Ngày 20/8 là ngày cuối cùng các các trường nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 của thí sinh vào đại học, cao đẳng năm 2015.
Tại Đại học Huế, thí sinh từ các tỉnh, thành phố khác đến rút, nộp hồ sơ, thay đổi nguyện vọng rất đông. Trường đã tập trung nhân lực cố gắng giải quyết nguyện vọng của thí sinh nhanh nhất trong ngày 20/8.
Lo lắng, do dự là tâm lý chung không chỉ của thí sinh mà còn của cả phụ huynh khi đến Đại học Huế, nhất là khi thời gian kết thúc xét tuyển nguyện vọng 1 đã cận kề.
Ông Vũ Đức Toàn, phụ huynh của một thí sinh cho biết, qua kiểm tra vẫn chưa thấy tên của cháu cập nhật trên mạng. Bộ phận tiếp nhận hồ sơ của trường trả lời rằng 15 giờ chiều mới cập nhật tên của thí sinh. Điểm của thí sinh mấp mé giữa đỗ và trượt, điểm xét tuyển thay đổi liên tục, gia đình phải đợi đến lúc có tên trong danh sách trúng tuyển mới dám về.
Ngày 20/8, vẫn còn nhiều thí sinh đến Đại học Huế nộp hồ sơ xét tuyển lần đầu sau khi đã tính toán kỹ lưỡng. Thí sinh Phan Thanh Bình, thành phố Huế cho biết, hôm nay em mới nộp hồ sơ xét tuyển lần đầu. Thí sinh này đã dò trước bảng xếp hạng thí sinh ở trường muốn đăng ký xét tuyển để có lựa chọn phù hợp nhất.
Đến chiều 20/8, Đại học Huế đã nhận được khoảng 14.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh. Những ngày gần đây, mỗi ngày thí sinh rút khoảng 1.000 hồ sơ ra khỏi các trường có điểm tốp trên để nộp vào trường lấy điểm thấp hơn. Năm nay, Đại học Huế có 12.000 chỉ tiêu đại học, 400 chỉ tiêu cao đẳng nên khối lượng công việc liên quan đến xét tuyển rất lớn.
Nhiều thí sinh đến rút hồ sơ nhưng Đại học Huế giải quyết chậm là do có khoảng 6.000 hồ sơ nộp qua đường bưu điện chưa kịp cập nhật số liệu vào máy tính nên tìm lâu hơn.
Bên cạnh đó, Đại học Huế cũng nhận được 300 hồ sơ không hợp lệ. Đại học Huế đã đăng thông báo lên trang thông tin điện tử của trường, đồng thời cử cán bộ trực tiếp điện thoại cho thí sinh để kịp thời điều chỉnh sai lệnh trong hồ sơ và đã cơ bản giải quyết được vấn đề này.
Trước các ý kiến thắc mắc vì sao không để các trường thành viên của Đại học Huế trực tiếp nhận hồ sơ xét tuyển nhằm giảm tải và giải quyết nhanh các thủ tục, ông Hoàng Hữu Hòa, Trưởng Ban khảo thí Đại học Huế cho biết: Đại học Huế là đại học vùng, đơn vị tổ chức tuyển sinh chung như mọi năm, nên chưa lường hết được khối lượng công việc sẽ quá tải như hiện nay. Thêm vào đó, một số trường thành viên chưa kịp chuẩn bị cơ sở vật chất.
Được đánh giá là trường thuộc nhóm đầu, năm nay, điểm chuẩn xét tuyển của Trường Đại học Y Dược Thái Bình có chênh lệch so với các năm trước đây. Trong 6 khoa của Trường, điểm xét tuyển cao nhất thuộc về khoa Y Đa Khoa-dự kiến khoảng 26 điểm trở lên.
Trong nhiều ngày qua, lượng học sinh và người nhà học sinh trong và ngoài tỉnh vẫn đổ về khuôn viên trường tại Trường Đại học Y Dược Thái Bình để nộp hồ sơ. Tâm trạng lo lắng, mệt mỏi khi chờ đợi của học sinh và phụ huynh là điều dễ dàng bắt gặp tại đây.
Sẻ chia vất vả, giảm bớt căng thẳng, mệt mỏi, lo âu đối với học sinh và phụ huynh, trong những ngày qua, lãnh đạo Trường Đại học Y Dược Thái Bình đã thường xuyên có mặt tại bộ phận thu nhận hồ động viên thí sinh; đảm bảo thu nhận hồ sơ xét tuyển nhanh chóng.
Thầy giáo Lương Xuân Hiến, Hiệu trường Trường Đại học Y Dược Thái Bình, tỉnh Thái Bình cho biết: Nhà trường đã phân công trách nhiệm cụ thể và cử những người có tinh thần trách nhiệm, có chuyên môn phục vụ công tác tiếp nhận, rút hồ sơ. Việc này đã tạo điều kiện thuận lợi, chính xác cho các thí sinh đến làm thủ tục xét tuyển, rút hồ sơ nhanh nhanh gọn, rõ ràng.
Đến tối 18/8, Trường dự kiến điểm chuẩn của ngành Đa khoa là 25,5 điểm, trong 5 khoa còn lại thấp nhất là 21,5 điểm. Tuy nhiên, ngày 19/8, thí sinh đến nộp hồ sơ đông, dự kiến điểm tuyển sinh ngành Đa khoa lại tăng lên 26 điểm. Việc chốt điểm chuẩn của ngành này còn phụ thuộc vào lượng hồ sơ thí xin nộp xét tuyển trong ngày ngày 20/8.
Năm nay, ngành Đa khoa của Trường Đại học Y Dược Thái Bình có 580 chỉ tiêu (chưa kể gần 100 chỉ tiêu khác nằm trong diện dự bị, thí sinh theo Đề án 30a); ngành Điều Dưỡng có 120 chỉ tiêu; bốn ngành còn lại là Y học Dự phòng, Y học Cổ truyền, Y tế cộng đồng và Dược học mỗi ngành có 60 chỉ tiêu.
Trái ngược với không khí đông đúc, tấp nập ở các địa phương khác, tại Cà Mau có 13 điểm tiếp nhận hồ sơ cho thí sinh ngay tại Sở và các trường trung học phổ thông nhưng không nhiêu thí sinh đến nộp - rút hồ sơ. Đến ngày 20/8, tức là sau 4 ngày triển khai thực hiện, Cà Mau mới chỉ tiếp nhận được 60 hồ sơ đăng ký xét tuyển và thay đổi nguyện vọng.
Ông Trương Tấn Lời, Trưởng phòng Khảo thí - Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau cho biết: Chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo phù hợp với địa bàn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn như Cà Mau; giúp thí sinh thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển một cách dễ dàng, tiết kiệm được thời gian và chi phí. Sở đã ngay lập tức triển khai thực hiện nhưng có thể vì chỉ đạo quá gấp rút, nên thí sinh vẫn thực hiện nộp hồ sơ theo quy trình cũ là trực tiếp nộp tại các trường đại học, cao đẳng.
Ông Trương Tấn Lời cũng đánh giá: Việc sử dụng phần mềm quản lý thông tin xét tuyển đã thực sự giảm tải được rất nhiều các phiền hà về mặt giấy tờ. Bên cạnh đó, thông tin của các thí sinh được cập nhật nhanh chóng, chính xác. Bộ Giáo dục và Đào tạo nên triển khai ngay từ đầu việc nộp - rút hồ sơ đăng ký xét tuyển tại các Sở Giáo dục và Đào tạo và các trường trung học phổ thông. Đồng thời, số lần thay đổi nguyện vọng xét tuyển nguyện vọng 1 đối với một thí sinh chỉ nên 1 lần.
Hiện nay, nhiều trường hợp đã nộp hồ sơ thay đổi xét tuyển tại một điểm ở cơ sở rồi nhưng khi nhận thấy không có cơ hội trúng tuyển vào trường mà mình mong muốn liền liên tiếp nộp – rút hồ sơ đến 2,3 lần. Việc này cũng gây khó khăn cho việc quản lý cũng như tính công bằng giữa các thí sinh./.