Những lợi ích từ việc ký kết thỏa ước lao động tập thể nhóm

Nội dung ký kết thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp hướng đến những hoạt động mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, người lao động và tổ chức Công đoàn.
Những lợi ích từ việc ký kết thỏa ước lao động tập thể nhóm ảnh 1Đại diện lãnh đạo Liên đoàn các đơn vị chứng kiến lễ ký kết thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp ngành dệt may với Công đoàn cấp trên cơ sở. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Ngày 1/9, Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, Công đoàn Hà Lan phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức lễ ký thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp ngành dệt may trên địa bàn Thành phố với Công đoàn cấp trên cơ sở.

Đây là hoạt động trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy đối thoại xã hội tại nơi làm việc và thương lượng tập thể hiệu quả trong ngành dệt may” của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hợp tác cùng Công đoàn Hà Lan.

Nội dung ký kết thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp hướng đến những hoạt động mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, người lao động và tổ chức Công đoàn.

[Công đoàn triển khai nhiều mô hình, sáng kiến để bảo vệ người lao động]

Cụ thể khi tham gia, người sử dụng lao động cam kết thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của pháp luật lao động, công đoàn, các luật, quy định liên quan và nội dung của thỏa ước nhóm.

Đảm bảo việc tôn trọng danh dự, nhân phẩm, không phân biệt đối xử, đảm bảo bình đẳng giới đối với người lao động; có biện pháp đảm bảo an toàn tại nơi làm việc; không sử dụng các biện pháp cạnh tranh không lành mạnh để lôi kéo người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp ký kết thỏa ước nhóm chuyển sang làm việc tại doanh nghiệp mình.

Người sử dụng lao động cam kết quan tâm nâng cấp cải tạo môi trường làm việc (như nhiệt độ, không khí nơi làm việc, bảo hộ an toàn lao động...); tạo điều kiện để người lao động học tập, đào tạo, nâng cao kỹ năng, trình độ, nghiệp vụ, chuyên môn.

Đặc biệt, ưu tiên tái ký hợp đồng lao động với người lao động hoàn thành tốt công việc khi hợp đồng lao động hết thời hạn; lao động nữ trong thời gian mang thai; ưu tiên nhận con, người thân của người lao động đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp khi doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động.

Về phía người lao động, cam kết chấp hành nghiêm các quy định pháp luật, hợp đồng lao động, nội quy, quy chế, các văn bản quy định nội bộ của doanh nghiệp và thỏa ước nhóm; không đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái quy định của pháp luật để chuyển sang làm việc tại các doanh nghiệp ký kết thỏa ước nhóm; đồng thời tích cực thi đua sản xuất, phát huy tinh thần chủ động, trách nhiệm, sáng tạo, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong lao động; tích cực tham gia các phong trào thi đua, tăng năng suất lao động, giảm chi phí của doanh nghiệp; tích cực học tập, tham gia các hoạt động nâng cao kỹ năng, tay nghề, chuyên môn để hoàn thành tốt công việc theo hợp đồng lao động.

Tham gia ký kết, tổ chức Công đoàn cũng cam kết thúc đẩy phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo,” nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xây dựng văn hóa doanh nghiệp; tuyên truyền vận động người lao động nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và tuân thủ nội quy, quy định, thỏa ước lao động tập thể (nếu có) của doanh nghiệp và thỏa ước nhóm; đoàn kết, giữ gìn nếp sống văn minh, bảo vệ môi trường, an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ.

Tổ chức Công đoàn đồng hành cùng doanh nghiệp xây dựng quan hệ lao động ổn định, hài hòa và tiến bộ tại doanh nghiệp, vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp; tăng cường phối hợp với doanh nghiệp xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ, đối thoại tại nơi làm việc; thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin về tình hình đoàn viên công đoàn, người lao động.

Những lợi ích từ việc ký kết thỏa ước lao động tập thể nhóm ảnh 2Đại diện lãnh đạo Liên đoàn các đơn vị chứng kiến lễ ký kết thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp ngành dệt may với Công đoàn cấp trên cơ sở. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Phát biểu tại lễ ký kết, bà Trần Thanh Hà, Phó ban Quan hệ lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đánh giá cao nỗ lực của lãnh đạo các doanh nghiệp, tổ chức Công đoàn và người lao động tham gia nhằm mang lại hiệu quả, lợi ích chung của các bên; đồng thời khẳng định mục tiêu của thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp hướng đến tăng cường mối quan hệ lao động tại các doanh nghiệp tiến bộ hài hòa, giảm tranh chấp lao động, đình công không đúng trình tự pháp luật quy định; hạn chế tình trạng biến động lao động, canh tranh lao động giữa các doanh nghiệp tham gia thỏa ước nhóm.

Theo bà Trần Thanh Hà, việc ký kết còn hướng đến mục tiêu nâng cao trách nhiệm chấp hành chính sách, pháp luật Nhà nước của các bên; thúc đẩy và khẳng định vị thế, thương hiệu của các doanh nghiệp trong nhóm.

Đây còn là điều kiện thuận lợi để khối quản lý và các Công đoàn cơ sở được trao đổi, hỗ trợ lẫn nhau trong các công việc, chuyên môn; đồng thời giúp các doanh nghiệp xây dựng hình ảnh doanh nghiệp, người lao động để từ đó thu hút nguồn nhân lực vào làm việc tại nhóm ngành nghề.

Từ thực tiễn, nhiều doanh nghiệp đã thấy được lợi ích khi tham gia thỏa ước nhóm, giúp doanh nghiệp cải thiện quan hệ lao động giữa người lao động và quản lý trong doanh nghiệp, nhất là khi doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động và việc giữ chân người lao động.

Ông Trương Tôn Nghị, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại Trương Vui, nhìn nhận thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp còn là đòn bẩy quan trọng giúp xây dựng khối đoàn kết cho công đoàn các doanh nghiệp do công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở dẫn dắt; là sân chơi bình đẳng hơn về điều kiện làm việc, giúp ổn định lực lượng lao động.

Theo ông Trương Tôn Nghị, việc thương lượng, ký kết không chỉ góp phần đảm bảo quyền lợi, lợi ích chính đáng, tạo sự yên tâm làm việc cho người lao động, mà còn xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, giúp doanh nghiệp ổn định chính sách, phát triển bền vững.

Thỏa ước lao động tập thể còn là động lực giúp doanh nghiệp cùng nhóm ngành nghề liên kết chặt chẽ trong việc chăm lo đời sống người lao động, tạo mặt sàn ưu đãi chung, góp phần hạn chế dịch chuyển lao động, khuyến khích lao động nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc.”

Chứng kiến lễ ký kết, bà Nguyễn Thị Hải Yến, đại diện Công đoàn Hà Lan vui mừng và tin tưởng việc ký kết sẽ tác động tích cực đối với tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, việc làm và thu nhập của người lao động, nhất là trong bối cảnh Việt Nam tham gia các hiệp định tự do thế hệ mới, công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế.

Theo bà Nguyễn Thị Hải Yến, trong thời điểm nhiều khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, việc ký kết thỏa ước nhóm thể hiện nỗ lực rất lớn từ doanh nghiệp và công đoàn trong việc duy trì việc làm cho người lao động, cải thiện được điều kiện lao động thông qua những nội dung có lợi hơn so với quy định của pháp luật.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục