Hà Nội kiểm tra chống tham nhũng tại 18 đơn vị

Hà Nội sẽ triển khai kế hoạch kiểm tra công tác phòng chống tham nhũng tại 9 quận, huyện và 9 sở, ngành trong những tháng cuối năm.
Theo tông tin từ cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng thành phố Hà Nội, chiều 6/8, Hà Nội sẽ triển khai kế hoạch kiểm tra công tác phòng chống tham nhũng tại 18 đơn vị (9 quận, huyện và 9 sở, ngành) trong những tháng cuối năm.

Tại cuộc họp trên, một số ý kiến đề nghị công tác kiểm tra nên tập trung vào một vài lĩnh vực chuyên sâu như giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo hay kết quả xử lý các vụ việc tham nhũng; hoặc tập trung theo mảng nội dung như giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay xây dựng cơ bản...

Trong 7 tháng qua, Thành phố Hà Nội đã xử lý 47 vụ án tham nhũng, trong đó 12 vụ đã xét xử, còn lại 35 vụ đang thụ lý. Tổng số tài sản tham nhũng được phát hiện và xử lý lên tới 487,160 tỷ đồng. Cơ quan chức năng đã tạm giữ để thu hồi 30,205 tỷ đồng, 355.000 USD, 280 cây vàng, 8 ngôi nhà, 3 biệt thự nền đất, 2 xe ôtô trị giá khoảng 2 tỷ đồng và số lượng cổ phiếu chứng khoán trị giá khoảng 35 tỷ đồng.

Thành phố còn khoảng 10 vụ việc nổi cộm đang “đọng” ở 3 cơ quan là Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân và Tòa án Nhân dân thành phố như vụ Trần Lệ Thủy, cán bộ chi nhánh Đông Đô của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam và 10 bị can tham ô lừa đảo gần 289 tỷ đồng hay vụ Nguyễn Thanh Hà, cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Tam Trinh tham ô 1,790 tỷ đồng…

Xác định công tác phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thường xuyên và lâu dài, thành phố Hà Nội yêu cầu các cơ quan thông tin đại chúng của thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống tham nhũng, có chuyên mục riêng để nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và xã hội về lĩnh vực này. Với mục tiêu ngăn chặn các kẽ hở là điều kiện để tham nhũng xảy ra, đặc biệt ở những lĩnh vực nhạy cảm như: tài chính ngân hàng, đất đai, xây dựng cơ bản...

Tuy nhiên, công tác phòng chống tham nhũng của Hà Nội vẫn còn nhiều thiếu sót như kết quả còn hạn chế, chưa tương xứng với tình hình; một số vụ việc còn chậm được xử lý, nguyên do là các cơ quan chức năng còn thiếu quyết liệt, phối hợp chưa chặt chẽ. Công tác tuyên truyền chưa tạo nên phong trào đấu tranh phòng chống tham nhũng trong cơ quan, đơn vị và trong quần chúng… Công tác phát giác các vụ việc tham nhũng chủ yếu vẫn dựa vào báo chí, người dân, nên chưa phản ánh hết thực trạng tham nhũng trên địa bàn./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục