Khu vực đất bãi bồi ven sông Hồng thuộc các quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Long Biên (Hà Nội)… có nhiều địa điểm bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích như dựng lều lán, biến thành nơi đổ vật liệu và rác thải sinh hoạt, ảnh hưởng không nhỏ đến mỹ quan đô thị, mất vệ sinh môi trường Thủ đô; đặc biệt, gây mất an toàn đê điều, an toàn thoát lũ và phòng chống lụt bão trong mùa mưa.
Để giải quyết triệt để tình trạng này, từ giữa tháng 4/2024, Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình đã chỉ đạo phường Phúc Xá thực hiện giải tỏa lấn chiếm bờ vở, bãi bồi ven sông Hồng với diện tích khoảng 90.000m2.
Các lực lượng chức năng của phường tiến hành xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm đất đai, dựng lều lán, đổ phế thải vi phạm các quy định pháp luật về bảo vệ đê điều.
Ông Bùi Thanh Xuân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Phúc Xá, cho biết ngay sau khi có kế hoạch của quận, phường đã tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân và hệ thống chính trị để tạo sự đồng thuận; đồng thời thành lập 6 tổ công tác trực tiếp đến các hộ gia đình vận động người vi phạm tự giác chấp hành tự tháo dỡ, di dời vật dụng, vật nuôi trên đất vi phạm cũng như thiết lập hồ sơ xử lý hành chính.
Tại khu vực gầm cầu và giáp cầu Long Biên (khoảng 4.000m2), phường Phúc Xá đã huy động lực lượng tiến hành giải tỏa, thu dọn, chặt hạ cây dại, thu gom vận chuyển phế thải, rác thải đổ trộm.
Đối với những hộ dân làm lều lán ở khu vực bãi bồi ven sông thuộc phạm vi giải tỏa, phường tiếp tục kiên trì vận động người vi phạm chấp hành.
Sau ngày 9/5, các trường hợp còn lại cơ quan chức năng đã thiết lập hồ sơ xử lý cưỡng chế theo quy định. Đồng thời, Ủy ban Nhân dân phường đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ chỗ ở và đảm bảo an sinh xã hội cho các hộ dân bị di dời, giải tỏa lều lán do lắp dựng trái phép trên bãi bồi ven sông.
Kết quả, sau hơn 2 tháng tập trung thực hiện, đến nay, công tác giải tỏa lấn chiếm, thu dọn phế thải đổ trộm lưu cữu từ nhiều năm trên địa bàn phường Phúc Xá đã cơ bản hoàn thành, trả lại hiện trạng đúng cao độ đất bờ và lòng sông.
Cụ thể, các lực lượng chức năng của phường đã dọn dẹp mặt bằng với diện tích khoảng 10ha, thu dọn hơn 2.000m3 phế thải, tháo dỡ gần 100 chuồng trại, lều lán tạm, quây che, hàng rào... lắp dựng trái phép từ lâu (giai đoạn trước những năm 2010).
Cùng với đó, phường Phúc Xá huy động khoảng 500 lượt tình nguyện viên ra quân thu dọn rác thải với mong muốn sau khi giải tỏa, môi trường sống dọc bờ sông sẽ được cải thiện, qua đó góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường của người dân, ngăn chặn các hành vi lấn chiếm, đổ phế thải bừa bãi gây mất an toàn đê điều và thoát lũ.
Đáng chú ý, hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Ba Đình phối hợp với phường Phúc Xá ra quân phủ xanh bờ vở sông Hồng ngay sau khi diện tích đất lấn chiếm đã được giải tỏa.
Cán bộ, hội viên phụ nữ, đoàn viên, nòng cốt là đội ngũ cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Phúc Xá tích cực làm đất, gieo hạt giống hoa, tạo cảnh quan xây dựng công trình công ích cộng đồng.
"Mỗi hội viên trồng một cây xanh, phủ xanh gốc cây, gieo hạt, trồng hoa tại khu đất được giải tỏa. Từ cam kết đến những hành động, quyết tâm biến nơi đây thành điểm sáng về bảo vệ môi trường, bảo vệ đất, chống hạn hán, tạo cảnh quan sạch đẹp," Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Ba Đình Đinh Thị Phương Liên nhấn mạnh.
Thời gian tới, để chống tái lấn chiếm và bảo vệ môi trường, Đảng ủy, chính quyền và hệ thống chính trị phường Phúc Xá sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường..., đặc biệt là khu vực bờ sông, lòng sông và bãi giữa sông Hồng, bảo đảm giữ nguyên trạng; chỉ đạo các hội đoàn thể phường trồng cây hoa phủ xanh khu vực bờ vở, tạo điểm nhấn đô thị của phường Phúc Xá và khu vực.
Trên thực tế, một số địa phương của Hà Nội cũng tiến hành giải tỏa vi phạm đất bãi bồi ven sông, song sau một thời gian ngắn, do không có phương án kiểm soát vi phạm hiệu quả nên một số người dân lại tiếp tục dựng lều lán, đổ phế thải ra khu vực vừa giải tỏa, gây bức xúc trong dư luận.
Ông Tạ Nam Chiến, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình, cho biết để tránh lặp lại tình trạng này, quận đã chỉ đạo các phường và các phòng chức năng xây dựng đề án tái lấn chiếm; làm "sống lại" không gian bờ, bãi bồi ven sông bằng việc cải tạo, san gạt một số diện tích phù hợp để làm sân chơi, vườn hoa, không gian công cộng phục vụ người dân. Kinh phí thực hiện từ nguồn xã hội hóa và sẽ triển khai trong năm nay.
Theo các Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt, vùng đất bãi bồi ven sông Hồng được tính từ đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở chạy qua 13 quận, huyện của Hà Nội với chiều dài khoảng 40km có diện tích khoảng 5.000ha sẽ được khai thác, khơi dậy giá trị.
Đồ án quy hoạch này đã định hướng không gian xanh hai bên sông Hồng sẽ là các không gian mở, tạo không gian giao lưu văn hóa, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cho người dân đô thị, phát huy cảnh quan sinh thái nông nghiệp phục vụ sản xuất và du lịch.
Khu vực đất ở hiện có cũng được cải tạo nâng cao chất lượng không gian, bổ sung hệ thống hạ tầng xã hội như sân chơi, giáo dục, y tế, văn hóa, dành quỹ đất tổ chức không gian vườn hoa, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật về giao thông, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường...
Với định hướng như vậy, việc quận Ba Đình quyết liệt tổ chức giải tỏa các vi phạm đất bãi bồi ven sông Hồng để xây dựng không gian công cộng góp phần tạo lập thêm không gian xanh cho thành phố, giúp bộ mặt đô thị được cải thiện, chống nạn đổ rác thải, phế thải diễn ra phổ biến tại một số bãi sông trên địa bàn Thủ đô./.