Hà Nội: Thanh tra thực hiện chính sách pháp luật ở 1.200 doanh nghiệp

Năm 2022, trên địa bàn Thủ đô vẫn xảy ra 5 vụ ngừng việc tập thể với sự tham gia của trên 1.000 công nhân lao động; toàn thành phố xảy ra 89 vụ tai nạn lao động với 112 người bị nạn.
Hà Nội: Thanh tra thực hiện chính sách pháp luật ở 1.200 doanh nghiệp ảnh 1Công nhân sản xuất hàng may mặc tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Kydo Việt Nam. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Thực hiện Chương trình chuyên đề Chính sách Pháp luật và Quan hệ lao động năm 2023, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đặt mục tiêu phối hợp với các sở, ngành chức năng thanh tra, kiểm tra việc chấp hành thực hiện Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế ở ít nhất 1.200 đơn vị, doanh nghiệp.

Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở phối hợp tổ chức thanh tra, kiểm tra ít nhất 700 doanh nghiệp. Liên đoàn Lao động quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên cơ sở phối hợp với chính quyền đồng cấp kiểm tra được ít nhất 450 doanh nghiệp về thực hiện pháp luật an toàn vệ sinh lao động-phòng, chống cháy nổ.

Cũng theo chỉ đạo của Liên đoàn Lao động thành phố, năm nay, các cấp Công đoàn phấn đấu có ít nhất 3.900 doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp ngoài công lập có tổ chức Công đoàn tổ chức hội nghị người lao động; 5.600 doanh nghiệp tổ chức đối thoại và xây dựng được quy chế dân chủ tại nơi làm việc; phấn đấu thương lượng, ký kết mới ít nhất 500 bản Thỏa ước lao động tập thể (ký lần đầu tiên); phấn đấu ít nhất 45% bản Thỏa ước lao động tập thể đạt loại B trở lên; đề xuất, thương lượng 550 doanh nghiệp tăng chất lượng bữa ăn ca…

[Những lợi ích từ việc ký kết thỏa ước lao động tập thể nhóm]

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Lê Đình Hùng cho biết để đạt được mục tiêu đề ra, các cấp Công đoàn cần tập trung kiểm tra, giám sát việc thực hiện nội dung thỏa ước lao động tập thể đã ký, bữa ăn ca, các chính sách pháp luật liên quan đến quyền lợi đoàn viên, người lao động; tham gia triển khai, thực hiện tốt Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, hoạt động thương lượng, đối thoại tại nơi làm việc.

Bên cạnh đó, các cấp công đoàn đa dạng hóa các hoạt động chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, kịp thời, phù hợp với từng đối tượng; quan tâm hoạt động hỗ trợ đoàn viên, người lao động khó khăn, bị giảm giờ làm, mất việc làm do doanh nghiệp thiếu đơn hàng theo Nghị quyết số 06/NQ-ĐCT của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Các cấp công đoàn đôn đốc, chỉ đạo các cấp Công đoàn hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XVI Công đoàn thành phố; Chương trình "1 triệu sáng kiến" do Tổng Liên đoàn phát động; nắm chắc tình hình quan hệ lao động; chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ Công đoàn cơ sở tham gia xây dựng, triển khai các biện pháp đảm bảo việc làm, đời sống, thu nhập, phúc lợi cho người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp.

Thời gian qua, các cấp Công đoàn Thủ đô làm tốt công tác nắm tình hình tư tưởng và kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh của công nhân, viên chức lao động; không có diễn biến phức tạp xảy ra.

Dư luận công nhân, viên chức lao động và nhân dân đánh giá cao sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền và các đoàn thể chính trị-xã hội đã quan tâm chăm lo chu đáo cho các đối tượng chính sách, gia đình có công với cách mạng, các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn; trong đó có công nhân, viên chức lao động và con công nhân, viên chức lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, nhất là trong doanh nghiệp các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội.

Công nhân lao động an tâm, phấn khởi nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp và tổ chức Công đoàn trong việc bảo đảm tiền lương, thưởng Tết, hỗ trợ kinh phí đưa, đón công nhân về quê đón Tết, cũng như thăm hỏi, động viên những trường hợp không có điều kiện để về quê đón Tết chung vui cùng với gia đình.

Tuy nhiên, năm 2022, trên địa bàn Thủ đô vẫn xảy ra 5 vụ ngừng việc tập thể với sự tham gia của trên 1.000 công nhân lao động. Toàn thành phố xảy ra 89 vụ tai nạn lao động với 112 người bị nạn.

Đáng chú ý, tình hình nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vẫn tiếp diễn với 78.853 đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng từ 2 tháng trở lên, với số tiền nợ trên 15.008 tỷ đồng, làm ảnh hưởng đến đời sống, chế độ chính sách của 940.859 người lao động, tiềm ẩn nguy xảy ra tranh chấp lao động, đình công trên địa bàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục