Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia vừa kết thúc, được dư luận đánh giá là giảm áp lực và nhẹ nhàng hơn cho học sinh khi sát nhập hai kỳ thi, nhưng đến giai đoạn xét tuyển lại xuất hiện các nỗi lo lắng cho thí sinh và gia đình.
Không khí ngày cuối cùng của đợt xét tuyển nguyện vọng 1 vào đại học vẫn rất căng thẳng, do nhiều thí sinh đang chờ chốt điểm trúng tuyển để liệu đường rút hồ sơ hoặc chuyển nguyện vọng.
Chủ trương đúng
Đánh giá về kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm nay và phương thức tuyển sinh đại học, cao đẳng mới, nhiều chuyên gia nhận định về mặt chủ trương, kỳ thi năm nay đã tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh khi chỉ phải tham gia một kỳ thi, đạt được hai mục đích xét công nhận tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Việc các thí sinh biết kết quả thi trước rồi mới đăng ký xét tuyển đại học sẽ giúp các em chủ động lựa chọn các trường phù hợp.
Tiến sỹ Trần Thế Hoàng, Trưởng phòng quản lý Đào tạo - Công tác sinh viên, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng trong kỳ thi năm nay, các thí sinh và phụ huynh có vất vả hơn trong việc nộp hồ sơ xét tuyển nhưng cơ hội cho các em vào đại học sẽ cao hơn, bên cạnh đó tạo được sự công bằng và minh bạch hơn, các thí sinh điểm cao sẽ có cơ hội vào trường top cao hơn.
Đại diện Trường Đại học Sư Phạm Kỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết, tuy có những bất cập, khó khăn trong quy trình xét tuyển nhưng nhìn nhận khách quan thì thí sinh có lợi hơn nhiều.
Cụ thể như những năm trước, thí sinh đăng ký nguyện vọng trước khi thi, nhiều em không tự tin vào khả năng của mình nên không dám nộp hồ sơ vào những ngành hay trường tốp cao mà nộp hồ sơ vào trường tốp thấp hơn để an toàn. Trong khi, những em đó có thể đạt điểm thi cao hơn điểm chuẩn của ngành, trường yêu thích rất nhiều nhưng các em đã trúng tuyển vào trường mình dự thi nên không được quyền chuyển trường.
Năm nay thì các em có kết quả thi rồi mới nộp hồ sơ nên sự lựa chọn của các em sẽ nhiều hơn. Bên cạnh đó, phương án thi năm nay cũng đảm bảo sự phân luồng thí sinh rõ và đáp ứng yêu cầu vừa công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông vừa phục vụ cho công tác tuyển sinh.
Thạc sỹ Lê Việt Anh, Phó Trưởng phòng quản lý đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương cũng ghi nhận cách thức tuyển sinh mới giúp phân tầng các trường đại học rõ ràng hơn. Ông cho rằng khi triển khai một phương thức thi và xét tuyển mới bao giờ cũng tồn tại những mặt mạnh và cả những điểm bất cập.
Điểm đáng ghi nhận đối với cách tuyển sinh năm nay đó là giúp phân tầng các trường đại học. Các trường tốp cao sẽ thu hút được nhiều thí sinh khá giỏi hơn đến đăng ký xét tuyển và có khả năng tuyển đủ chỉ tiêu cho các ngành với số điểm cao ngay từ đợt 1.
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng
Trong quá trình xét tuyển nguyện vọng vào đại học, cao đẳng năm 2015, kỹ thuật-công nghệ thông tin đóng vai trò rất quan trọng từ khi thí sinh xem điểm, rút nộp hồ sơ và trong suốt quá trình cập nhật thông tin xét tuyển.
Tuy vậy, ngay tại thời điểm thông báo điểm đã xảy ra tình trạng “nghẽn mạng” trên diện rộng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải chia số liệu điểm sang cho các trường đại học để thông báo điểm cho thí sinh.
Những ngày đầu quá trình xét tuyển nguyện vọng 1, nhiều vấn đề bất cập đã xảy ra. Nhu cầu và áp lực vào đại học qua lớn đã khiến nhiều thí sinh và gia đình khăn gói đến tận các trường đại học ở thành phố lớn để trực tiếp rút, nộp hồ sơ, gây nên những tốn kém, căng thẳng.
Chính vì vậy, đến giữa chặng đường xét tuyển nguyện vọng 1 (12/8), Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các sở và các trường phổ thông nhận thay đổi nguyện vọng, hỗ trợ thí sinh rút, nộp hồ sơ ngay tại quê nhà. Sự điều chỉnh này đã mang lại không ít tác dụng.
Thí sinh Lê Xuân Tài tại Thanh Hóa cho biết: "Em đăng ký vào Trường Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, nhưng chỉ được 21 điểm, không có khả năng đậu nên đã rút hồ sơ nộp vào Trường Đại học Bưu chính viễn thông ở Hà Nội. Tại Sở Giáo dục Đào tạo Thanh Hóa ngày 20/8, em chỉ mất khoảng 20 phút để hoàn thành tất cả các thủ tục thay đổi nguyện vọng xét tuyển."
Thầy Lê Văn Hoa, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa cho biết việc Bộ Giáo dục và Đào tạo phân công cho các Sở hỗ trợ thí sinh đăng ký thay đổi nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học cao đẳng giúp các em giảm bớt thời gian, chi phí, công sức đi lại. Cách làm này cũng giảm tải được cho các trường đại học và cao đẳng khi có nhiều thí sinh cùng đến để rút hoặc nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường mình.
Đây là việc làm khá mới mẻ với các Sở Giáo dục và các trường trung học phổ thông, nên cũng có hiện tượng các thí sinh chưa yên tâm với việc nộp và rút hồ sơ thay đổi nguyện vọng tại quê nhà, nhất là khi có nơi có chỗ các cán bộ đảm nhận việc này chưa được tập huấn kỹ và thành thạo công việc.
Em Phan Thị Hà (xã Nam Phúc, huyện Nam Đàn Nghệ An) cho biết khi muốn thay đổi nguyện vọng tại Đại học Kinh tế quốc dân vì lo lắng điểm không đủ đỗ, em đã đến Sở Giáo dục và Đào tạo nhưng Sở báo đã phân về các trường phổ thông ở huyện. Khi về trường thì lại được thông báo phần mềm không cho phép thay đổi nguyện vọng trong cùng một trường mà chỉ nhận đăng ký rút, nộp hồ sơ. Vì thế em phải đi lại hàng chục cây số mà không thực hiện được việc thay đổi nguyện vọng của mình, rất mất thời gian, công sức.
Phó giáo sư, tiến sỹ Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cũng cho biết năm nay thay vì mỗi hồ sơ đăng ký xét tuyển chỉ được chọn 1 ngành, Bộ lại cho phép mỗi thí sinh được chọn tối đa 4 ngành.
Việc này sẽ suôn sẻ nếu khả năng lọc ảo của phần mềm hoạt động tốt nhưng việc cho phép thí sinh được chọn 4 ngành đã gây tác hại ngay từ khi nộp hồ sơ chứ không chỉ tạo nên thí sinh trúng tuyển ảo khi hết hạn nộp hồ sơ và tiến hành xét tuyển.
Với quy định nêu trên, các thí sinh điểm cao xuất hiện trong danh sách cả 4 ngành khiến các thí sinh có điểm từ trung bình đến thấp hoang mang, vì số thứ tự của họ xuống xa hơn chỉ tiêu.
Càng ngày, số lượng thí sinh điểm cao nộp đơn càng nhiều hơn nên càng thí sinh điểm tầm tầm càng lo lắng hơn. Nhiều trường đại học chưa lường hết tác động này nên chưa chuẩn bị phương tiện công nghệ thông tin hỗ trợ.
Đối với Trường Đại học Cần Thơ, chỉ vài ngày đầu nhận hồ sơ, trường đã nhận thấy tác hại của thí sinh ảo nên đã nhanh chóng xây dựng xong phần mềm lọc thí sinh ảo. Trong mấy ngày qua, sự lọc ảo này đã phát huy tác dụng.
Theo tiến sỹ Nguyễn Hữu Thắng, Phó Trưởng phòng đào tạo, Đại học Bách khoa Hà Nội, nhà trường đã chuẩn bị sẵn hai phần mềm tự viết là phần mềm cho phép thí sinh tự thay đổi nguyện vọng trong trường và phần mềm để sắp xếp phổ điểm. Phần mềm sắp xếp phổ điểm giúp thí sinh nhìn rõ được điểm mình nằm ở vị trí nào so với chỉ tiêu trường tuyển.
Hai phần mềm này giúp giảm tải rất nhiều và thực tế, số lượng hồ sơ nộp vào đại học Bách khoa không chênh nhiều so với chỉ tiêu, nghĩa là thí sinh đã có được cái nhìn khách quan, tổng thể nhất để lựa chọn ngành, trường phù hợp với điểm thi và nguyện vọng của mình.
Đơn giản hóa quy trình xét tuyển để hoàn thiện kỳ thi
Phó giáo sư, tiến sỹ Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho rằng việc cho phép thí sinh được chọn 4 ngành đã gây ra sự hiểu nhầm của thí sinh và phụ huynh làm cho họ không thể dựa vào số thứ tự của họ trong danh sách của ngành đăng ký.
Trong đó sự hiểu nhầm có tác dụng gây rắc rối lớn nhất là các nguyện vọng ưu tiên xét tuyển, khi xét tuyển 1 ngành thì nguyện vọng 1 được ưu tiên xét tuyển trước, nguyện vọng 2 được xét tuyển sau.
Thực chất nguyện vọng chỉ có tác dụng giúp trường đại học chọn lại một ngành trúng tuyển khi thí sinh có thể trúng tuyển nhiều ngành chứ ưu tiên của nguyện vọng không có tác dụng vào việc xét tuyển.
Do vậy, theo phó giáo sư Đỗ Văn Xê, Bộ nên hạn chế mỗi thí sinh chỉ được phép chọn 1 ngành cho mỗi đợt xét tuyển như đã làm trước đây, thì sẽ không gây hoang mang cho thí sinh cũng như khó khăn cho các trường.
Đồng quan điểm trên, Phó Trưởng phòng quản lý đào tạo (Đại học Ngoại thương Hà Nội) Lê Việt Anh đề xuất phương thức xét tuyển cần điều chỉnh, hiện nay việc cho phép thí sinh đăng ký 4 nguyện vọng ở đợt 1 nhằm tạo thuận lợi cho học sinh.
Song trên thực tế, việc này khiến thí sinh rất khó dự đoán và khó định hướng vị trí điểm của mình để nộp hồ sơ vào trường, hay chuyển nguyện vọng khác.
Thí sinh phải theo dõi thường xuyên thông tin trên Internet, nếu không theo dõi và nộp hồ sơ kịp thời thì rất dễ trượt. Vì vậy, Bộ chỉ nên cho phép thí sinh chọn 1 nguyện vọng trong đợt 1, sau đó chuyển sang đợt 2.
Về phía nhà trường, theo ông Lê Việt Anh, việc xét tuyển này làm cho các trường bị động trong việc định hướng, tư vấn cho thí sinh cũng như xây dựng phương án xét tuyển. Cụ thể việc xác định điểm chuẩn giữa các khối thi, trường hoàn toàn bị động.
Mọi năm, trường Đại học Ngoại thương xét tuyển theo khối, mỗi khối chỉ cần cắt một mức điểm, các thí sinh có mức điểm đó trở lên là vào trường. Nhưng năm nay trường rất khó xác định điểm của từng khối do số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng vào các khối và từng khoa biến động liên tục.
Thời gian nộp hồ sơ xét tuyển cũng được nhiều trường đại học cũng như phụ huynh, học sinh đánh giá là khá dài.
Theo giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Quang Dong - Trưởng phòng đào tạo, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thời gian nộp hồ sơ nguyện vọng đầu tiên lên tới 20 ngày là quá dài.
Hiện tâm lý phụ huynh và học sinh hay chờ ngày cuối mới nộp, nhưng các trường vẫn phải bố trí lực lượng tiếp đón trong suốt 20 ngày.
Riêng trường Kinh tế Quốc dân bố trí 30 người để đảm bảo thí sinh không phải chờ đợi, tiết kiệm thời gian thực hiện rút nộp hồ sơ cho các em.
Ban ngày tiếp đón thí sinh, buổi tối các cán bộ của trường lại phải cập nhật dữ liệu liên tục để thông báo lên trang thông tin điện tử của trường nên cũng khá vất vả./.