Bảo đảm an toàn thực phẩm trong trường học luôn là vấn đề được toàn xã hội quan tâm bởi liên quan trực tiếp đến sức khỏe, sự phát triển về thể chất và trí tuệ của thế hệ trẻ.
Bên cạnh đó, tình trạng các quán hàng, gánh hàng rong tự phát xung quanh cổng trường cũng là nguy cơ gây hại cho sức khỏe của học sinh.
Đây là những nội dung chính của kế hoạch chuyên đề “Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn Hà Nội” đã được triển khai ngay trước thềm năm học mới 2024-2025.
Huyện Ba Vì hiện có 120 trường và 23 nhóm trẻ độc lập với 76.047 học sinh. Số trường học có bếp ăn bán trú là 76 trường.
Tổng số cơ sở kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố quanh các cổng trường học trên địa bàn huyện là 147 cơ sở, trong đó có 76 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và 71 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố này thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Nhân dân các xã, thị trấn.
Theo Trưởng phòng Y tế huyện Ba Vì Hoàng Xuân Trường, trong 7 tháng năm 2024, các xã, thị trấn đã kiểm tra 114 cơ sở, đạt 77,5%; xử phạt vi phạm hành chính 1 cơ sở; tịch thu, tiêu hủy hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ (bim bim, bò khô, quẩy, mì tôm trẻ em) ở xã Thụy An và nhắc nhở 13 cơ sở tại các xã Tiên Phong, Sơn Đà, thị trấn Tây Đằng.
Chuẩn bị đón Năm học mới 2024-2025, huyện Ba Vì đã ban hành Kế hoạch chuyên đề về tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh trường học trên địa bàn.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh cho biết để bảo đảm an toàn thực phẩm tại trường học, Phòng yêu cầu các trường thường xuyên phối hợp với đơn vị chức năng của huyện tiến hành giám sát an toàn thực phẩm ở bếp ăn tập thể, giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm.
Cùng với đó, Phòng hướng dẫn các trường nhận biết những nguy cơ gây ô nhiễm, ngộ độc thực phẩm; thực hiện chế độ kiểm tra 3 bước và lưu mẫu thức ăn theo quy định của Bộ Y tế.
Các trường kiên quyết “nói không” với thực phẩm đông lạnh, không bảo đảm chất lượng. Đặc biệt, các nhà trường phải tự giám sát, phối hợp giám sát nguyên liệu đầu vào, quá trình sơ chế, chế biến, nấu, chia suất tại các bếp ăn tập thể trường học.
Còn tại quận Ba Đình, chuẩn bị cho Năm học mới sắp tới, Ủy ban Nhân dân quận đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tích cực triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại cơ sở giáo dục trên địa bàn, đặc biệt là phối hợp liên ngành giữa Y tế và Giáo dục. Đoàn kiểm tra liên ngành của quận đã tiến hành kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học ngay trước thềm năm học mới.
Tại trường Mầm non Họa Mi (phường Thành Công), Đoàn liên ngành đã kiểm tra điều kiện cơ sở vật chất tại khu vực bếp chế biến suất ăn bán trú phục vụ học sinh, công tác lưu mẫu thức ăn, các văn bản, hồ sơ về việc thực hiện quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm trường học.
Theo Trưởng phòng Y tế quận Ba Đình Lã Ngọc Sang, Trường Mầm non Họa Mi đã chấp hành đầy đủ các quy định và điều kiện về an toàn thực phẩm. Trong đó, cơ sở vật chất và khu vực bếp ăn được đầu tư khang trang, đồng bộ, thức ăn hằng ngày được lưu mẫu đầy đủ; 100% nguyên liệu thực phẩm truy xuất được nguồn gốc thông qua mã QR, đơn vị cung cấp thực phẩm đã chứng minh được xuất xứ và có đầy đủ hóa đơn, chứng từ...
Với hơn 50.000 học sinh thuộc 131 cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập, mỗi ngày có hơn 40.000 suất ăn được chế biến, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục luôn được quận Ba Đình quan tâm và chú trọng.
Do đó, Ủy ban Nhân dân quận đã chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan rà soát, kiểm soát, không để thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất hiện trong bếp ăn trường học.
Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, tại thành phố có hơn 4.000 bếp ăn tập thể trường học.
Thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm bếp ăn trường học luôn được đẩy mạnh.
Qua kiểm tra, ý thức phòng, chống ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể các trường học được nâng cao hơn. Đa số các trường đã đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, xây dựng bếp ăn theo nguyên tắc một chiều.
Tuy nhiên, có nơi bếp ăn vẫn còn một số tồn tại như: điều kiện cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu biện pháp phòng, chống côn trùng, chế độ vệ sinh dụng cụ, vệ sinh cá nhân chưa đúng quy định…
Cùng với đó, nguồn gốc nguyên liệu đưa vào bếp ăn có nơi chưa rõ ràng, người sản xuất, chế biến, kinh doanh không được khám sức khỏe, tập huấn kiến thức bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Về kế hoạch chuyên đề “Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn Hà Nội," Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (Sở Y tế Hà Nội) Đặng Thanh Phong cho rằng trong kế hoạch này, thành phố chú trọng triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học có trọng tâm, trọng điểm, tập trung nhóm thực phẩm có nguy cơ cao, các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn.
Ông Phong cho biết trước đây, những kế hoạch, mô hình về kiểm soát an toàn thực phẩm trong trường học tập trung quản lý ở góc độ chuyên môn với sự tham gia chủ yếu của ngành Y tế và ngành Giáo dục và Đào tạo. Với kế hoạch chuyên đề lần này, thành phố huy động sự vào cuộc của chính quyền địa phương.
“Vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm trường học không chỉ là trách nhiệm của các cấp chính quyền, nhà trường mà còn của cả phụ huynh và học sinh. Việc đẩy mạnh truyền thông, nâng cao kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm cho học sinh cần được chú trọng. Điều này giúp các em biết cách lựa chọn thực phẩm bảo đảm an toàn, nói không với các quán hàng, thức ăn đường phố không an toàn. Bên cạnh đó, người dân, nhất là phụ huynh học sinh khi phát hiện thấy quán hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm trước cổng trường hoặc phát hiện cơ sở có dấu hiệu vi phạm an toàn thực phẩm cần thông tin đến cơ quan chức năng để cùng vào cuộc xác minh, xử lý,” ông Đặng Thanh Phong chia sẻ./.
Hà Nội tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm quanh khu vực trường học
Kiểm tra một cơ sở gần khu vực cổng trường tiểu học La Phù, Hoài Đức, lực lượng 389 huyện Hoài Đức phát hiện nhiều thực phẩm do nước ngoài sản xuất nhưng không có hóa đơn, chứng từ theo quy định.