GS Koblitz: Đại học Mỹ không phải mô hình chuẩn

Là một người bạn của giới trí thức Việt, giáo sư đã có bài viết chia sẻ suy nghĩ của ông về các giải pháp cải cách giáo dục bậc cao.
Giáo sư Neal Koblitz, khoa Toán trường đại học Washington - Người vừa nhận giải thưởng RSA® Conference 2009 về Toán học của Hoa Kỳ là một nhà toán học nổi tiếng trên thế giới với khá nhiều công trình về Lý thuyết số và Mật mã học hiện đại.

Giáo sư Neal Koblitz là người bạn Mỹ lâu năm của giới khoa học Việt Nam và đã cùng vợ sáng lập Giải thưởng Kovalevskaia cho các nhà toán học nữ. Vợ chồng ông đã dùng nhuận bút của cuốn sách do bản thân viết có tên Kovalevskaia để tổ chức giải thưởng này cho các nhà khoa học nữ Việt Nam.

Là một người bạn tâm huyết của giới trí thức Việt Nam và theo dõi rất sát tình hình giáo dục bậc cao và khoa học tại Việt Nam, mới đây Giáo sư Neal Koblitz đã thông qua Viện Toán học Việt Nam có bài viết chia sẻ suy nghĩ của ông về các giải pháp cải cách giáo dục bậc cao ở Việt Nam.

Kính trọng tri thức là văn hoá của người Việt


Trong bài viết, Giáo sư Neal Koblitz nhận xét, sự kính trọng đối với tri thức là một phần trong văn hóa Việt Nam từ thời xa xưa. Truyền thống đó giải thích phần nào vì sao trong số các sinh viên từ các nước đang phát triển theo học tại Mátxcơva thì sinh viên Việt Nam có lẽ là những người làm việc chăm chỉ nhất và thành công nhất.

Có thể là các nhà toán học trẻ của Việt Nam từ Mátxcơva, khi quay trở về quê hương sau khi hoàn thành khóa học sau đại học cũng trải qua những cảm xúc hân hoan, vui sướng giống như cha ông mình sau khi thi đỗ trong các kỳ thi của hoàng gia.

Ông cũng cho rằng những vấn đề mà Việt Nam đang phải đối đầu trong hệ thống giáo dục đại học ngày nay một phần là do hậu quả từ một lịch sử cận đại bi thảm của đất nước.

Chế độ thực dân Pháp cai trị Việt Nam trong nửa sau thế kỷ 19 cho đến năm 1945 đã đầu tư rất ít, ngay cả khi so sánh với các thế lực thực dân khác, vào hệ thống giáo dục đại học. Hậu quả là Việt Nam đã bỏ lỡ mất cơ hội khi làn sóng cách tân thể chế giáo dục đại học quét qua phần lớn lục địa Châu Á trong những thập niên đầu của thế kỷ 20. Đây là thời gian rất nhiều học viện hàng đầu được thành lập tại vùng này.

Hậu quả là sau khi thu hồi độc lập, Việt Nam chỉ có một thể chế giáo dục đại học rất yếu kém để làm nền móng xây dựng.

Tuy nhiên mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam cũng có những khía cạnh tích cực. Một số những trí thức hàng đầu của Việt Nam (như các nhà toán học Lê Văn Thiêm và Nguyễn Đình Ngọc) đã tu nghiệp ở Pháp và khi trở về đã có những đóng góp to lớn cho Việt Nam.

Sau đó, đặc biệt trong thời gian chiến tranh với Mỹ, một số nhà toán học và khoa học nổi tiếng nhất của Pháp (như A. Grothendieck, L. Schwartz, và P. Cartier) đã đến thăm và giảng bài tại Việt Nam và đã cố gắng giúp đỡ các đồng nghiệp của họ.

Người sáng lập ra Uỷ ban Hoa Kỳ về Hợp tác Khoa học với Việt Nam - Ed Cooperman, đã từng làm việc một năm ở Pháp trong những năm 1970 đã có những ấn tượng sâu sắc đối với các hoạt động của các nhà khoa học Pháp trong việc ủng hộ Việt Nam, và từ đó thôi thúc ông xây dựng một nhóm tương tự như vậy ở Hoa Kỳ.

Tại thời điểm cam go nhất của cuộc chiến tranh với Pháp, các lớp học nâng cao vẫn được tổ chức, tại Liên khu Bốn do Nguyễn Thúc Hào phụ trách, tại khu vực phía tây Hà Nội do Nguyễn Xiển đảm nhiệm và ở gần biên giới với Trung Quốc do Lê Văn Thiêm phụ trách.

Cũng trong cùng thời kỳ này, một cuốn sách giáo khoa về hình học do Hoàng Tụy biên soạn đã được xuất bản tại nhà xuất bản của Việt Minh. Đây là cuốn sách toán duy nhất trên thế giới do một phong trào kháng chiến phát hành.

Với cách nhìn của một nhà khoa học, ông bày tỏ ngưỡng mộ khi biết chính trong hoàn cảnh khó khăn trước thời kỳ đổi mới, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã trực tiếp gặp Grothendieck để thảo luận về sự phát triển toán học của Việt Nam trong tương lai. Một vài năm sau chính ông đã trực tiếp can thiệp mạnh mẽ để xây dựng một tòa nhà dành cho Viện Toán học Hà Nội.

Đây thực sự là một việc làm quyết đoán của ông, vì chưa có một thủ tướng của một nước tư bản nào từng cương quyết xây dựng một toà nhà mới dành cho các nhà toán học.

Có nên tôn sùng giáo dục bậc cao theo mô hình nước Mỹ?


Là một nhà khoa học sống, làm việc tại Mỹ, Giáo sư Neal Koblitz cũng tiết lộ, ngay cả giáo dục bậc cao ở Mỹ cũng đang xảy ra tình trạng xuống cấp về kiến thức cơ bản của sinh viên. Trong thời gian từ 20 hoặc 25 năm trở lại đây, mức độ chuẩn bị của sinh viên Mỹ khi nhập trường dần dần đi xuống.

Cùng với đó, chi phí cho giáo dục bậc cao ở Mỹ còn tăng nhanh hơn cả lạm phát và nhanh hơn cả mức thu nhập gia đình. Tại nhiều trường đại học tư hiện nay, tính trung bình mỗi năm sinh viên phải chi trả cho các khoản: học phí, lệ phí, tiền thuê nhà, tiền ăn là vào khoảng 50.000USD.

Một lý do của chi phí cao là các trường đại học đó cung cấp cho sinh viên nhiều dịch vụ hơn trước đây. Vì những yếu tố tổng hợp, một nửa số sinh viên vào các trường có chương trình đào tạo 4 năm không thể hoàn thành khoá học của mình trong vòng 4 năm, 5 năm và thậm chí là 6 năm. Điều này khiến cho nhiều nhà bình luận của Mỹ nói rằng giáo dục bậc cao ở Mỹ là rất không hiệu quả và quá đắt đỏ.

Tuy nhiên, nước Mỹ vẫn duy trì một nền khoa học hàng đầu thế giới vì họ luôn nắm giữ những kỹ thuật hiện đại nhất trong hầu hết các ngành kỹ thuật cao, vẫn có những chương trình sau đại học về các ngành khoa học tốt nhất thế giới, và vẫn đạt được rất nhiều giải Nobel.

Có hai lý do: Nước Mỹ là một quốc gia rộng lớn và giàu có, với một hệ thống giáo dục hoàn toàn phi tập trung. Sự đa dạng về chất lượng là rất lớn. Có một thiểu số (2%) các trường công lập và trường tư có chất lượng rất cao nhưng đủ để cung cấp cho đất nước hàng trăm nghìn kỹ sư và các nhà khoa học. Nước Mỹ hưởng lợi rất nhiều từ phong trào nhập cư.

Sự "bòn rút chất xám" từ các quốc gia khác cung cấp đều đặn cho nước Mỹ một số lượng phong phú các nhà khoa học và kỹ sư. Trong nhiều ngành khoa học, hơn một nửa các luận án Tiến sĩ chất lượng hàng đầu được viết bởi các sinh viên sau đại học đã từng học tập tại các trường bậc thấp hơn ở các quốc gia khác.

Đối với các quốc gia khác, có thể rút ra nhiều bài học từ thành công và thất bại của giáo dục khoa học ở Mỹ. Tuy nhiên, không một người có tri thức nào lại có thể khẳng định rằng nhìn chung hệ thống đào tạo trung học và đại học của Mỹ là một mô hình tốt và đáng để các quốc gia khác noi theo.

Về ý tưởng một trường đại học mới hợp tác với Mỹ

Giáo sư Neal Koblitz cho rằng sẽ sai lầm khi cho rằng một trường đại học được xây dựng hoàn toàn mới theo thiết kế của một nhóm các trường đại học của Mỹ sẽ là một mô hình thành công trong giáo dục bậc cao ở Việt Nam.

Có nước nào trên thế giới mà điều này đã xảy ra không? Có một vài nước, chủ yếu là ở vùng Trung Đông, có các trường đại học do người Mỹ xây dựng, nhưng hiện những trường này chỉ đào tạo các con em tầng lớp thượng lưu và không có nhiều ảnh hưởng đến việc nâng cáo chất lượng giáo dục ở các quốc gia đó.

Một điểm quan trọng trong bản kiến nghị về một trường đại học mới kiểu Mỹ ở Việt Nam là nó sẽ không lấy kinh phí từ nguồn của Mỹ. Như thế, nó sẽ là một khoản chi rất lớn đối với chính phủ Việt Nam.

Nhìn sang các nước khác để học tập các ý tưởng để cải cách là một việc làm hoàn toàn xác đáng. Ví dụ, ở Mỹ thì việc giảng dạy và nghiên cứu được gắn kết với nhau tốt hơn nhưng cũng không nên tôn sùng giáo dục bậc cao của nước Mỹ (hay bất cứ quốc gia nào khác). Một số nước khác, như Ấn Độ, Trung Quốc, và Nhật Bản - lại là những nguồn ý tưởng và cảm hứng hay hơn nhiều trong một số khía cạnh của giáo dục./.

Hoàng Hoa (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục