"Gói kích cầu có ý nghĩa trong tăng trưởng kinh tế"

Thảo luận của Quốc hội sáng 28/10 về tình hình kinh tế-xã hội năm nay và nhiệm vụ năm 2010, nhiều Bộ trưởng cho rằng gói kích cầu đã phát huy tác dụng, có ý nghĩa trong tăng trưởng kinh tế.
Sáng 28/10, tiếp tục thảo luận Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội năm nay, nhiệm vụ của năm 2010, nhiều Bộ trưởng đã có nhiều ý kiến, đánh giá góp phần làm rõ thêm những ý kiến, kiến nghị của đại biểu Quốc hội.

Gói kích cầu đã phát huy tác dụng

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho rằng, đánh giá hiệu quả gói kích cầu cần nhìn tổng thể chung chứ không chỉ ở gói hỗ trợ lãi suất 1 tỷ USD hay 18.000 tỷ đồng.

Tổng số gói kích cầu thực hiện tương đương 8 tỷ USD đối với Việt Nam là 1 gói kích cầu lớn, nhưng so với các nước thì chưa thấm vào đâu. Về tổng thể, gói kích cầu đã phát huy tác dụng, có ý nghĩa trong tăng trưởng kinh tế, ông Phúc nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng đồng tình cần xem xét có tiếp tục gói kích cầu hỗ trợ lãi suất trong điều kiện hiện nay không; kiến nghị ban hành nghị định về chính sách tín dụng cụ thể và ưu đãi, hỗ trợ lâu dài, ổn định cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn để tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện gói kích cầu theo các Quyết định 443 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ lãi suất hay Quyết định 497 cũng của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ lãi suất vốn vay, để mua máy móc thiết bị vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng để xây dựng nhà ở khu vực nông thôn.

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc khẳng định các chương trình mục tiêu đưa ra trong thời gian qua là đúng đắn. Một số chương trình được cho là kéo dài và không hiệu quả như Chương trình 5 triệu ha rừng, nhưng nếu bỏ thì vấn đề trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc ở miền núi sẽ do ai đảm nhiệm và được thực hiện như thế nào? Thiếu sót là ở khâu khảo sát nhưng khi thực hiện đã có điều chỉnh, vấn đề là phải làm sao để các chương trình này hiệu quả hơn thông qua việc lồng ghép các chương trình.

Hướng mạnh vào thị trường nội địa

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng báo cáo một số nội dung liên quan phát triển thị trường nội địa; Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; quy hoạch phát triển thủy điện nhở ở miền Trung; khả năng xuất khẩu trong năm 2010.

Bộ trưởng cho rằng quan tâm đến thị trường nội địa có nghĩa là quan tâm thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, quan tâm đến quyền lợi và lợi ích của người tiêu dùng. Chính phủ đã quyết định dành khoản kinh phí 51 tỷ đồng phục vụ cho chương trình xúc tiến thương mại nội địa. Nhiều địa phương quan tâm phát triển thị trường nội địa, đặc biệt là các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng.

Về Cuộc vận động “ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Bộ trưởng Công Thương cho rằng đây là quyết sách hết sức đúng đắn, được sự đồng tình của toàn xã hội. Mặt khác, người tiêu dùng Việt Nam có quyền yêu cầu nhà sản xuất trong nước bảo đảm chất lượng, giá cả, khả năng cạnh tranh.

Đây cũng là trách nhiệm của người sản xuất kinh doanh, muốn được người tiêu dùng trong nước lựa chọn, tiêu dùng hàng hóa, họ phải tìm biện pháp nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, giảm giá thành, để người tiêu dùng yên tâm sử dụng hàng hóa sản xuất nội địa, ông Hoàng nói.

Phấn đấu khối lượng xuất khẩu cao hơn

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng năm 2009, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp, bức tranh tổng thể xuất khẩu mặc dù không đạt chỉ tiêu Quốc hội giao nhưng phần lớn các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đều tăng về khối lượng so với năm ngoái, nhất là các mặt hàng gạo, cà phê, thủy sản, chè và cao su.

Khi báo cáo với Quốc hội về kế hoạch năm 2009, Bộ Công Thương có tính mức giá dự báo của năm không cao như mức năm ngoái mà tính mức giá trung bình. Với khả năng phấn đấu tăng khối lượng xuất khẩu và mức giá trung bình của năm, dự kiến kim ngạch xuất khẩu tăng từ 3 - 5% so với năm ngoái.

Tuy nhiên, diễn biến của năm 2009, có nhiều nhiều biến động giá, đặc biệt là giá dầu thô hết sức bất lợi cho xuất khẩu. Do vậy, phần lớn các mặt hàng đều tăng khối lượng xuất khẩu nhưng giá không đạt như dự kiến nên kim ngạch không đạt mục tiêu Quốc hội đặt ra.

Về dự báo 2010, Chính phủ đạt ra mục tiêu tăng tổng kim ngạch xuất khẩu 6% là có cơ sở. Năm 2010, nền kinh tế sẽ lấy đà tăng trưởng, một số nền kinh tế thế giới có bước phục hồi, tuy nhiên tiềm ẩn rủi ro, giá cả thất thường, hàng hóa Việt Nam phụ thuộc vào giá thế giới, chưa chủ động được, nhiều mặt hàng của Việt Nam khối lượng chưa lớn, chưa chi phối được thị trường quan trọng thế giới. Do vậy, tính toán của Chính phủ là thận trọng, có cơ sở.

Bộ sẽ phối hợp, động viên các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành nghề thúc đẩy tăng khối lượng xuất khẩu những mặt hàng Việt Nam có lợi thế, phấn đấu đạt khối lượng xuất khẩu cao hơn. Việc đề mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu mức 6% để các cấp các ngành có định hướng phấn đấu góp phần tăng trưởng kinh tế, giảm thâm hụt thương mại, ông Hoàng cũng cho biết.

Liên quan đến nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Viết Ngoạn đã làm rõ cơ sở khoa học, quan điểm của Ủy ban khi đề xuất chỉ tiêu về tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2010 ở mức từ 8 - 10%.

Mục tiêu an sinh xã hội thực hiện tốt

Làm rõ hơn một số vấn đề về thực hiện chủ trương giảm nghèo, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng bảo đảm an sinh xã hội là vấn đề lâu dài, ngay cả khi Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển, trong đó vấn đề giảm nghèo phải được quan tâm tổ chức thực hiện trước tiên.

Nhà nước đã ban hành một hệ thống chính sách an sinh xã hội khá đầy đủ. Gần đây để giải quyết chênh lệch vùng miền, Chính phủ đã ban Nghị quyết 30a. Hệ thống chính sách đó đã giúp dân nghèo và những người thuộc nhóm yếu thế trong xã hội tiếp cận các điều kiện cơ bản nhất về ăn ở, học tập, đi lại, khám chữa bệnh, việc làm, thông tin, trợ giúp pháp lý.

Bộ trưởng khẳng định mục tiêu an sinh xã hội đã được thực hiện tốt mặc dù tình hình kinh tế đất nước còn khó khăn, được quốc tế đánh giá cao.

Tuy nhiên, công tác này vẫn còn một số hạn chế thiếu sót như trong quá trình thực hiện vẫn còn có một số mặt, có lúc, có nơi chưa làm tốt, làm chưa đầy đủ, chưa đúng nên chất lượng giảm nghèo chưa cao. Chính phủ chỉ đạo chương trình giảm nghèo gắn các chương trình phát triển kinh tế-xã hội khác bảo đảm mục tiêu an sinh.

Trước nhiều ý kiến chuẩn nghèo áp dụng hiện nay không còn phù hợp, Bộ trưởng cho biết, Bộ đang nghiên cứu xây dựng chuẩn nghèo mới để thực hiện trong thời gian tới. Trong khi chưa điều chỉnh chuẩn nghèo, Chính phủ chỉ đạo tập trung nguồn lực giúp cho vùng nghèo, người nghèo ổn định cuộc sống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục