Nhằm ngăn chặn hành vi gian lận thuế của các công dân có tài khoản ở nước ngoài, Mỹ và Trung Quốc đã đạt thỏa thuận liên chính phủ về chia sẻ thông tin về thuế trong khuôn khổ thực thi Đạo luật tuân thủ nghĩa vụ thuế đối với các chủ tài khoản nước ngoài (FATCA) của Washington đưa ra năm 2010.
Dự kiến luật này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7 tới.
Bộ Tài chính Mỹ ngày 26/6 cho biết đây là một bước đi quan trọng đối với các nỗ lực của Washington trong cuộc chiến chống nạn trốn thuế.
Tương tự như các thỏa thuận trước đó với nhiều nước khác, thỏa thuận về thuế trên giữa Mỹ và Trung Quốc yêu cầu các ngân hàng, quỹ đầu tư của Trung Quốc phải cung cấp thông tin về các cá nhân là công dân Mỹ có tài khoản hoặc khoản đóng góp từ 50.000 USD trở lên cho cơ quan thuế vụ nước sở tại và Sở Thuế vụ Mỹ (IRS).
Chính quyền Washington ban hành FATCA vào tháng 3/2010 nhằm ngăn ngừa và phát hiện những công dân Mỹ trốn thuế trên phạm vi toàn thế giới.
Thông qua FATCA, Mỹ hy vọng ngăn chặn việc các công dân của mình lợi dụng các tổ chức tài chính nước ngoài (FFIs) để trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế đối với các tài sản và thu nhập của họ ở nước ngoài.
Theo các điều khoản của đạo luật trên, các FFIs sẽ phải rà soát các chủ tài khoản và các nhà đầu tư của mình để xác định xem tài khoản tối thiểu 50.000 USD của họ có phải là "tài khoản Mỹ" không.
Các FFIs này sẽ phải có trách nhiệm báo cáo với IRS theo một thỏa thuận giữa Chính phủ Mỹ với chính quyền sở tại.
Trong trường hợp không tuân thủ quy định của FATCA, các tổ chức tài chính trên sẽ bị áp thuế khấu trừ 30% đối với tất cả các khoản thu nhập trực tiếp hoặc gián tiếp từ Mỹ, thậm chí bị cấm tham gia vào thị trường vốn tại nền kinh tế số một thế giới này.
Hiện Chính phủ Mỹ đã ký thỏa thuận thực thi FATCA với một loạt quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều nước lớn như Pháp, Anh, Italy, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Đức, Ireland, Nhật Bản, Mexico, Na Uy, Thụy Sĩ, hay các "thiên đường thuế" như Jersey, Guernsey và đảo Man (Isle of Man) của Vương quốc Anh.
Mỹ đang nỗ lực đàm phán để ký tiếp thỏa thuận với hơn 50 quốc gia khác trên thế giới./.
(TTXVN/Vietnam+)