Giữ bình ổn giá để hỗ trợ phục hồi kinh tế, đảm bảo đời sống người dân

Phó Thủ tướng Chính phủ đặc biệt lưu ý công tác điều hành giá xăng dầu, yêu cầu đảm bảo đủ nguồn cung xăng dầu trong mọi trường hợp, đồng thời kiểm tra, kiểm soát, xử lý ngay các hành vi sai phạm.
Giữ bình ổn giá để hỗ trợ phục hồi kinh tế, đảm bảo đời sống người dân ảnh 1Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Ngày 25/2, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá, nghe báo cáo về kết quả công tác điều hành giá hai tháng, đánh giá những kết quả đã đạt được, những khó khăn, vướng mắc, qua đó xác định các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện trong công tác điều hành giá 10 tháng còn lại của năm 2022.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ, năm 2022 tình hình diễn biến hết sức phức tạp; hàng hóa, nhiên nguyên vật liệu đầu vào tăng cao sẽ ảnh hưởng tới lạm phát nước ta. Nhưng ngay từ những ngày đầu năm 2022, Ban Chỉ đạo điều hành giá và cơ quan chức năng đã theo dõi sát tình hình; có chỉ đạo kịp thời, trên cơ sở đó các bộ ngành, địa phương đã tích triển khai các giải pháp điều hành giá.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao kết quả đạt được trong công tác điều hành chính sách tiền tệ, ổn định lãi suất, tăng trưởng tín dụng, điều hành tỉ giá linh hoạt để bảo đảm vốn cho nền kinh tế và các hoạt động thương mại quốc tế, xuất nhập khẩu. Đặc biệt, các chính sách tài khóa hỗ trợ thuế, phí, lệ phí cho người dân và doanh nghiệp triển khai kịp thời, nhanh chóng chính là những yếu tố góp phần thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát.

"Chúng ta đã triển khai các chính sách rất nhanh, hiệu quả tác động rất rõ, được nhân dân đồng tình, ủng hộ," Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.

Giữ bình ổn giá để hỗ trợ phục hồi kinh tế, đảm bảo đời sống người dân ảnh 2Mua, bán xăng dầu tại cửa hàng tại Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Trong nhóm các mặt hàng thiết yếu, Phó Thủ tướng Chính phủ đặc biệt lưu ý công tác điều hành giá xăng dầu. Đối với giá xăng, trong mọi trường hợp, nguồn cung phải đảm bảo, nhưng đi đôi với đó là phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát hơn nữa, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, ổn định thị trường.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục triển khai giải pháp bảo đảm đủ xăng dầu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân… Đồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý ngay các hành vi sai phạm theo quy định của pháp luật, phối hợp với cơ quan báo chí, thông tin công khai, minh bạch để dư luận rõ.

[Theo dõi sát diễn biến cung cầu để điều hành, bình ổn giá]

Đối với giá kit-test xét nghiệm, cũng là mặt hàng cần đặc biệt lưu ý quản lý giá cả trong những ngày gần đây, Phó Thủ tướng đánh giá cao Bộ Y tế đã trình các cấp có thẩm quyền đưa trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 vào diện bình ổn giá, giá dịch vụ xét nghiệm đã giảm so với trước đây.

Tuy nhiên, Bộ Y tế khẩn trương triển khai các giải pháp để bảo đảm đầy đủ nguồn cung, triển khai các biện pháp quản lý giá, bình ổn giá theo quy định của pháp luật, nhất là mặt hàng kit-test.

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, lạm phát năm 2022 dự báo nhiều áp lực tăng. Bộ Tài chính đã đánh giá và đưa ra các kịch bản giá trong điều hành, chủ yếu dựa trên cơ sở mức tăng giá xăng dầu. Do đó, cần căn cứ tình hình thực tế, có phương án điều hành phù hợp cũng như phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát cũng như ổn định đời sống của người dân. Bộ Tài chính cũng cần xây dựng thêm kịch bản, "lường trước tình huống xấu hơn" để có giải pháp ứng phó phù hợp.

Đánh giá cao vai trò của công tác thông tin, tuyên truyền, Phó Thủ tướng đề nghị cần tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng và gây bất ổn thị trường.

Ban Chỉ đạo điều hành giá tiếp tục quản lý, điều hành giá thận trọng, chủ động và linh hoạt, kiên định mục tiêu bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm ở mức khoảng 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra.

Cũng tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo, đại diện một số bộ, ngành cho rằng, cần phải lường hết các khó khăn trong điều hành khi dự báo giá cả một số mặt hàng thiết yếu tiếp tục diễn biến phức tạp theo chiều hướng tăng.

Những kịch bản mới nhất được đưa ra, dự đoán sẽ tăng so với những dự báo trước đó. Tuy nhiên, đại diện các bộ, ngành cho biết, sẽ bám sát diễn biến giá cả thị trường, để kịp thời có giải pháp hữu hiệu, giữ ổn định giá cả thị trường, tránh ảnh hưởng xấu tới đời sống người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục