Giới thiệu văn hóa truyền thống của Việt Nam tại Venezuela

Tại buổi tọa đàm về văn hóa do Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuela tổ chức, nhà báo Lê Duy Truyền - nguyên Phó Tổng giám đốc TTXVN - đã giới thiệu phong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt.
Giới thiệu văn hóa truyền thống của Việt Nam tại Venezuela ảnh 1Bàn thờ gia tiên của gia đình Việt. (Ảnh: Vietnam+)

Tiếp tục các hoạt động ngoại giao văn hóa nhân dịp Hội chợ sách quốc tế Venezuela lần thứ 17 (FILVEN 2021), ngày 10/11, Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuela đã tổ chức buổi tọa đàm về văn hóa Việt Nam với chủ đề “Phong tục thờ cúng tổ tiên và Tết Nguyên đán” theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Đây cũng là một trong những hoạt động chính thức trong khuôn khổ FILVEN 2021.

Sự kiện có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Văn hóa Venezuela Mary Pemjean; Đại sứ Venezuela tại Việt Nam Tatiana Moreno Pugh; nguyên Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Venezuela, nhà báo Lê Duy Truyền; Chủ tịch Hội Hữu nghị Venezuela-Việt Nam (CAVV) Carolus Wimmer; Giám đốc Phòng Thương mại Venezuela-Việt Nam (CAVENVIET) Alberto Burguer cùng khách mời là các phóng viên báo chí và bạn bè sở tại.

Phát biểu tại hội thảo, nhà báo Lê Duy Truyền gửi lời cảm ơn Ban tổ chức FILVEN 2021, bày tỏ sự vui mừng được tham gia sự kiện văn hóa lớn nhất trong năm của Venezuela.

Trình bày khái quát lịch sử hình thành và phát triển của văn hóa Việt Nam, nguyên Phó Tổng giám đốc TTXVN cho biết ở Việt Nam tồn tại ba tầng văn hóa đan xen là văn hóa bản địa, văn hóa giao lưu với Trung Quốc và khu vực, văn hóa giao lưu với phương Tây.

Tuy nhiên, nhờ cội nguồn văn hóa sâu sắc, tổ tiên người Việt đã không bị ảnh hưởng bởi văn hóa ngoại lai mà còn biết cách tận dụng và Việt hóa những đặc điểm văn hóa bên ngoài để làm giàu cho văn hóa Việt Nam.

Ông Lê Duy Truyền cũng giới thiệu phong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam, nhấn mạnh hình thức thờ cúng không phải là một tôn giáo, mà thể hiện tình cảm tưởng nhớ về cội nguồn và lòng biết ơn đối với tổ tiên đã sinh thành, nuôi nấng, dạy dỗ mình nên người.

Người Việt có phong tục thờ các vị thần linh, các vị anh hùng dân tộc và những người có công lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như các thời Vua Hùng, danh tướng Trần Hưng Đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Nhà báo Lê Duy Truyền cho biết Việt Nam là đất nước của những lễ hội với gần 8.000 sự kiện được tổ chức quanh năm.

[Hoạt động ngoại giao văn hóa kỷ niệm 32 năm quan hệ Việt Nam-Venezuela]

Trong số đó, Tết Nguyên đán ở Việt Nam là ngày lễ lớn, quan trọng nhất trong năm, đồng thời là dịp để gắn kết các gia đình lại với nhau và tôn vinh những giá trị truyền thống của đất nước.

Vào dịp Tết, các gia đình đều cố gắng dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa với những lọ hoa rực rỡ hay cành đào, cây mai và chuẩn bị mâm cơm cúng gia tiên vào ngày cuối năm.

Giới thiệu văn hóa truyền thống của Việt Nam tại Venezuela ảnh 2Nhà báo Lê Duy Truyền giới thiệu với khán giả Venezuela về những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo ông Lê Duy Truyền, bánh chưng, đôi câu đối, mâm ngũ quả là những thứ không thể thiếu trên bàn thờ của mỗi gia đình trong dịp Tết, không những tạo nên không gian đầm ấm, chan hòa, mà còn thể hiện sinh động tư tưởng triết học, tôn giáo, thẩm mỹ, là nơi gửi gắm tâm nguyện của mỗi gia đình.

Trước khi kết thúc buổi tọa đàm, ông Lê Duy Truyền cũng chia sẻ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII vào tháng 1/2021 của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định mục tiêu “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiến bộ, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành nội lực, động lực phát triển và bảo vệ Tổ quốc; tăng cường đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa; xây dựng môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi hơn nữa để khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tinh thần hăng hái, tin tưởng phát triển đất nước ấm no, hạnh phúc; phát triển tài năng, trí tuệ, lòng dũng cảm của người Việt Nam là trung tâm, là mục tiêu, động lực phát triển của đất nước”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục