Giới thiệu đến công chúng 177 hiện vật, tư liệu thời kháng chiến

Chuyên đề “Kỷ vật thời kháng chiến” được trưng bày tại Phòng đa năng, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (số 28 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) đến hết tháng 3/2024.

Các đại biểu tham quan Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, quận 3, TP.HCM.(Nguồn: Công Lý)
Các đại biểu tham quan Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, quận 3, TP.HCM.(Nguồn: Công Lý)

Ngày 21/11, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Kỷ vật thời kháng chiến.”

Đây là sự kiện nhân kỷ niệm 18 năm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2023) và 83 năm Ngày Nam Kỳ khởi nghĩa (23/11/1940 - 23/11/2023), hướng đến 79 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2023).

Với 177 hình ảnh, tư liệu, hiện vật, các kỷ vật, chuyên đề lần này giới thiệu đến công chúng theo 3 nhóm nội dung, gồm: Nhóm kỷ vật của các chỉ huy, lãnh đạo, tướng lĩnh thuộc các cơ quan chỉ đạo cách mạng miền Nam; nhóm kỷ vật là hành trang của người chiến sỹ trên các mặt trận khác nhau như nhà báo, phóng viên chiến trường, văn công quân giải phóng miền Nam, các chiến sỹ quân giải phóng, nữ chiến sỹ miền Nam, đội ngũ y, bác sỹ… và nhóm kỷ vật của những cựu binh, cựu tù chính trị.

Giám đốc Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh Trần Xuân Thảo cho biết, từng câu chuyện, chuyên đề mang đến cho công chúng cái nhìn chân thực về những giá trị lịch sử, nét văn hóa, nghệ thuật độc đáo ẩn chứa sau mỗi kỷ vật.

Khách tham quan sẽ cảm nhận sâu sắc hơn về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam, dù trong hiểm nguy hay trong lao tù của thực dân đế quốc, họ vẫn son sắt một tình yêu cao đẹp với Tổ quốc.

Trưng bày góp phần giáo dục thế hệ trẻ niềm tự hào dân tộc, ý thức chống chiến tranh xâm lược, bảo vệ hòa bình và xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp.

Tại buổi lễ, ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, chuyên đề “Kỷ vật thời kháng chiến” giúp công chúng trong và ngoài nước hiểu rõ hơn về một thời kỳ đấu tranh gian lao mà anh dũng của cán bộ, chiến sỹ và người dân đất Việt; về tinh thần yêu nước, tài khéo léo, óc sáng tạo của các tầng lớp nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập tự do cho đất nước, không bao giờ chịu cúi đầu, khuất phục trước thế lực xâm lược.

Ông Trần Thế Thuận mong rằng, các nội dung tại trưng bày sẽ lan toả sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, góp phần tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống nhân văn, yêu chuộng hòa bình của con người Việt Nam trong và sau chiến tranh.

Từng là đội trưởng đội nữ du kích, có hơn 10 năm bám trụ trên chiến trường Củ Chi (1965-1975), bà Võ Thị Trông (76 tuổi) xúc động chia sẻ: “Khi nhìn lại những kỷ vật, tôi nhớ về những kỷ niệm trong quá trình sống và chiến đấu trong thời kỳ chiến tranh ác liệt. Những kỷ vật thời đó như sống dậy trước mắt mình khiến tôi nhớ về những người đồng đội, đồng chí đã hy sinh, nhất là những người đã hy sinh khi tuổi mới chỉ 19, đôi mươi.”

Chuyên đề “Kỷ vật thời kháng chiến” được trưng bày tại Phòng đa năng, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (số 28 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) đến hết tháng 3/2024./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục