Giới trẻ Indonesia tìm thấy "một nửa" qua Twitter

Tìm một nửa của mình qua các trang mạng xã hội là một xu hướng đang gia tăng ở quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới Indonesia.
Chàng là một gã trai nhạt nhẽo chỉ chúi mũi vào máy tính đến từ Yogyakarta, nàng là một cô gái quyến rũ sống tại Jakarta. Trong một đất nước vốn là một trong những đất nước sôi động nhất với mạng xã hội, họ đã yêu nhau qua Twitter.

Theo AFP, “Republik Twitter,” một bộ phim hài lãng mạn của Indonesia sẽ được phát hành vào tuần lễ Valentine, minh họa cho một xu hướng đang gia tăng khi các cặp đôi kết nối thông qua các trang mạng xã hội ở quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới này.

Indonesia, với dân số 240 triệu nằm rải rác trên một quần đảo rộng lớn với 17.000 hòn đảo – một vài trong số đó còn không có đường điện thoại cố định – có 40 triệu người sử dụng Facebook và 20 triệu người dùng Twitter, đưa đất nước thành trở thành cộng đồng sử dụng Facebook lớn thứ 3 thế giới, và sử dụng Twitter lớn thứ 5 thế giới. Và nút bấm trên smartphone thường là cửa ngõ của tình yêu.

Người quản lý truyền thông xã hội Aulia Soemitro gặp một nửa của mình trên Twitter. Vào ngày lễ Valentine, anh muốn “tweet” câu chuyện của mình: “Tôi sẽ đăng một truyện ngắn về hành trình tình yêu của chúng tôi, thú nhận về lúc tôi bắt đầu có tình cảm với cô ấy và cái gì ở cô ấy khiến tôi phát điên."

Ilham Aji Prasetyo, một sinh viên 22 tuổi, cho biết anh đã tìm được một bạn gái trên mạng sau 2 tuần tìm hiểu – nhưng không bao giờ gặp mặt trực tiếp cô ấy.

“Đó là một mối quan hệ ảo, chúng tôi không bao giờ gặp nhau. Tôi xem các bức ảnh trên Facebook của cô ấy và trò chuyện online và cô ấy cảm thấy rất phù hợp với tôi. Nhưng sau ba tuần, chúng tôi đều cảm thấy chúng tôi không thể có mối quan hệ nghiêm túc hơn bởi chúng tôi theo những tín ngưỡng khác nhau, bởi vậy chúng tôi chia tay” Prasetyo cho biết.

Hôn nhân không phải là việc thường được sắp xếp ở Indonesia, nhưng mạng xã hội đã trở thành một cách thông dụng để tìm kiếm một người bạn đời – đặc biệt là với những khoảng cách xa tại một quốc gia lớn như vậy.

Tuy nhiên, một số giáo sỹ đạo Hồi đã kêu gọi một lệnh cấm các trang web giống như Facebook, vì cáo buộc rằng những trang web này cho phép lẫn lộn các giới tính và khuyến khích những nội dung khiêu dâm và quan hệ tình dục bất hợp pháp.

“Republik Twitter” không chỉ miêu tả những tình huống lãng mạn trực tuyến tại Indonesia, mà còn là câu chuyện về tình yêu tập thể với những trang mạng xã hội.

Kuntz Agus, 30 tuổi, đạo diễn bộ phim cho biết: “Chúng tôi là quốc gia Twitter. Một vài người sử dụng Twitter như một phương tiện giao tiếp và chia sẻ tin tức, một số người khác để tìm người yêu. Có nhiều đôi yêu nhau và chia tay qua Twitter. Có rất nhiều mối quan hệ kết thúc một cách tệ hại do sự khác biệt về tính cách. Và sau tất cả, thật khó để có thể hiểu rõ một người chỉ với 140 ký tự.”

Trên màn ảnh, tình yêu bừng nở qua Twitter giữa Sukmo và Hanum. Nhưng sau khi Sukmo gặp cô ấy và thấy rằng hóa ra cô ấy là một phóng viên quyến rũ và xinh đẹp, sự tự tin của anh tan biến. Anh quyết định thay đổi lại vẻ ngoài của mình, và tình yêu thực sự nảy sinh khi họ gặp lại nhau./.

P.V (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục