Hai mặt của quy mô Tổng sản phẩm quốc nội Trung Quốc

Trung Quốc không phải là một “gã khổng lồ” về kinh tế và đằng sau quy mô GDP lớn thứ hai thế giới là hàng trăm triệu người dân đang chật vật tìm cách thoát khỏi đói nghèo.
Hai mặt của quy mô Tổng sản phẩm quốc nội Trung Quốc ảnh 1Nhân viên sắp xếp thực phẩm trong siêu thị tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 17/6/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo báo Liên hợp Buổi sáng (HongKong, Trung Quốc), các báo cáo kinh tế về Trung Quốc tập trung quá nhiều vào quy mô Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), nhưng trên thực tế GDP bình quân đầu người mới là chỉ tiêu có thể “lột tả” sự thật.

Theo báo trên, những báo cáo phiến diện trên có ảnh hưởng sâu rộng, do tình hình kinh tế và chính trị ngày nay của Trung Quốc được miêu tả bằng hai chỉ tiêu khác nhau, nên cũng sẽ thu hút sự tập trung chú ý của mọi người vào những vấn đề khác nhau.

Trong hệ thống cơ sở dữ liệu đa ngành ProQuest giai đoạn 2011-2021, có thể tìm thấy 20.915 bài viết về GDP Trung Quốc, trong khi chỉ có 1.163 bài đề cập đến GDP bình quân đầu người.

Trong số 8 tờ báo lớn nhất và danh tiếng nhất như The New York Times, The Wall Street Journal và The Washington Post, tỷ lệ khác biệt này thậm chí còn lớn hơn, cụ thể là có tới 5.963 bài đề cập đến GDP Trung Quốc, nhưng chỉ có 305 bài bàn về chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người.

Năm 2019, GDP của Trung Quốc (tính theo tỷ giá thị trường) đạt 14.000 tỷ USD, giúp Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và chỉ đứng sau Mỹ (21.000 tỷ USD), và cao hơn nhiều so với nền kinh tế lớn thứ ba là Nhật Bản (5.000 tỷ USD).

Nhìn chung, GDP đã phản ánh tổng nguồn lực mà một chính phủ có thể huy động, bao gồm cả nền tảng thuế. Điều này rất hữu ích đối với việc cân nhắc quy mô đầu tư công của Trung Quốc, chẳng hạn như các chương trình không gian vũ trụ hoặc năng lực quân sự, song lại không mấy liên quan đến thực tế cuộc sống hàng ngày của người dân.

Do đó, phần lớn các nhà kinh tế quan tâm hơn đến GDP bình quân đầu người hoặc thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc, chứ không phải là con số tổng thể. Từ đó, nhiều ý kiến cho rằng dù GDP đạt tốc độ tăng trưởng kinh ngạc trong 40 năm qua, song Trung Quốc vẫn là một nước nghèo.

[Nợ của người dân Trung Quốc tăng lên mức đáng báo động]

GDP thu nhập bình quân của Trung Quốc năm 2019 là 8.242 USD, nằm giữa Montenegro (8.591 USD) và Botswana (8.093 USD). Nếu tính theo sức mua tương đương, thì GDP bình quân đầu người của Trung Quốc là 16.804 USD, thấp hơn mức trung bình của toàn cầu là 16.289 USD.

Trong khi đó, GDP bình quân đầu người tính theo sức mua tương đương của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) lần lượt là 65.298 USD và 47.828 USD.

Để hiểu rõ hơn tình hình nghèo đói của Trung Quốc, người ta cần nhìn vào mức độ bất bình đẳng trong dân số khổng lồ của nước này.

Hiện nay, mức độ bất bình đẳng thu nhập của Trung Quốc (tính theo hệ số Gini) tương đương với Mỹ và Ấn Độ. Với quy mô dân số 1,4 tỷ người, tình trạng bất bình đẳng này đồng nghĩa với hàng trăm triệu người dân Trung Quốc đang sống trong hoàn cảnh nghèo khó.

Chính phủ Trung Quốc cho biết có 600 triệu dân thu nhập bình quân hàng tháng ở mức 1.000 NDT (khoảng 155 USD), tương đương với mức 1.860 USD thu nhập bình quân hàng năm. Trong số những người này, có 75,6% sống ở khu vực nông thôn.

Để thoát khỏi hàng ngũ các nước nghèo nhất thế giới, Trung Quốc cần phải nâng cao thu nhập của người dân và chính phủ Trung Quốc hiểu rằng đây cũng là cách để đảm bảo tính chính đáng và uy tín của chế độ. Tuy nhiên, các nhân tố khác trong chính trị hiếm khi bình đẳng, chính phủ cũng có thể thông qua một số biện pháp không liên quan đến việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để tăng cường sự ủng hộ của người dân.

Ví dụ, Chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh vai trò của mình trong việc bảo vệ người dân trước các lực lượng bên ngoài hoặc phi con người như động đất hoặc dịch bệnh COVID-19.

Một cách khác là thể hiện lập trường cứng rắn trong các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và biên giới với Ấn Độ.

Đối với những động thái này của Trung Quốc, các nước phương Tây cũng đã đưa ra phản ứng dưới các hình thức khác nhau. Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự của mình ở Biển Đông, trong khi Trung Quốc đối diện với các lệnh trừng phạt kinh tế và nguy cơ Thế vận hội mùa Đông 2022 bị tẩy chay do vấn đề nhân quyền.

Kinh nghiệm cho thấy trừng phạt, tẩy chay và sức sức ép quân sự đều không thể đem lại kết quả như kỳ vọng. Lấy ví dụ, từ năm 2014 đến nay, Nga liên tục bị phương Tây trừng phạt kinh tế (chính quyền Joe Biden gần đây lại tuyên bố tăng cường các biện pháp trừng phạt), nhưng Điện Kremlin luôn kiên trì chính sách sáp nhập vùng Donbass ở miền Đông Ukraine.

Tương tự, việc tẩy chay Thế vận hội Moskva năm 1980 và Thế vận hội Los Angeles năm 1984 đều không đem lại hiệu quả đáng kể trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Ngược lại, xâm lược quân sự thường kích hoạt phản ứng chính trị ở quốc gia mục tiêu, đồng thời gia tăng sự ủng hộ của người dân đối với chính phủ sở tại. Trừng phạt kinh tế cũng sẽ gây nên hiệu quả tương tự, và thậm chí là càng củng cố dư luận ủng hộ chính sách cứng rắn hơn.

Đây là hiệu ứng rất dễ thấy tại Trung Quốc. Nhiều người dân Trung Quốc cho rằng, phương Tây đang tìm cách xác lập lại địa vị bá quyền chính trị, đồng thời khơi lại hồi ức đau thương về chủ nghĩa thực dân và Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Trung Quốc đã mất 20 triệu người trong chiến tranh, chỉ sau Liên Xô. Những phản ứng mang tính cảm xúc này trên thực tế góp phần giúp Bắc Kinh phân tán sự chú ý đối với các vấn đề quan trọng ở trong nước, đặc biệt là nhu cầu cải thiện thu nhập.

Phần lớn người nghèo Trung Quốc có thể không quá quan tâm đến tranh chấp biên giới hoặc các sự kiện thể thao quốc tế, nhưng họ lại là “nạn nhân” chính gánh chịu nhiều thiệt hại.

Để giao thiệp có hiệu quả với Trung Quốc, các quốc gia khác cần phải nhớ rằng Trung Quốc không phải là một “gã khổng lồ” về kinh tế và đằng sau quy mô GDP lớn thứ hai thế giới là hàng trăm triệu người dân đang chật vật tìm cách thoát khỏi đói nghèo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục