Hai tàu thăm dò của NASA đã đâm vào Mặt trăng

Địa điểm nơi các tàu thăm dò nhỏ đâm vào, sẽ được đặt tên là Sally Ride, theo tên nữ phi hành gia Mỹ đầu tiên bay vào vũ trụ.
Hai tàu thăm dò của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã đâm thẳng vào Mặt trăng trong ngày 17/12 sau nhiều tháng thu thập dữ liệu bằng cách bay trên quỹ đạo cách bề mặt chị Hằng vài cây số. Địa điểm nơi các tàu thăm dò nhỏ mang tên Ebb và Flow đâm vào, sẽ được đặt tên là Sally Ride, theo tên nữ phi hành gia Mỹ đầu tiên bay vào vũ trụ. Ride, người mới qua đời hồi đầu năm nay, đã lãnh đạo dự án MoonKam trong khuôn khổ sứ mạng GRAIL. Dự án nhằm giúp các sinh viên trên khắp thế giới có thể tham gia chọn các địa điểm trên Mặt trăng, những nơi sẽ được các camera thăm dò gắn trên 2 tàu thăm dò xem xét. "Sally luôn quan tâm tới việc hoàn thành công việc, cho dù đó là việc khám phá vũ trụ, truyền cảm hứng cho thế hệ kế tiếp hay giúp cho nhiệm vụ GRAIL trở nên thành công lớn như ngày hôm nay" - điều tra viên chính của GRAIL là Maria Zuber, một nhà nghiên cứu ở Viện công nghệ Massachusetts cho biết - "Khi chúng tôi kết thúc sứ mạng Mặt trăng, chúng tôi tự hào rằng mình có thể tôn vinh những sự đóng góp của Sally Ride bằng cách đặt tên một góc nhỏ này ở trên Mặt trăng theo tên bà." Ebb và Flow đã đâm vào bề mặt Mặt trăng như dự kiến vào lúc 22h28 phút và 22h29 phút GMT ngày 17/12 (tức sáng ngày 18/12 theo giờ Việt Nam) với tốc độ lên tới 3.760km/h (1,7 km/giây). Địa điểm va chạm Sally K. Ride nằm trên bề mặt phía Nam của một ngọn núi nằm gần một miệng núi lửa tên Goldschmidt. Hiện chưa có ảnh về vụ va chạm bởi khu vực va chạm đang chìm trong bóng tối vào thời điểm đó. Các tàu thăm dò đã được người ta cho phá hủy do cạn dần nhiên liệu và đã tụt xuống quá thấp trong quỹ đạo của Mặt trăng để có thể thực hiện thêm các nhiệm vụ khoa học. Trong quá trình hoạt động, 2 tàu thăm dò đã chụp hơn 115.000 bức ảnh bề mặt chị Hằng, tạo nên một bức ảnh với độ phân giải cao nhất mà người ta có được về một thiên thể khác nằm ngoài Trái đất. Bản đồ này sẽ giúp người ta hiểu biết rõ hơn về việc Trái đất và các hành tinh lõi đá khác trong hệ Mặt trời đã hình thành và phát triển ra sao. "Chúng tôi sẽ rất nhớ các tàu thăm dò Mặt trăng của mình, nhưng các nhà khoa học cho tôi biết rằng sẽ phải mất rất nhiều năm để phân tích toàn bộ dữ liệu chúng thu thập được và đó cũng là lý do vì sao chúng tôi đã tới Mặt trăng" - giám đốc quản lý dự án GRAIL David Lehman ở NASA cho biết - "Tạm biệt, Ebb và Flow. Chúng tôi cám ơn các bạn." Được phóng lên từ tháng 9/2011, Ebb và Flow đã bay quanh quỹ đạo Mặt trăng kể từ ngày 1/1. Đã có thời điểm chúng chỉ bay cách những ngọn núi cao nhất Mặt trăng chỉ vài cây số.
Hai tàu thăm dò của NASA đã đâm vào Mặt trăng ảnh 1
Đồ họa 2 tàu thăm dò Mặt Trăng Ebb và Flow gửi tín hiệu về Trái Đất (Nguồn: NASA)
Ebb và Flow đã sử dụng các động cơ tên lửa chính của chúng cho tới khi các bình nhiên liệu đã cạn kiệt. Hoạt động tiêu thụ nhiên liệu của chúng đã cho NASA biết rằng nhiên liệu của 2 con tàu còn lại bao nhiên và giúp cải thiện hoạt động tính toán về việc các nhiệm vụ tương lai sẽ cần tiêu thụ bao nhiêu nhiên liệu. Nhiệm vụ GRAIL trị giá 500 triệu USD là sứ mạng khám phá Mặt trăng thứ 110. Các nhiệm vụ này bao gồm 6 chuyến bay đưa người lên Mặt trăng trong khuôn khổ chương trình Apollo kéo dài từ năm 1969 - 1972 đã giúp đưa 12 người Mỹ tới thăm nhà của chị Hằng./.
Linh Vũ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục