Hà Nội: Gần 40.000 tỷ đồng dự trữ lượng hàng hóa phục vụ Tết

Các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch khai thác lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng 7-22% so với Tết 2020. Nguồn cung các mặt hàng dồi dào, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Hà Nội: Gần 40.000 tỷ đồng dự trữ lượng hàng hóa phục vụ Tết ảnh 1(Ảnh minh họa: Đức Duy/Vietnam+)

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội, cho biết để bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường dịp cuối năm, các doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ dự trữ lượng hàng hóa trị giá 39.400 tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với kế hoạch Tết năm 2020.

Đến nay, các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch khai thác lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng 7-22% so với Tết 2020. Nguồn cung các mặt hàng dồi dào, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Dù còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhưng các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, các mặt hàng khô như măng khô, mộc nhĩ, nấm hương, miến... đã rục rịch tăng giá. Do đó, Sở Công Thương Hà Nội đã yêu cầu các doanh nghiệp chủ động tích cực dự trữ hàng hóa không để tình trạng găm hàng, đẩy giá gây sốt ảo làm mất ổn định thị trường.

Theo đánh giá của Sở Công Thương Hà Nội, dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2021, sức mua trên thị trường sẽ tăng từ 15-20%; trong đó tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm.

Nhu cầu tăng cao trong khi thời tiết, dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến cung cầu hàng hóa trên thị trường, đặc biệt là mặt hàng thịt lợn.

Từ đầu tháng 12 đến nay, giá thịt lợn hơi trên cả nước tăng từ 1.000-7.000 đồng/kg. Cụ thể, tại miền Bắc, giá thịt lợn hơi dao động từ 67.000-72.000 đồng/kg; trong đó giá thu mua tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Tuyên Quang và thành phố Hà Nội lên đến 70.000-72.000 đồng/kg.

[Doanh nghiệp đẩy mạnh dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường Tết]

Việc giá lợn hơi có chiều hướng tăng trở lại khiến người tiêu dùng lo lắng có thể vượt ngưỡng 100.000 đồng/kg vào dịp Tết.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, cho biết tổng đàn gia súc, gia cầm của Hà Nội đang phát triển mạnh với đàn trâu bò đạt 158.000 con, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước; đàn gia cầm đạt 39,5 triệu con, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2019 và đang đứng đầu cả nước về tổng đàn gia cầm; đàn lợn đạt 1,4 triệu con.

Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát. Trong đó, mặt hàng thịt lợn tiếp tục đà hồi phục, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Tổng số đàn lợn cả nước trong tháng 11 tăng 12% so với cùng thời điểm năm trước; sản lượng thịt lợn hơi cả năm dự kiến đạt 3.459.300 tấn, tăng 3,9% so năm 2019...

Với việc duy trì ổn định đàn gia súc, gia cầm, tình hình tái đàn lợn đạt kết quả tốt, cơ bản thị trường sẽ ổn định, cân đối cung cầu không bị thiếu hụt thực phẩm.

Bên cạnh đó, trong thời điểm này nhiều siêu thị, chợ đầu mối, các doanh nghiệp và tiểu thương ở Hà Nội đã chuẩn bị dự trữ các mặt hàng thực phẩm khô như: măng khô, mộc nhĩ, nấm hương, miến... để phục vụ Tết nên giá bán bắt đầu tăng mạnh.

Theo khảo sát của tại một số chợ chợ dân sinh và đầu mối trên địa bàn Hà Nội như Đồng Xuân, Nguyễn Công Trứ, Kim Liên, chợ Hôm-Đức Viên, Dốc Đề… cho thấy giá các loại mặt hàng khô đã tăng mạnh từ 40.000-60.000 đồng/kg so với cuối tháng 11/2020.

Chủ của hàng đồ khô tại chợ Đồng Xuân cho biết cách đây 1 tháng giá măng khô loại ngon chỉ có 170.000 đồng/kg, miến 80.000 đồng/kg, nấm hương 250.000 đồng/kg, mộc nhĩ 150.000 đồng/kg.

Thế nhưng hiện những thực phẩm khô này đã tăng từ 20.000-50.000 đồng/kg. Như măng lưỡi lợn khô có giá 230.000-280.000 đồng/kg, miến 120.000 đồng/kg, nấm hương rừng 320.000 đồng/kg, mộc nhĩ 170.000 đồng/kg.

Chị Phạm Thị Xuân, tiểu thương kinh doanh đồ khô tại chợ Nguyễn Công Trứ cho biết: mặc dù giá tăng nhưng các mặt hàng này đang được tiêu thụ nhiều, có những hôm chị bán cho khách mua lẻ cũng được 10-30kg măng khô.

Thực phẩm tăng giá ngày Tết không chỉ do xăng dầu tăng giá khiến chi phí vận chuyển tăng nhanh, mà chủ yếu vẫn là do nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng miến, măng, mộc nhĩ, nấm hương của người dân tăng mạnh vào dịp Tết. Do chênh lệch cung cầu nên rất có thể vào thời điểm gần Tết Nguyên đán Tân Sửu các mặt hàng này sẽ còn có thể tiếp tục tăng.

Đồng quan điểm này, nhiều tiểu thương kinh doanh đồ khô tại chợ Hôm-Đức Viên cũng dự báo trong những này cận Tết Nguyên đán Tân Sửu rất có thể mức giá đồ khô sẽ tăng mạnh.

Hà Nội là nơi phát luồng hàng đi các tỉnh khu vực đồng bằng Bắc Bộ nên vào thời điểm giáp Tết, thực phẩm khô càng được nhập về nhiều để chuyển về các tỉnh lân cận tiêu thụ nên giá sẽ tăng.

Nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu sắp tới, các doanh nghiệp bán lẻ đang tích cực dự trữ hàng hóa.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng ban đối ngoại Marketing-Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) thuộc Tập đoàn BRG, cho biết Hapro đã dự trữ một lượng lớn hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm, đồ khô với kinh phí gần 1.000 tỷ đồng.

Trong khi đó hệ thống siêu thị Co.op Mart đã chuẩn bị xong lượng hàng hóa thiết yếu, phục vụ trong 3 tháng trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu với tổng giá trị lên đến 5.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục