Lễ kỷ niệm 434 năm ngày mất của Danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) và đón Bằng dDi sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia Lễ hội đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã diễn ra tối 23/12 tại Quảng trường tượng đài Nguyễn Bỉnh Khiêm, ở xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Bảo Nguyễn Trọng Nhưỡng cho biết chuỗi hoạt động kỷ niệm ngày mất của danh nhân và Lễ đón Bằng Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia Lễ hội Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nhằm tiếp tục tuyên truyền, giới thiệu về thân thế, sự nghiệp, công lao của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giá trị của lễ hội, giá trị của di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Sự kiện này là dịp để tiếp tục thu hút du khách trong nước và quốc tế về tham quan di tích, góp phần vào sự phát triển du lịch, dịch vụ, kinh tế của thành phố Hải Phòng và huyện Vĩnh Bảo.
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm Tân Hợi (1491), năm Hồng Đức thứ 21 đời vua Lê Thánh Tông tại làng Trung Am (huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương), nay là thôn Trung Am (xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng).
[Bảo tồn, phát triển Nghệ thuật Xòe Thái - loại hình múa đặc sắc]
Trạng Trình xuất thân trong gia đình có truyền thống khoa bảng. Phụ thân của ông được phong tước Thái Bảo nghiêm quận công, mỹ tự Văn Định, đạo hiệu Cù Xuyên tiên sinh. Thân mẫu Trạng là Nhữ Thị Thục, con quan Thượng thư Bộ Hộ Nhữ Văn Lan ở làng An Tử (huyện Tiên Lãng).
Khi còn nhỏ, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nổi tiếng là thần đồng với trí thông minh nổi bật.
Dưới thời nhà Mạc, trong hai kỳ thi vào năm 1529-1532, Nguyễn Bỉnh Khiêm không ra ứng thi.
Năm 1535, Trạng đổi tên từ Nguyễn Văn Đạt thành Nguyễn Bỉnh Khiêm dự thi Hội ở Văn Miếu Mao Điền (trấn lỵ Hải Dương) và đỗ đầu (Hội nguyên).
Tiếp đó, vào thi Đình, ông lại đỗ đầu ba giáp tiến sỹ, đạt danh hiệu tiến sỹ cập đệ nhất danh (Trạng nguyên). Với thành tích thi cử này, ông được vua Mạc bổ nhiệm chức Đông các hiệu thu, Tả thị lang bộ Hình, rồi Đông các Đại học sỹ, Tả thị lang bộ lại...
Vào tháng 8 năm Nhâm Dần 1542, sau khi dâng sớ chém 18 lộng thần không được vua Mạc chấp thuận, ông treo ấn từ quan về quê mở trường dạy học.
Về quê, ông dựng quán Trung Tân, lập Am Bạch Vân làm trường dạy học, lấy biệt hiệu Bạch Am cư sỹ, sáng tác thơ (đặc biệt là tập thơ Nôm "Bạch Vân thi tập"), tập hợp các thi gia sáng tác, xướng họa.
Từ trải nghiệm cuộc đời, thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm ẩn chứa ba cuộc đối thoại: đối thoại với cuộc đời xã hội, với thiên nhiên và với chính bản thân mình.
Am Bạch Vân đã trở thành trung tâm đào tạo nhân tài của đất nước lúc đó với những tên tuổi còn mãi lưu sử sách như Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Quyện, Đinh Thời Trung, Lương Hữu Khánh…
Sau khi Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm qua đời, năm 1586, vua Mạc ban cấp cho làng Trung Am ba ngàn quan tiền để lập đền thờ, gắn biển chính đề chữ của nhà vua: Mạc Triều Trạng Nguyên tể tướng từ (Đền thờ quan tể tướng, Trạng nguyên triều Mạc), ban cho địa phương một trăm mẫu ruộng thờ.
Với câu sấm của Trạng "Đầu thu gà gáy xôn xao/Trăng xưa sáng tỏ lối vào Thăng Long," nhiều người đã giải mã: trăng xưa - cổ nguyệt ghép thành chữ Hồ, sáng là chữ Minh, tỏ là chữ Chí. Như vậy ý hai câu thơ dự báo Cách mạng tháng Tám năm Ất Dậu 1945 thành công, Hồ Chí Minh vào Thăng Long-Hà Nội, đất nước được độc lập, tự do.
Di tích lịch sử đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 2367/QĐ-TTg ngày 23/12/2015).
Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm có sứ mệnh lịch sử đặc biệt, vừa là nơi để tri ân những đóng góp của một danh nhân trong lịch sử, vừa là địa điểm diễn ra các hoạt động sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân thành phố Cảng và du khách thập phương.
Thành phố Hải Phòng đã chọn di tích lịch sử đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm để tổ chức lễ tôn vinh học sinh, sinh viên xuất sắc của thành phố hằng năm.
Đặc biệt, tên của Danh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được lấy đặt cho nhiều con đường, trường học ở Việt Nam.
Tại Hải Phòng có một con phố mang tên Trạng Trình và con đường mang tên Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm thuộc phường Bến Nghé, quận 1, là một trong những con đường lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc bậc nhất của thành phố này.
Lễ hội đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm diễn ra trong ba ngày 22, 23 và 24/12/2019 (tức ngày 27, 28 và 29/11 năm Kỷ Hợi).
Ngoài các nghi lễ truyền thống, tại lễ hội còn có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao mang đậm dấu ấn vùng miền như: giải vật truyền thống, đu sòng, bắt chạch trong chum, kéo co.../.