Góp ý kiến điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế-xã hội 2009

Ngày 7/5, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã họp phiên họp toàn thể lần thứ 7 để cho ý kiến việc điều chỉnh các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2009.

Ngày 7/5, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã họp phiên họp toàn thể lần thứ 7 để cho ý kiến việc điều chỉnh các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2009.
 
Dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã họp xem xét, thẩm tra báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2008; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2009. Những ý kiến góp ý của các thành viên của Ủy ban sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập hợp, hoàn chỉnh lại để xây dựng báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội tại kỳ họp sắp tới.
 
Tại phiên họp, các thành viên của Ủy ban đã cho ý kiến xem xét điều chỉnh tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP năm 2009 từ 6,5% xuống còn 5%; việc phát hành thêm vốn trái phiếu Chính phủ khoảng 20.000 tỷ đồng để đầu tư vào lĩnh vực xây dựng cơ bản và có nên cho phép bội chi tối đa đến 8% hay chỉ ở mức từ 6- 6,5%.
 
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Bích Đạt trình bày báo cáo bổ sung tình hình kinh tế-xã hội năm 2008; tình hình kinh tế- xã hội 4 tháng đầu năm 2009. Báo cáo dự báo năm 2009, tốc độ tăng trưởng GDP cả năm có thể đạt từ 5-5,5% (trong đó khu vực nông, lâm, ngư nghiệp tăng khoảng 2-2,8%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng khoảng 3,5-5%...).
 
Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài Chính cho rằng việc điều chỉnh bội chi cần xem xét 3 nguyên nhân: giảm thu từ nguồn dầu thô; giảm thuế VAT cho 19 nhóm mặt hàng và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp với những doanh nghiệp dệt may, da giày…; giảm lệ phí trước bạ, hoàn thuế nhanh cho các trường hợp chưa đủ chứng từ nên bội chi ngân sách không quá 8%.
 
Nhiều đại biểu cũng góp ý vào việc dự kiến điều chỉnh mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2009 tối đa khoảng 8% và bội chi ở khoảng 6,5- 7% là phù hợp. Tuy nhiên, một số đại biểu lại cho rằng việc điều chỉnh mức bội chi ngân sách nhà nước ở mức 8% là chưa tính hết...
 
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Cao Sĩ Kiêm nhận định: nền kinh tế  bị tác động nhanh do cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới. Các chỉ số tiêu dùng giảm nhanh, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nên ảnh hưởng đến chỉ tiêu năm 2008. Năm 2009, Chính phủ có sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, nhất là trong 4 tháng đầu năm.
 
Ông Cao Sĩ Kiêm cho rằng, các quyết sách gắn với các nhóm giải pháp đồng bộ của Chính phủ đưa ra nhanh nhưng việc triển khai còn chậm. Bởi lẽ nguồn vốn hỗ trợ đến tay người dân chưa kịp thời; công tác tuyền truyền, hướng dẫn chưa đầy đủ,… Ông Kiêm cũng đồng tình tốc độ tăng trưởng GDP từ 5-5,5% là phù hợp và có tính khả thi hơn. Vấn đề bội chi theo ông Kiêm không có cách nào khác là chúng ta phải giảm thu, giảm thuế, nhưng trước hết phải cứu doanh nghiệp và tiết kiệm chi tiêu hành chính. Việc sử dụng 20 ngàn tỷ đồng từ trái phiếu Chính phủ cần rút kinh nghiệm các năm trước. Cần chi đúng địa chỉ, đúng đối tượng để tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.
 
Ngày mai (8/5), Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiếp tục họp xem xét, thông qua dự thảo Báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục