Hà Nội: Giữ vững 'vùng xanh,' sẵn sàng kịch bản cho hậu giãn cách

Hà Nội đã thực hiện các gói hỗ trợ cho vay sản xuất, kinh doanh, như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Hà Nội: Giữ vững 'vùng xanh,' sẵn sàng kịch bản cho hậu giãn cách ảnh 1Các doanh nghiệp đã tăng cường các biện pháp phòng dịch, đảm bảo giữ ổn định sản xuất. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Dịch bệnh COVID-19 đã tác động nặng nề tới hoạt động sản xuất-kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội.

Vì vậy, khi thành phố phân chia mức độ giãn cách thành 3 vùng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp “vùng xanh” khôi phục trở lại sản xuất, sẵn sàng cho một giai đoạn bình thường mới.

Chủ động thích ứng

Trong gần 2 tháng qua, tình hình sản xuất-kinh doanh tại cơ sở May tư nhân của anh Tiến trên địa bàn huyện Chương Mỹ gần như bị đóng băng. Việc thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống COVID-19 buộc công ty phải tạm dừng đơn hàng để thay đổi và sắp xếp lại quy trình sản xuất.

Chuyên về may gia công các mặt hàng bảo hộ lao động, nên khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều nhân viên ở xa hoặc sống tại một số khu vực cách ly, phong tỏa đã tạm nghỉ việc, chưa kể việc vận chuyển nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất cũng khó khăn hơn.

[Hà Nội: Vùng 2, 3 có thể sản xuất-kinh doanh an toàn theo Chỉ thị 15]

Tuy nhiên, khi thành phố Hà Nội triển khai 3 phân vùng, cho phép nới lỏng nhiều hoạt động tại “vùng xanh" đã giúp cơ sở của anh Tiến có điều kiện để vận hành lại guồng máy sản xuất.

“Để không bị chậm tiến độ giao hàng, cơ sở đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch; sắp xếp lại thời gian lao động và thiết bị máy móc nhằm thích ứng với bối cảnh mới,” anh Tiến chia sẻ.

Tương tự, với cơ sở sản xuất các thiết bị phục vụ bếp ăn công nghiệp của anh Phạm Chí Hiếu trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm cũng phải tạm dừng một số hoạt động sản xuất do thực hiện giãn cách xã hội.

Lo ngại hơn, việc cung ứng các sản phẩm tới khách hàng đã có hợp đồng từ trước sẽ kéo dài hơn so với dự định.

“Khách hàng có, nhưng hợp đồng thì không dám ký, do vậy việc cho phép mở lại các hoạt động sản xuất-kinh doanh tại những vùng an toàn vào thời điểm hiện nay là tín hiệu rất đáng mừng, giúp doanh nghiệp nối lại chuỗi cung ứng, đảm bảo đời sống người lao động,” anh Hiếu nói.

Thực tế cho thấy, với sự chủ động trong phòng chống dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp đã sẵn sàng các phương án sản xuất, kể cả trong những giai đoạn căng thẳng nhất.

Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP May 10 Thân Đức Việt đánh giá việc phân 3 vùng để phòng chống dịch bệnh COVID-19 như hiện nay giúp các doanh nghiệp trong vùng an toàn và nguy cơ thấp vẫn có thể duy trì sản xuất an toàn.

Hiện tại, May 10 đang trong "vùng cam" nên vẫn được hoạt động sản xuất bình thường và đảm bảo cho doanh nghiệp không bị động về nhân lực, tạo cơ hội thúc đẩy tiến độ giao hàng đúng theo hợp đồng đã ký kết tới các khách hàng trên toàn cầu. Qua đó, bù đắp được khoảng trống do lùi thời hạn giao hàng. Đây là phương pháp rất hợp lý để khoanh vùng dập dịch mà vẫn đảm bảo phát triển kinh tế.

“Cùng với các biện pháp phòng chống dịch, May 10 đã triển khai tốt việc tuyên truyền phương án phòng, chống dịch thường xuyên, liên tục đến từng người lao động, qua đó lan tỏa tinh thần chống dịch của từng cá nhân đến với gia đình và những người xung quanh họ,” ông Thân Đức Việt nói.

Quyết liệt gỡ khó cho doanh nghiệp

Sau Chỉ thị 20 của Hà Nội, từ ngày 8/9, các địa phương có nguy thấp được áp dụng Chỉ thị 15 đã xây dựng kế hoạch cho phép doanh nghiệp sản xuất trở lại.

Nhiều địa phương cũng sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh, song song với bảo đảm công tác phòng, chống dịch an toàn.

Hà Nội: Giữ vững 'vùng xanh,' sẵn sàng kịch bản cho hậu giãn cách ảnh 2Việc kiểm soát tốt dịch bệnh cũng như đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine trên toàn thành phố đã tạo bước đệm tích cực cho việc khôi phục lại các hoạt động kinh tế. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng cho biết trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, thành phố Hà Nội đã tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.

Cùng với nhiệm vụ phòng, chống dịch, Ủy ban Nhân dân đã hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp thành lập mới; hướng dẫn trả lương ngừng việc, giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc…

Đặc biệt, thành phố Hà Nội đã thực hiện các gói hỗ trợ cho vay sản xuất, kinh doanh, như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Ngoài ra, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức kết nối doanh nghiệp với ngân hàng qua đó doanh nghiệp tiếp cận nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, áp dụng các chính sách lãi suất linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp có vốn cho sản xuất kinh doanh…

“Hà Nội đã triển khai các giải pháp duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh đại dịch, đang thúc đẩy phát triển mạnh các ngành có ưu thế, có cơ hội phát triển, như: sản xuất nông nghiệp; sản xuất các sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch; đồng thời chủ động triển khai các giải pháp bảo đảm cung cấp điện an toàn, liên tục phục vụ sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp,” ông Đàm Tiến Thắng nói.

Trong bối cảnh hiện nay, Sở Công Thương Hà Nội đang phối hợp với các Sở, ngành, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội… xây dựng kế hoạch phục hồi và thúc đẩy kinh tế bám sát theo tiến độ khống chế dịch bệnh trên từng địa bàn của thành phố.

Theo đó, tại các khu vực có nguy cơ thấp duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh; ở những nơi có đủ điều kiện theo nguyên tắc “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn” và từng bước khôi phục và đẩy mạnh sản xuất tại các địa bàn kết thúc giãn cách xã hội, đảm bảo an toàn và thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch.

Còn tại các khu vực nguy cơ cao tiếp tục thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội; đồng thời Sở Công Thương sẽ phối hợp với Sở Giao thông Vận tải bảo đảm hoạt động vận tải, lưu thông hàng hóa thông suốt.

Đặc biệt, Ban Thường vụ Thành ủy đã giao Ban cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân thành phố rà soát, có phương án cụ thể cho giai đoạn sau ngày 21/9. Theo nguyên tắc phòng chống dịch đặt lên hàng đầu, từ đó tạo điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục