Gói Quyền rút vốn đặc biệt mới của IMF: Một giải pháp thực sự?

Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) là một đơn vị tiền tệ quy ước có thể quy đổi ra một số đồng tiền khác nhau theo quy luật ấn định trước; giá trị mỗi đơn vị SDR hiện là 1,42 USD.
Gói Quyền rút vốn đặc biệt mới của IMF: Một giải pháp thực sự? ảnh 1Trụ sở Quỹ Tiền tệ quốc tế ở Washington DC., Mỹ ngày 30/3/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây đã thông qua việc phân bổ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) lớn nhất trong lịch sử IMF có tổng trị giá 650 tỷ USD, nhằm hỗ trợ các quốc gia hồi phục sau đại dịch.

Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) là một đơn vị tiền tệ quy ước có thể quy đổi ra một số đồng tiền khác nhau theo quy luật ấn định trước. Giá trị mỗi đơn vị SDR hiện là 1,42 USD.

Theo mạng bình luận alainet.org, điều đáng chú ý là đợt phân bổ SDR lớn nhất từ trước đến nay này được 24 thành viên Ban Giám đốc IMF và các nước giàu có nhất thông qua. Điều này một lần nữa chứng minh đây vẫn là những người thống trị nguồn dự trữ tài chính quốc tế và có quyền đưa ra những quyết định trên quy mô này.

Trên thực tế, con số khổng lồ trên vẫn chỉ là một phần nhỏ trong tổng lượng dự trữ tiền tệ của các quốc gia thành viên IMF, song lại là khối tài lực rất lớn mà tổ chức tập hợp của 191 quốc gia giải ngân.

Một vài chuyên gia đã bắt đầu nói về một "Kế hoạch Marshall" toàn cầu, nhưng đây rõ ràng là một sự so sánh không chính xác, bởi kế hoạch này trên thực tế hoàn toàn không mang tính toàn cầu và cũng không phải một kế hoạch với hình thức và mục tiêu như tiền lệ lịch sử nổi tiếng nói trên về mặt chia sẻ tài chính.

Ở đây, có rất nhiều sự bất công và chênh lệch, và nói đúng hơn là một sự phản ánh của tình trạng bất cân xứng về tài chính và sự phân bổ của cải trên thế giới.

Theo IMF, mục tiêu của gói tín dụng mới nhằm cung cấp thanh khoản bổ sung cho hệ thống kinh tế thế giới, thông qua việc củng cố nguồn dự trữ quốc tế của các nước thành viên. Mặc dù vậy, giới quan sát cho rằng đây chỉ là lời biện hộ khi mà mục tiêu thật sự của thể chế này là củng cố các nền kinh tế lớn dưới lớp vỏ bọc là công thức phân bổ tín dụng theo tỷ lệ đóng góp thành viên.

Điều này có nghĩa là 58% số SDR mới sẽ được rót vào các nước phát triển, 38,8% cho các nền kinh tế mới nổi và chỉ có 3,2% được trao cho các nước có thu nhập thấp, vốn chiếm đa số trong IMF.

Nếu quy ra đồng USD thì trong số 650 tỷ USD nói trên, chỉ có khoảng 21 tỷ USD được chia cho hơn 100 nước nghèo, 417 tỷ USD chia cho các nước giàu và 212 tỷ USD cho các nền kinh tế mới nổi. Rõ ràng đây không phải là chiến dịch giải cứu kinh tế cho một thế giới đang phá sản vì thất bại của chủ nghĩa tự do mới và những hiệu ứng bội số của đại dịch COVID-19, mà đơn giản là giải pháp hầu như dành riêng cho các nước giàu được ngụy trang bằng cái mác toàn cầu.

Có nhiều cách lý giải cho khối lượng vốn nói trên và cách thức phân chia của IMF. Lập luận phổ biến nhất cho rằng mức độ sâu sắc của cuộc khủng hoảng kinh tế buộc phải bơm một lượng vốn lớn để kích hoạt các quỹ dự trữ quốc tế đang đình trệ, trong khi lập luận khác đơn giản hơn là cần kích hoạt các nền kinh tế đầu tàu của thế giới.

Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế khác đi tới kết luận rằng hai luồng ý kiến phổ thông trên đều là sự chối bỏ thực tế rằng kinh tế thế giới đang đổ vỡ, điều mà chính IMF đã thừa nhận bằng quyết định của mình, nhưng đồng thời khẳng định kế hoạch mà quỹ tiền tệ này vừa đưa ra sẽ không thể đảo ngược được tình thế vì chúng không được rót vào nơi cần nhất, mà thậm chí còn có thể làm tình hình phức tạp hơn. Có hai lý do giải thích cho lập luận này.

Thứ nhất, việc phân bổ như trên chỉ có lợi cho tất cả các nước giàu. Đơn cử như chỉ riêng Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đã nhận được 43,3% tổng vốn giải ngân, tương đương 282 tỷ USD, trong đó riêng Mỹ đã chiếm 18% tổng số vốn, tương đương 113 tỷ USD (chiếm 40% của khối G7).

Trước thực tế này, đã có nhiều tiếng nói yêu cầu IMF và các nước giàu tái phẩn bổ nguồn tài lực để chúng không đồng nghĩa với những khoản nợ mới cho các nước nghèo mà hiện đã là không thể chi trả nổi, nhưng tới nay những yêu cầu này vẫn chưa được đáp ứng.

[IMF khởi động đợt phân bổ Quyền rút vốn đặc biệt lớn nhất]

Thứ hai, một khối lượng tiền khổng lồ như vậy khi không được chia sẻ hợp lý có thể gây ra lạm phát và làm phình to một số nguồn dự trữ ngoại tệ bổ sung mà thế giới không cần tới. Điều này sẽ ngay lập tức làm tái sinh toàn bộ những điều kiện tiền đề dẫn tới cuộc khủng hoảng hiện tại, mà một trong số đó là sự tập trung quá thiên lệch khối lượng tư bản.

Ý đồ chi phối khối ngân sách còn nghiêm trọng tới mức thậm chí một số nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ mới đây đã lên tiếng phản đối đề xuất của Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador về việc sử dụng số tiền trên để trả nợ, cho rằng điều này có thể có lợi cho Trung Quốc và giúp Bắc Kinh sở hữu nhiều SDR.

Cũng theo định hướng này, Bộ Tài chính Mỹ mới đây đã cảnh báo từ chối mua lại SDR của bất kỳ quốc gia nào đang chịu trừng phạt của Washington như Iran, Syria và Venezuela, và hối thúc các nước đồng minh áp dụng chính sách tương tự.

Đây được coi là sự thao túng đối với những nguồn lực mà nếu được sử dụng đúng cách và phân chia tốt hơn thì hoàn toàn có thể góp phần giúp thế giới vượt qua cuộc khủng hoảng hiện tại.

Tại thời điểm này, đang có một đề xuất trong không gian Liên hợp quốc rằng các nước giàu có thể chuyển phần SDR dôi dư của mình vào một quỹ mới mang tên Quỹ Tín thác để bình ổn, có thể đi vào hoạt động từ cuối năm nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục