Hải cảng lớn ở Mỹ mở cửa lại sau "Chiếm Phố Wall"

Ngày 3/11, một ngày sau khi phải tạm đóng cửa do phong trào biểu tình "Chiếm phố Wall," cảng Oakland ở California, đã mở cửa trở lại.
Ngày 3/11, một ngày sau khi phải tạm thời đóng cửa do những diễn biến phức tạp của phong trào biểu tình "Chiếm phố Wall," cảng Oakland ở bang California, Mỹ - một trong những hải cảng nhộn nhịp nhất nước này, đã mở cửa trở lại.

["Chiếm Phố Wall" từ đường phố lan sang bến cảng]

Giới chức cảng Oakland cho biết các hoạt động bốc dỡ hàng hóa tại đây đã được nối lại và toàn bộ công nhân, nhân viên của cảng đã quay trở lại làm việc. Cơ quan chức năng không ghi nhận bất kỳ trường hợp thương vong hay thiệt hại nào và các cuộc biểu tình diễn ra trật tự.

Cảng Oakland là hải cảng lớn thứ 5 của Mỹ và chủ yếu xuất hàng hóa sang các thị trường châu Á, bao gồm rượu vang, gạo, trái cây và các loại hạt, trong khi nhập về các thiết bị điện tử, máy móc và thiết bị sản xuất như ôtô và các linh kiện của các hãng Toyota, Honda, Nissan và Hyundai.

Trước đó, ngày 2/11, hàng nghìn người biểu tình đã đổ về cảng này, kêu gọi người dân địa phương đình công và bãi khóa.

Cảnh sát ước tính khoảng 7.000 người đã tụ tập tại cảng Oakland. Nhiều người biểu tình đã tuần hành từ khu trung tâm thương mại của thành phố, trong khi những người khác đi xe buýt đến cảng. Cảng Oakland sau đó đã phải tạm ngừng các hoạt động và cho các nhân viên về nhà để "bảo đảm an toàn" và giúp cho việc lưu thông trong khu vực được thông thoáng.

Trong một diễn biến khác, cùng ngày, tại thủ đô Washington, khoảng 20 người biểu tình đã đột nhập vào văn phòng của Thượng nghị sỹ Cộng hòa Mitch McConnell - lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mỹ, đòi được gặp ông này để bàn về các vấn đề việc làm.

Những người biểu tình, phần lớn là những người thất nghiệp thuộc OurDC - tổ chức kêu gọi giải quyết các vấn đề việc làm, cũng đề cập đến dự luật tạo việc làm trị giá 60 tỷ USD của Tổng thống Barack Obama. Các nhân viên tại văn phòng đã đề nghị thay mặt nghị sỹ McConnell nói chuyện với OurDC, song tổ chức này đã từ chối.

Trong khi đó, tại New York, những người tham gia phong trào "Chiếm Phố Wall" đã chuyển trọng tâm từ các cuộc tuần hành trên đường phố sang tụ tập tại tòa án bang New York. Những người này đã yêu cầu hội đồng xét xử xóa tên những người biểu tình quá khích từng bị lực lượng an ninh bắt giữ trong sáu tuần biểu tình qua.

Phong trào "Chiếm Phố Wall" vẫn đang lan rộng không chỉ về số lượng, quy mô mà đã bắt đầu chuyển sang hình thức đấu tranh mới, vượt ra ngoài khuôn khổ các cuộc tuần hành hay dựng trại phản đối giới chủ trong ngành tài chính Mỹ.

Khởi nguồn ngày 17/9 vừa qua từ thành phố New York, đến nay phong trào đã lan rộng sang nhiều thành phố khác như Boston, Chicago hay Salt Lake City, Washington và khắp các châu lục trên thế giới.

Từ những nhóm biểu tình ít người, phong trào sau đó đã phát triển mạnh với sự ủng hộ của các tổ chức công đoàn và chính trị. Phong trào kêu gọi chính quyền liên bang có những giải pháp chính trị và biện pháp cải cách nhằm giải quyết tình trạng bất bình đẳng xã hội, tỷ lệ thất nghiệp cao hơn 9%, kinh tế phục hồi yếu và nhiều vấn đề khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục