Ngày 10/1, Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng tổ chức kỷ niệm 435 năm ngày mất Danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tại Khu di tích Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo.
Đây là một trong những hoạt động của lễ hội đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm diễn ra trong ba ngày 9,10 và 11/1/2021.
Ngoài các nghi lễ truyền thống, tại lễ hội còn có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao mang đậm dấu ấn vùng miền như: giải vật truyền thống, giải đua thuyền truyền thống, giải pháo đất.
Lễ hội là dịp tuyên truyền, giới thiệu về thân thế, sự nghiệp, công lao của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giá trị của khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm, qua đó giáo dục tình yêu quê hương đất nước, giáo dục truyền thống văn hóa, tinh thần hiếu học cho các thế hệ học sinh, sinh viên và nhân dân, tỏ lòng tri ân của nhân dân với Trạng Trình.
Trước đó, tại Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành cùng lãnh đạo thành phố Hải Phòng thành kính dâng hương tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước những công lao, đóng góp to lớn đối với quê hương, đất nước của Danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm - “cây đại thụ” bao trùm thế kỷ 16.
[Lễ hội đền thờ Trạng Trình là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia]
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm Tân Hợi (1491), năm Hồng Đức thứ 21 đời vua Lê Thánh Tông tại làng Trung Am (huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương), nay là thôn Trung Am (xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng).
Ông tên húy là Văn Đạt, tự là Hanh Phủ, hiệu là Bạch Vân am cư sĩ, được các môn sinh tôn là Tuyết Giang phu tử, là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất của lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 16.
Khi đỗ Trạng Nguyên khoa thi Ất Mùi 1535 và làm quan dưới triều Mạc, ông được phong tước “Trình Tuyền hầu” rồi thăng tới “Trình Quốc công” mà dân gian quen gọi ông là Trạng Trình.
Vào tháng 8 năm Nhâm Dần 1542, sau khi dâng sớ chém 18 lộng thần không được vua Mạc chấp thuận, ông treo ấn từ quan về quê mở trường dạy học.
Về quê, ông dựng quán Trung Tân, lập Am Bạch Vân làm trường dạy học, lấy biệt hiệu Bạch Am cư sỹ, sáng tác thơ (đặc biệt là tập thơ Nôm “Bạch Vân thi tập"), tập hợp các thi gia sáng tác, xướng họa.
Am Bạch Vân đã trở thành trung tâm đào tạo nhân tài của đất nước lúc đó với những tên tuổi còn mãi lưu sử sách như Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Quyện, Đinh Thời Trung, Lương Hữu Khánh.
Di tích lịch sử đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 2367/QĐ-TTg ngày 23/12/2015).
Năm 2019, Lễ hội Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm vừa là nơi để tri ân những đóng góp của một danh nhân lịch sử, vừa là địa điểm diễn ra các hoạt động sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân thành phố Hải Phòng và du khách thập phương.
Thành phố Hải Phòng đã chọn di tích lịch sử Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm để tổ chức lễ tôn vinh học sinh, sinh viên xuất sắc của thành phố hằng năm./.