Cần sự phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước và ngành y tế

Giúp chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng thích ứng với dịch COVID-19

Về việc triển khai các biện pháp để các công trình giao thông, xây dựng được tiếp tục thi công cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa cơ quan quản lý Nhà nước và ngành y tế giúp chủ đầu tư, nhà thầu.
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 của thành phố Hà Nội. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 của thành phố Hà Nội. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Trước những khó khăn, lúng túng của các chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng trong thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tại Văn bản số 1141 ngày 6/4/2020 về triển khai các biện pháp để các công trình giao thông, xây dựng được tiếp tục thi công đang đặt ra vấn đề cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa cơ quan quản lý Nhà nước và ngành y tế giúp chủ đầu tư, nhà thầu thích ứng với tình hình dịch COVID-19.

Rủi, may trong dịch bệnh

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CP-TTg ngày 31/3/2020 về thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19; trong đó yêu cầu thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 01/4/2020 trên phạm vi toàn quốc.

Triển khai Chỉ thị số 16/CP-TTg, UBND thành phố Hà Nội ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 31/3/2020; trong đó yêu cầu các công trường xây dựng tổ chức cho cán bộ công nhân viên, người lao động nghỉ tại nhà, nơi cư trú, tại công trường xây dựng (nếu có), trừ các trường hợp sản xuất kinh doanh hàng hóa thiết yếu.

Theo đó, Sở Xây dựng Hà Nội cũng ban hành Văn bản số 2618/SXD-TTr ngày 1/4/2020 yêu cầu tất cả các chủ đầu tư, nhà thầu trên địa bàn dừng mọi hoạt động thi công xây dựng và phải chịu trách nhiệm hoàn toàn nếu cán bộ, công nhân lây nhiễm dịch do không chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch tại cơ sở. Chính vì vậy, gần như toàn bộ các dự án lớn, nhỏ trên địa bàn Hà Nội đều tạm dừng thi công từ ngày 1/4/2020.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, một nhà thầu xây dựng cho biết, những năm trước đây, doanh nghiệp hầu như chỉ thực hiện dự án tại Hà Nội, nhưng đến năm nay, doanh nghiệp không có một hợp đồng nào ở địa bàn này.

Mặc dù ban đầu rất lo lắng, hoang mang vì không có việc làm, song đến thời điểm từ 1/4/2020, ông Tùng cảm thấy may mắn vì nếu có dự án ở Hà Nội thì cũng phải dừng thi công, cũng coi như không có việc. Trong khi đó, các công trình của ông ở tỉnh Hà Nam vẫn diễn ra bình thường, thậm chí phải làm ngày làm đêm cho kịp tiến độ bàn giao.

Ông Nguyễn Thanh Phúc, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng Quốc tế Phúc An, chuyên thi công công trình nhà dân cho biết, chủ đầu tư khá hiểu và cảm thông với tình hình dịch bệnh COVID-19 nên sẵn sàng chia sẻ với nhà thầu và công nhân xây dựng.

Họ sẵn sàng hỗ trợ ăn, ở tại công trình khi cần và có nhu cầu. Thế nhưng, công việc cũng không diễn ra thuận lợi và đúng tiến độ như mong muốn khi mà vật liệu xây dựng không có để tiếp tục triển khai công việc hoặc nếu có làm cũng chỉ dám làm nhỏ giọt với tâm lý lo sợ bị chính quyền địa phương phạt.

[Làm thế nào để lấy lại 'không gian phòng khách' của đô thị Hà Nội?]

Việc đeo khẩu trang tại công trường cũng không được người lao động tuân thủ nghiêm túc nếu như không có sự hỗ trợ của nhà thầu và chủ đầu tư.

Nhà thầu này cũng cho rằng, có cái hay là thợ thuyền chỉ tập trung vào một nơi, không phải đi lại nhiều nên không có mầm bệnh, chỉ có không may lây nhiễm từ bên ngoài khi đi chợ…

Đây cũng là một cách tự cách ly khi làm tại công trường, ngủ tại công trường và không va chạm, tiếp xúc với người ngoài. Tuy nhiên, tất cả các công trình của Công ty Phúc An trên địa bàn Hà Nội đều phải tạm dừng thi công theo chỉ đạo.

Tiếp tục hoạt động để tăng chi tiêu

Từ thực tế triển khai một số nội dung của Chỉ thị số 16 của Thủ tướng tại một số địa phương còn chưa được hiểu rõ và thực hiện thống nhất, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản hỏa tốc số 2601/VPCP-KGVX gửi các bộ, ngành, tỉnh-thành phố về thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, ngày 6/4/2020, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục có Văn bản số 1141/UBND-KGVX truyền đạt ý kiến của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho phép các công trình xây dựng được tiếp tục hoạt động.

Tuy nhiên, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch như đeo khẩu trang, bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư chống dịch theo quy định của cơ quan y tế, thực hiện khai báo y tế, đưa đón người lao động bảo đảm ngăn ngừa lây nhiễm dịch bệnh…

Chiều 10/4, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo chống dịch COVID-19 của Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định: Những công trình ở điều kiện ngoài trời thoáng đãng, khó có khả năng lây nhiễm dịch COVID-19, nên có thể được hoạt động.

Hơn nữa, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, lưu lượng người tham gia giao thông trên đường đang vắng, đó chính là điều kiện thuận lợi để khẩn trương tiến hành các công trình xây dựng, nhất là công trình liên quan đến cầu, đường.

Giúp chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng thích ứng với dịch COVID-19 ảnh 1Dự án cầu cạn Vành đai 2 đoạn qua đường Minh Khai đã tạm dừng thi công do dịch COVID-19. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội giao lãnh đạo các quận, huyện, phường, xã trên địa bàn, khẩn trương rà soát, sớm công khai danh sách các công trình xây dựng được phép hoạt động.

Đồng thời chỉ rõ, các công trình xây dựng trên địa bàn như cải tạo vỉa hè, giao thông cầu đường… không có yếu tố liên quan đến các ổ dịch và liên quan đến người nước ngoài, trong quá trình triển khai đảm bảo đủ các yếu tố về y tế như khẩu trang, nước sát khuẩn, khoảng cách an toàn… được phép hoạt động.

Một chuyên gia trong ngành xây dựng cho biết, việc điều chỉnh cho các công trình xây dựng được tiếp tục hoạt động là hợp lý khi mà thợ xây dựng thường làm việc theo nhóm, sinh hoạt và làm việc trong không gian hẹp, ăn ở cùng nhau như một gia đình.

Đối với những nhóm thợ làm công trình nhà dân lại dễ quản lý hơn khi mà họ cũng chỉ tập trung trên dưới 10 người nên chỉ cần chỉ dẫn và giảm sát thực hiện đầy đủ là bảo đảm an toàn phòng dịch.

Mặc dù vậy, một số chuyên gia khác khá lo lắng với các điều kiện ràng buộc như trong Văn bản hỏa tốc số 2601/VPCP-KGVX không dễ để thực hiện, nhất là đối với lĩnh vực xây dựng thường phải tập trung đông người, nhiều công việc đã làm là phải có tập thể và cũng không thể cách nhau 2m, rất ít công việc chỉ có ít người...

Cán bộ của một Ban Quản lý dự án tại Hà Nội cho biết, công trường do Ban Quản lý dự án này thực hiện đã dừng luôn từ 1/4/2020. Với những quy định mới được điều chỉnh của thành phố Hà Nội, cũng rất khó để trở lại ngay công việc vì có những điều kiện khắt khe mà chủ đầu tư phải cân nhắc kỹ lưỡng.

Hơn nữa, muốn trở lại công việc ngay cũng không dễ khi các nhà thầu đang rất khó khăn trong việc tìm công nhân xây dựng. Ngay khi chủ đầu tư dừng thi công công trình từ ngày 1/4/2020, các nhà thầu cũng cho công nhân nghỉ việc và khi về địa phương họ đang bị cách ly 14 ngày.

Từ những khó khăn, lúng túng của các chủ đầu tư, nhà thầu trên địa bàn Hà Nội cần đặt ra vấn đề phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan y tế trong thực hiện hướng dẫn phòng, tránh dịch COVID-19 đối với các công trình, dự án đang xây dựng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục