"Gọng kìm" trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Tuyên bố chi 113 triệu USD nhằm “chống lưng” cho các sáng kiến của nước Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mặc dù như "muối bỏ biển" nhưng phía sau của cam kết này còn nhiều điều để nói.
"Gọng kìm" trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ảnh 1Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng eurasiareview.com, Mỹ vừa tuyên bố sẽ chi khoản đầu tư ban đầu trị giá 113 triệu USD nhằm “chống lưng” cho các sáng kiến của nước này ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong các lĩnh vực như kinh tế số, năng lượng và cơ sở hạ tầng.

Mặc dù số tiền này “chỉ như muối bỏ biển” so với giá trị của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, nhưng sẽ là sai lầm nếu cho rằng vai trò của Washington trong phát triển cơ sở hạ tầng khu vực là quá nhỏ bé.

Tuyên bố về khoản đầu tư 113 triệu USD trên được Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa ra hôm 3/8 vừa qua tại cuộc họp ngoại trưởng Mỹ-ASEAN ở Singapore.

Trước đó, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tổ chức ở Washington hôm 30/7 vừa qua, ông Pompeo lần đầu tiên tuyên bố Mỹ sẽ đầu tư 50 triệu USD và 10 triệu USD lần lượt cho các dự án thuộc Asia EDGE (Nâng cao phát triển và tăng trưởng thông qua năng lượng) và Sáng kiến Kết nối ASEAN-Mỹ.

Asia EDGE nhằm giúp các nước Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tăng cường khả năng tiếp cận nguồn năng lượng để đạt được an ninh năng lượng.

Còn Sáng kiến Kết nối ASEAN-Mỹ nhằm tăng cường sự can dự về mặt kinh tế của Washington với ASEAN dựa trên 4 trụ cột: kinh doanh, năng lượng, cải tiến và chính sách, ngoài cam kết an ninh của Mỹ đối với khu vực này.

Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ: Phạm vi kinh tế

Cam kết này là một “gọng kìm” trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ.

Các kế hoạch hợp tác của Mỹ với các nước khu vực bao gồm 3 lĩnh vực: thương mại, đầu tư và cơ sở hạ tầng. Về thương mại, chính quyền Trump muốn thúc đẩy hoạt động thương mại “tự do, công bằng và tương hỗ” bằng việc giảm hàng rào thuế quan.

[Giải mã chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ]

Về đầu tư, Washington muốn thúc đẩy môi trường đầu tư, tăng cường sự tham gia của lĩnh vực tư nhân, và đảm bảo rằng đầu tư trong khu vực sẽ thúc đẩy sự hình thành doanh nghiệp mới và cải tiến (về công nghệ).

Liên quan cơ sở hạ tầng, Trump muốn hỗ trợ các thể chế tài chính đa phương như Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; đồng thời giúp cải tổ các thể chế tài chính phục vụ mục đích phát triển quốc tế của Mỹ, qua đó nâng cao sự hỗ trợ mang tính kết nối của Washington với khu vực.

Mô hình phát triển cơ sở hạ tầng của Mỹ

Một số nhà chỉ trích đã coi nhẹ nỗ lực của Mỹ khi so sánh cam kết 113 triệu USD với 1.000 tỷ USD mà Trung Quốc “đổ” vào “Vành đai và Con đường.”

Thế nhưng, sẽ là sai lầm khi bác bỏ hoàn toàn cam kết của Washington. Đánh giá kỹ lưỡng mô hình kinh doanh của Mỹ có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cách thức hoạt động của nguồn tài chính dành cho phát triển của Mỹ.

Theo mô hình của Mỹ, lĩnh vực tư nhân đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động cấp vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng.

Phần lớn các quyết định đầu tư được đưa ra tại phòng họp ban giám đốc tập đoàn chứ không phải bởi chính phủ.

Trong khi đó, cần lưu ý rằng năng lực tài chính chưa được khai thác của các tập đoàn Mỹ là vô cùng to lớn. Mỹ hiện sở hữu khoản tiết kiệm (chính phủ) trị giá khoảng 50 nghìn tỷ USD chưa được đầu tư ở nước ngoài.

Tuy nhiên, lĩnh vực tư nhân lại do dự khi đầu tư ở nước ngoài vì một vài lý do, trong đó có việc không thể tìm được các dự án “sinh lời.”

Theo nghiên cứu của Marsh & McLennan Companies, có khoảng 55%-65% dự án kết nối ở khu vực là không “sinh lời” và không được chính phủ hoặc các thể chế tài chính đa phương chấp thuận.

"Gọng kìm" trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ảnh 2Kiểm tiền USD. (Ảnh: EPA-EFE/TTXVN)

Do đó, chúng ta không nên coi 113 triệu USD là khoản trọn gói mà Mỹ cấp vốn xây dựng cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì một phần đầu tư đáng kể có thể đến từ các doanh nghiệp tư nhân Mỹ.

Cách phản ứng của các nước khu vực

Hiện vẫn có những câu hỏi về việc liệu giới chức Mỹ sẽ tận dụng tốt nhất khoản cam kết này để hỗ trợ các doanh nghiệp Mỹ trong hoạt động ở nước ngoài hay không.

Nếu chính phủ triển khai khoản đầu tư này sẽ giúp tăng cường vai trò của Mỹ trong hoạt động cấp vốn phát triển cho khu vực.

Tuy nhiên, dù mong muốn nâng cao năng lực kết nối khu vực nhưng các nước khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ không vội vàng “chộp” lấy sự hỗ trợ ở bên ngoài một cách mù quáng.

Sau khi rộ lên tin tức về tình trạng bất bình xuất phát từ vụ việc cảng Hambantota của Sri Lanka và dự án đường sắt của Lào do Trung Quốc cấp vốn, một số nước ngày càng nhận ra sự rủi ro của phát triển không bền vững và phải đánh đổi cả chủ quyền, do đó đang tìm cách đa dạng nguồn cấp vốn đầu tư.

Ví dụ, Indonesia gần đây đã “lèo lái” khi lựa chọn giữa các cường quốc bằng cách mời các công ty Nhật Bản đấu thầu khai thác lô dầu khí của nước này hồi năm 2017.

Mặc dù Washington đã có những bước đi đúng hướng nhưng vẫn cần lưu tâm thực hiện các công tác sau.

Thứ nhất, giới chức Mỹ cần tạo điều kiện tốt hơn giúp các doanh nghiệp của mình xác định các dự án đem lại lợi nhuận, thúc đẩy liên doanh giữa các công ty Mỹ và các công ty của nước khác, đồng thời nắm bắt các cơ hội để xây dựng mối quan hệ đối tác công-tư.

Ngoài phát triển cơ sở hạ tầng, giới chức Mỹ cần cung cấp các chương trình huấn luyện năng lực cho giới hoạch định chính sách khu vực, giúp họ thiết lập “cơ sở hạ tầng mềm,” tức các quy định và luật lệ thúc đẩy hoạt động hậu cần xuyên biên giới.

Các chương trình xây dựng năng lực này cần nhắm cụ thể đến việc giải quyết vấn đề quản trị sự kết nối bị phân mảng do bị chi phối bởi các khuôn khổ khác nhau trong khu vực.

Do đó, các chương trình huấn luyện này cần tập trung vào việc làm hài hòa hóa các quy định để tăng cường khả năng phối hợp đồng bộ giữa các quy định và luật lệ khác nhau./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục