Hà Nội: Giá cả thực phẩm biến động trái chiều dịp cận Tết Nguyên đán

Chỉ còn khoảng hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, hiện trên địa bàn Thủ đô giá cả thực phẩm tại các chợ truyền thống đang có biến động giá trái chiều; trong đó mặt hàng rau xanh tăng "chóng mặt."
Giá rau xanh đang 'leo thang' tại các chợ truyền thống Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Giá rau xanh đang 'leo thang' tại các chợ truyền thống Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hằng năm, cứ đến dịp cận Tết Nguyên đán là thị trường thực phẩm sẽ sôi động và giá cả có xu hướng tăng, tuy nhiên theo ghi nhận tại các chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội thời điểm hiện tại, giá các mặt hàng đang có biến động trái chiều.

Tại một số chợ dân sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội như chợ Hôm - Đức Viên, chợ Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng), chợ Ngô Sỹ Liên (quận Đống Đa), chợ Thành Công (quận Ba Đình)... giá cả rau xanh đang tăng “nóng” kể từ đầu tháng 12.

Cụ thể, tăng mạnh nhất là rau xà lách, rau thơm với sự tăng “đột biến” từ 35.000 đồng/kg lên khoảng 70.000 đồng/kg. Theo sau đó, các loại rau khác như hành lá, rau mùi từ 60.000 đồng lên 90.000 đồng/kg, tăng 30%; các loại rau cải xanh, cải ngọt từ  15.000 đồng lên mức 20.000 đồng/kg; rau ngót từ 12.000 đồng lên 15.000 đồng/mớ; rau muống tăng 20%, từ 10.000 đồng/mớ lên 15.000-20.000 đồng/mớ tùy kích cỡ; cà chua tăng từ 25.000 đồng lên 30.000 đồng/kg; các loại bầu,bí, mướp tăng khoảng 20%...

Đi chợ mua 1 nhúm hành, mùi tàu, 2 quả cà chua, vài lạng xà lách để nấu canh chua cho bữa tối, chị Thùy Linh giật mình khi người bán hàng tính hết 60.000 đồng. Phòng trường hợp tính nhầm chị Linh đã hỏi lại nhưng người bán hàng giải thích giá rau đã tăng từ đầu tháng, “không mua thì trả lại.”

“Trước kia với chỗ rau này tôi đi chợ chỉ hết hơn khoảng 30.000 đồng, giờ đã tăng gấp đôi. Giá rau hiện nay đắt gần bằng giá thịt khiến việc đi chợ ngày càng thêm khó khăn,” chị Linh than thở.

Các tiểu thương cho biết nguyên nhân khiến giá rau tăng là do thời tiết rét đậm khiến sâu bệnh sinh sôi làm rau hỏng. Bên cạnh đó, thời gian thu hoạch vụ rau cũng kéo dài cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá rau xanh tăng mạnh trong thời gian gần đây.

[Hà Nội bảo đảm đủ nguồn cung thực phẩm trong dịp cuối năm]

Trái ngược với diễn biến tăng rau xanh, nhiều mặt hàng thực phẩm khác bao gồm gia súc, gia cầm… lại đang chững giá và ít biến động.

Đơn cử, mặt hàng thịt lợn vẫn đang dao động từ 90.000-140.000 đồng/kg, nguyên giá so với cùng kỳ tháng trước; thịt bò ta dao động từ 220.000-400.000/kg. Thịt gia cầm gà, vịt chưa chế biến dao động từ 90.000-95.000 đồng/kg; trứng gà vịt từ 26.000-28.000 đồng/chục…

Một số hàng hóa, thực phẩm khô như tôm, mực, cá khô tăng nhẹ 5%; mỳ tôm, miến, phở...tăng khoảng 5-7%/thùng... các mặt hàng trên đều có sản lượng nguồn cung khá dồi dào.

Hà Nội: Giá cả thực phẩm biến động trái chiều dịp cận Tết Nguyên đán ảnh 1Giá hàng hóa thực phẩm ổn định, nguồn cung dồi dào tại các siêu thị để người dân an tâm mua sắm dịp cuối năm. (Ảnh minh họa: Minh Hiếu/Vietnam+)

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết Tết nhu cầu của người dân tăng từ 15 đến 20% để mua sắm phục vụ Tết. Để đảm bảo cân đối cung, cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, Hà Nội luôn đảm bảo dự trữ nguồn cung tăng từ 30 đến 35% tức là ngoài hàng hóa Hà Nội giao cho các hệ thống phân phối tăng 15% nhu cầu so với nhu cầu năm trước thì các doanh nghiệp phải dự trữ tăng 30%.

Ngoài ra, các đơn vị sẽ cung ứng hàng bình ổn giá tới hơn 12.000 điểm bán hàng trên toàn Thủ đô; trong đó có 132 siêu thị, trên 8.000 cửa hàng kinh doanh tổng hợp và hàng loạt điểm bán hàng lưu động về các huyện ngoại thành nhằm đưa hàng hóa thiết yếu bình ổn đến với người có khó khăn để họ có điều kiện đón một cái tết ấm no, đầy đủ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục