chất lượng, tính chính xác của thông tin, chứng từ do cộng đồng doanh nghiệp và các chủ thể kinh tế cung cấp; đảm bảo tính công khai, minh bạch và nâng cao tính dự báo của cơ chế, chính sách do Chính phủ ban hành; nâng cao năng lực quản lý Nhà nước của các cơ quan Chính phủ và năng lực quản lý, điều hành của các chủ thể kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục