Hai "đại gia" ngân hàng Barclays, Deutsche Bank bị tố trốn thuế

Báo cáo điều tra mới nhất của của cơ quan chức năng Mỹ cho thấy hai "đại gia" ngân hàng Barclays và Deutsche Bank đã có hành vi trốn thuế.
Hai "đại gia" ngân hàng Barclays, Deutsche Bank bị tố trốn thuế ảnh 1Barclays và Deutsche Bank bị cáo buộc giúp các quỹ đầu tư trốn thuế. (Nguồn: Reuters)

Trong suốt 15 năm hoạt động tại Mỹ, hai trong số những ngân hàng lớn nhất châu Âu, Barclays và Deutsche Bank đã lợi dụng các công cụ tài chính phức tạp để trốn thuế, gây thiệt hại hàng tỷ USD cho Chính phủ cũng như đe dọa sự ổn định của hệ thống tài chính.

Báo cáo về cuộc điều tra của Ủy ban An ninh nội địa và các vấn đề chính phủ thuộc Thượng viện Mỹ công bố ngày 22/7 cho biết hai ngân hàng Barclays của Anh và Deutsche Bank của Đức đã phát triển hai loại "quyền chọn rổ" (một dạng công cụ chứng khoán phái sinh) để giúp các quỹ đầu tư thanh khoản linh hoạt (hedge fund - còn gọi là quỹ phòng hộ) trốn thuế Mỹ.

Cụ thể, trong khoảng thời gian từ 1998-2013, Barclays và Deutsche Bank đã bán 199 hợp đồng "quyền chọn rổ" cho khoảng 12 quỹ phòng hộ. Các quỹ phòng hộ sao đó mở các tài khoản giao dịch dưới tên hai ngân hàng và tiến hành các giao dịch thương mại trị giá hơn 100 tỷ USD.

Trên danh nghĩa, các tài khoản trên thuộc quyền sở hữu của hai ngân hàng hàng đầu châu Âu. Tuy nhiên, các quỹ phòng hộ mới là đơn vị nắm quyền kiểm soát các tài sản, trực tiếp tiến hành các giao dịch và thu lợi nhuận.

Quyền chọn trên cho phép các quỹ phòng hộ "biến" lợi nhuận vốn ngắn hạn thành lợi nhuận dài hạn và thực hiện các hoạt động tài chính ở cấp độ mà bình thường không được cho phép đối với một tài khoản môi giới. Trong khi đó, Barclays và Deutsche Bank hưởng lợi từ các hoạt động tài chính, giao dịch do các quỹ phòng hộ thực hiện đồng thời tránh được các khoản phí.

Người đứng đầu tiểu ban điều tra Carl Levin cho biết hoạt động trên của hai ngân hàng châu Âu cùng các quỹ phòng hộ đã gây tổn thất hàng tỷ USD cho Bộ Tài chính Mỹ đồng thời đe dọa đến sự ổn định của hệ thống tài chính.

Trong một tuyên bố gửi tới AFP, Deutsche Bank khẳng định các quyền chọn đề cập trong báo cáo của ủy ban Thượng viện Mỹ "hoàn toàn phù hợp với các luật pháp, quy định và hướng dẫn" và ngân hàng của Đức cũng đã ngừng chào bán các hợp đồng quyền chọn này từ năm 2010.

Trong khi đó, phiên bản điện tử của Nhật báo Phố Wall ngày 22/7 cũng đưa tin Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã phát hiện một số vấn đề trong hoạt động của chi nhánh Deutsche Bank tại Mỹ.

Tờ báo trích đăng một bức thư của Fed gửi tới Ban quản trị Deutsche Bank hồi tháng 12 năm ngoái cảnh báo rằng các báo cáo tài chính của ngân hàng "thiếu chính xác và không đáng tin cậy." Hiện đại diện Deutsche Bank tại Mỹ chưa đưa ra bình luận về thông tin này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục