Hải Phòng: Phòng tránh tội phạm lừa đảo trên không gian mạng

Theo khuyến cáo của Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng, người dân không thực hiện yêu cầu chuyển tiền thông qua tin nhắn của các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber...
Hải Phòng: Phòng tránh tội phạm lừa đảo trên không gian mạng ảnh 1(Ảnh minh họa: Minh Sơn/Vietnam+)

Ngày 31/3, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng Lê Văn Kiên cho biết thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Nhân dân thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổng hợp, xây dựng tài liệu "Thông tin tuyên truyền, hướng dẫn về phòng tránh tội phạm lừa đảo và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên không gian mạng."

Theo văn bản này, thời gian qua, tình hình các đối tượng xấu lợi dụng mạng Internet, mạng viễn thông để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có nhiều diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, gây thiệt hại về tài sản và bức xúc trong nhân dân. Hình thức chủ yếu là giả mạo các cơ quan chức năng thực hiện gọi điện, nhắn tin lừa đảo, lợi dụng sự mất cảnh giác của người dân để chiếm đoạt tiền, tài sản.

Để hạn chế tối đa, phòng tránh tội phạm lừa đảo và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên không gian mạng, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hải Phòng khuyến cáo các tổ chức, cá nhân chủ động nâng cao cảnh giác, tuyên truyền với người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, người xung quanh quan tâm, lưu ý: không nên kết bạn với người không quen biết, không nghe điện thoại khi thấy số điện thoại có đầu số lạ, nhất là các số máy có đầu số nước ngoài nếu nghe điện thoại của người lạ thì không nên làm theo hướng dẫn, cần kiểm chứng lại thông tin.

Các tổ chức, cá nhân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân như số chứng minh nhân dân, căn cước công dân, số tài khoản ngân hàng,… cho bất kỳ ai, khi chưa biết họ là ai và sử dụng vào mục đích gì; không chuyển tiền, nộp tiền vào bất kỳ tài khoản ngân hàng của cá nhân, tổ chức nào khi chưa biết rõ họ là ai.

[Cảnh giác khi nhận tin nhắn, cuộc gọi video vay, mượn tiền qua mạng]

Người dân không thực hiện yêu cầu chuyển tiền thông qua tin nhắn của các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber... kể cả là của người thân, bạn bè; cần gọi điện thoại xác nhận nếu người đó là người thân, bạn bè nhằm tránh trường hợp người thân, bạn bè bị hack tài khoản; không truy cập, đăng nhập vào các đường dẫn, website lạ do đối tượng gửi đến; cảnh giác khi giao tiếp trên môi trường mạng để bảo vệ tài sản của chính mình.

Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kịp thời thông báo cho cơ quan có thẩm quyền, cơ quan công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.

Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng hướng dẫn một số phương thức, biện pháp phòng tránh tội phạm lừa đảo và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên không gian mạng: Khi nhận được nhắn tin, cuộc gọi có dấu hiệu rác, làm phiền, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, đề nghị người dân thực hiện phản ánh tới đầu số 156 thông qua hai hình thức: Gửi Tin nhắn hoặc Gọi điện tới đầu số 156.

Tra cứu, xác thực thông tin về website (bằng cách nhắn tin miễn phí theo cú pháp: TCTM <tên miền hoặc link website> gửi 156; tra cứu trực tiếp tại Website https://tracuutenmien.gov.vn trước khi sử dụng dịch vụ, giao dịch trên Internet; tra cứu và chuẩn hóa thông tin thuê bao di động.

Về tra cứu và chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, các tổ chức, cá nhân chủ động tra cứu thông tin thuê bao di động đang sử dụng bằng cách nhắn tin miễn phí theo cú pháp: TTTB gửi 1414. Sau khi tin nhắn gửi thành công, nhà mạng sẽ tự động trả lời với chi tiết thông tin tài khoản đang sử dụng; kiểm tra thông tin thuê bao mà nhà mạng gửi lại, để xác định tình trạng chuẩn hóa thông tin thuê bao mình đang sử dụng.

Trong trường hợp nhận được yêu cầu cập nhật, chuẩn hóa thông tin hoặc yêu cầu thực hiện những thao tác khác có liên quan, cần xác thực tính chính thống của kênh thông tin đã gửi yêu cầu trước khi thực hiện theo các nội dung được yêu cầu.

Người dân và các tổ chức, cá nhân chỉ thực hiện các nội dung thông báo cập nhật, chuẩn hóa thông tin khi xác thực được kênh thông tin đó là kênh chính thức của các doanh nghiệp viễn thông; tuyệt đối không thực hiện theo các thông báo từ các kênh thông tin không có trong danh mục các kênh chính thức của các doanh nghiệp viễn thông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục