Giữ 'luồng xanh' lưu thông hàng hóa thiết yếu và xuất nhập khẩu

Dù ngày đầu gặp khó khăn do ùn tắc cục bộ tại các chốt, nhưng đến nay, việc lưu thông tại TP.HCM đã thông suốt, đảm bảo vận chuyển hàng hóa thiết yếu, hàng hóa ra vào cảng phục vụ phát triển kinh tế.
Người tiêu dùng chọn mua rau củ quả tại siêu thị ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)
Người tiêu dùng chọn mua rau củ quả tại siêu thị ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Từ ngày 9/7, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngành giao thông đã nhanh chóng xây dựng “luồng xanh” lưu thông qua địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh với 11 lộ trình.

Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhanh chóng cấp giấy nhận diện phương tiện đi vào “luồng xanh” cho các đơn vị đầu mối.

Dù ngày đầu gặp khó khăn do ùn tắc cục bộ tại các chốt, nhưng đến nay việc lưu thông đã thông suốt, đảm bảo vận chuyển hàng hóa thiết yếu, hàng hóa ra vào cảng để phục vụ phát triển kinh tế.

Đảm bảo “luồng xanh” thông suốt

Ngay từ khi Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, Bộ Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương đã xây dựng lộ trình ưu tiên vận chuyển hàng hóa thiết yếu, xe ra vào cảng Cát Lái và vận chuyển hàng hóa trong vùng.

Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng phương án và thống nhất với Sở Giao thông Vận tải các tỉnh khác theo hướng tạo luồng xanh, cấp mã QR để xe qua chốt.

Theo đó, các phương tiện ưu tiên lưu thông là xe ôtô vận chuyển hàng hóa thiết yếu; xe vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh, phục vụ hoạt động của các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố; xe vận chuyển hàng hóa ra vào các cảng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh…

Theo ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh), tính đến ngày 13/7, Sở đã cấp giấy nhận diện phương tiện được ưu tiên qua các khu vực chốt kiểm soát phòng, chống dịch cho 41 đơn vị, địa phương với gần 22.000 phương tiện.

Các địa phương trong vùng cũng đã đăng ký cấp giấy nhận diện cho các phương tiện, như các tỉnh: Tây Ninh, Tiền Giang, Bình Dương, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, An Giang. Hiện nay, để đảm bảo cấp giấy nhận diện cho các doanh nghiệp, cán bộ phụ trách của Sở đã làm việc đến 20-21 giờ mỗi ngày, thậm chí có ngày đến 0 giờ.

Trong số các đơn vị được Sở Giao thông Vận tải thành phố cấp giấy, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị đầu mối được cấp nhiều giấy nhận diện nhất với 8.521 phương tiện. Đây là các đơn vị đầu mối về thực hiện nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nhất là lương thực, thực phẩm cung cấp cho thành phố.

Nhờ sự vào cuộc nhanh chóng này, hoạt động cung ứng hàng hóa thiết yếu trên địa bàn thành phố được thuận lợi hơn.

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương, lượng lương thực thực phẩm chuyển về thành phố ngày càng tăng. Trong ngày 13/7, lượng lượng thực thực phẩm đạt khoảng 1.900 tấn, tăng 100 tấn so với ngày 12/7; trong đó, chủ yếu là thực phẩm tươi sống.

Để tạo điều kiện cho các phương tiện lưu thông qua chốt kiểm soát giữa các địa phương, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh tăng cường công tác phối hợp về giao thông vận tải.

Theo đó, thành phố đề nghị các tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng ứng trực tại các chốt, trạm phòng chống, dịch có giải pháp linh hoạt trong quá trình hoạt động để hạn chế ùn tắc giao thông; tổ chức phân luồng tạo làn riêng (luồng xanh) và ưu tiên kiểm tra nhanh đối với các phương tiện đã được cấp giấy nhận diện.

Trong ngày 9/7, một số bất cập phát sinh tại các chốt kiểm soát giữa các tỉnh, thành phố khiến xảy ra ùn ứ cục bộ tại một số nơi trong ngày đầu.

Tuy nhiên, Cục Quản lý đường bộ IV (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cùng Sở Giao thông Vận tải các địa phương nhanh chóng bố trí tháo dỡ dải phân cách; lắp đặt biển báo nên đã hạn chế tối đa việc ùn tắc giao thông tại các chốt kiểm soát trên Quốc lộ 22 (Tây Ninh), Quốc lộ 1 (Long An), Quốc lộ 1K (Đồng Nai).

Giữ 'luồng xanh' lưu thông hàng hóa thiết yếu và xuất nhập khẩu ảnh 1Giao hàng bằng xe hai bánh là một trong các loại hình được hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Đến nay, tình hình giao thông tại các chốt kiểm soát đã dần ổn định, lượng phương tiện giao thông đã giảm mạnh; số lượng phương tiện quay đầu do không đủ điều kiện giảm nhiều.

Việc lưu thông hàng hóa của các phương tiện thuận lợi, nhất là các xe được cấp giấy nhận diện phương tiện-tạo luồng xanh khi đi qua các chốt kiểm dịch tại các cửa ngõ ra vào thành phố.

Hàng hóa qua cảng ổn định

Trong những ngày Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, tài xế xe container Vũ Minh Chiến, ngụ tại huyện Hóc Môn vẫn thường xuyên vận chuyển hàng hóa từ Bình Dương, Đồng Nai về cảng Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh).

Anh Chiến cho biết, việc di chuyển qua các chốt kiểm soát tại địa bàn giáp ranh khá thuận lợi. Tài xế chỉ cần trình các giấy tờ theo quy định phòng, chống dịch sẽ được tạo điều kiện qua chốt.

[Bộ trưởng Giao thông Vận tải: Lập thêm luồng xanh nếu quá tải, ùn tắc]

Những ngày vừa qua, lượng container chở hàng hóa vào cảng Cát Lái không giảm so với trước đó, nhưng việc lưu thông ra vào cảng khá thuận lợi.

Nhằm tạo thuận thuận lợi cho các doanh nghiệp lưu thông hàng hóa ra vào cảng, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn đã làm đầu mối, nhanh chóng làm thủ tục cấp QR code cho xe ôtô vận chuyển hàng hóa có điểm đi và điểm đến cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh. Đến ngày 13/7, đầu mối này đã được cấp 5.724 giấy nhận diện phương tiện.

Đại diện Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết, hiện nay việc lưu thông hàng hóa ra vào cảng vẫn diễn ra bình thường, ổn định.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, hiện Thành phố Hồ Chí Minh vẫn triển khai 12 chốt kiểm soát nghiêm ngặt tại các cửa ngõ ra vào thành phố.

Sở ghi nhận lượng hàng hóa ra vào các cảng biển khoảng 45.000 tấn/ngày và 228.000 tấn/ngày đối với hàng hóa đường thủy. Nhìn chung, lượng hàng hóa không giảm so với trước đây cho thấy, hoạt động xuất nhập khẩu của thành phố đảm bảo thực hiện được “mục tiêu kép.”

Tại cuộc họp trực tuyến giữa Bộ Giao thông Vận tải và 19 tỉnh khu vực phía Nam ngày 13/7, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình cho biết, hiện thành phố có 12 chốt kiểm soát ra vào thành phố và nếu điểm chốt nào có hiện tượng ùn ứ sẽ nghiên cứu bố trí thêm "luồng xanh,” giãn xe.

Từ ngày 12/7 đến nay, cơ bản không có sự ùn ứ tại các chốt kiểm tra. Thành phố sẽ ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng tham gia hoạt động vận tải.

Việc tạo "luồng xanh" giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành khu vực Tây Nam bộ, Đông Nam bộ, nhất là sự điều chỉnh linh hoạt của các đơn vị giúp tình hình giao thông tại các chốt kiểm soát được ổn định.

Đây là tiền đề quan trọng giúp hàng hóa nhu yếu phẩm nhanh chóng được vận chuyển về thành phố; đồng thời, đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, phát triển kinh tế trong gian đoạn hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục